Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu chứng khoán ‘dậy sóng’ theo VN-Index!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu chứng khoán ‘dậy sóng’ theo VN-Index!

Đăng Linh

(KTSG) – Dù mặt bằng định giá đang còn khá hấp dẫn nhưng chứng khoán là một ngành mang tính chu kỳ, có biến động rất lớn và phụ thuộc vào nhiều biến số.

Cổ phiếu chứng khoán 'dậy sóng' theo VN-Index!
Chứng khoán đang là nhóm thu hút được dòng tiền lớn trên thị trường, bên cạnh nhóm ngân hàng và thép. Ảnh: THÀNH HOA

Hưởng lợi nhờ thanh khoản gia tăng

Bắt đầu từ giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5-2021 đến nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có một đợt tăng điểm mạnh, qua đó trở thành một trong những nhóm ngành dẫn dắt quan trọng giúp VN-Index liên tục chinh phục những đỉnh cao mới.

Cụ thể, các cổ phiếu chứng khoán đang niêm yết trên sàn như SSI, HSC, VND, VCI… đều đã có mức tăng trên dưới 50% đi kèm khối lượng giao dịch cũng không ngừng cải thiện. Đây là những biểu hiện rõ rệt nhất cho thấy chứng khoán đang là nhóm thu hút được dòng tiền lớn trên thị trường, bên cạnh nhóm ngân hàng và thép.

Trong thời điểm hiện tại, việc tăng mạnh của cổ phiếu ngành chứng khoán dường như đang chủ yếu dựa trên yếu tố kỳ vọng và sự luân chuyển của dòng tiền nhiều hơn là các chỉ số định giá.

Trên cơ sở đó, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có lẽ sẽ thích hợp với các nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn hơn là nắm giữ lâu dài.

Về mặt thông tin, việc nhà đầu tư tìm đến nhóm chứng khoán là điều không khó để lý giải. Có hai yếu tố chính đang là “trợ thủ” đắc lực cho ngành này là giá trị giao dịch tăng đột biến và chỉ số chung VN-Index liên tục “bay cao”.

Theo thống kê, giá trị giao dịch bình quân năm tháng đầu năm của thị trường cổ phiếu Việt Nam ở mức 21.214 tỉ đồng/phiên, tăng 186% so với cùng kỳ. Đóng góp chính cho sự cải thiện thanh khoản này là sự tham gia của các nhà đầu tư mới trong nước, hay còn gọi là “nhà đầu tư F0”.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), từ đầu năm 2021 đến nay, các nhà đầu tư đã mở mới 480.000 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lũy kế trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên 3,2 triệu tài khoản, tương đương hơn 3% tổng dân số Việt Nam.

Giá trị giao dịch tăng đồng nghĩa với doanh thu môi giới và doanh thu cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán (CTCK) cũng gia tăng theo, nhất là trong bối cảnh margin của các CTCK thời gian gần đây luôn ở trạng thái “căng thẳng”, thậm chí “chạm trần” (gấp 2 lần vốn chủ sở hữu) tại một số công ty.

Ngoài doanh thu từ phí môi giới và margin thì việc thị trường tăng còn trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh (KQKD) của các CTCK thông qua hoạt động tự doanh. Theo thống kê của FiinPro, khối tự doanh CTCK trong quí 1-2021 đã mua vào 678 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, trị giá 27.280 tỉ đồng, trong khi bán ra 851,5 triệu cổ phiếu, trị giá 28.600 tỉ đồng.

Tổng khối lượng bán ròng của khối tự doanh ở mức 173,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là hơn 1.342 tỉ đồng. Việc bán ra hàng loạt cổ phiếu đã giúp cho các CTCK thu được lãi lớn. Tại CTCK MB (MBS), lãi bán các tài sản tài chính EVTPL trong quí 1-2021 đạt 38,6 tỉ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, tại CTCK SSI và HSC, lãi bán các tài sản tài chính EVTPL trong quí đầu năm nay lần lượt là 378 tỉ đồng và 625 tỉ đồng, tăng tới 372% và 286% so với cùng kỳ năm 2021.

Định giá vẫn rẻ?

Về tổng thể, bức tranh KQKD quí 1 của các CTCK đều khá tích cực. Theo báo cáo phân tích phát hành mới đây của CTCK SSI, 31 trong tổng số 35 CTCK niêm yết có tổng lợi nhuận trước thuế quí 1-2021 đạt 3.716 tỉ đồng, tăng gần 46 lần so với mức 81,4 tỉ đồng đạt được trong quí 1-2020.

Điều này xuất phát chủ yếu từ các nguyên nhân sau: nền so sánh rất thấp của quí 1-2020 do ảnh hưởng mới bùng phát của dịch Covid-19; thanh khoản thị trường chung tăng vọt nhờ lớp nhà đầu tư mới gia nhập; doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư tăng từ mảng trái phiếu doanh nghiệp và thu nhập tự doanh tăng.

Ngoài KQKD khởi sắc thì hoạt động của các công ty trong ngành này trong quí đầu năm cũng có những điểm đáng chú ý.

Thứ nhất là các CTCK lớn trong tốp đầu thị phần môi giới trên sàn HOSE đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cạnh tranh, nhờ vậy thị phần môi giới có sự cải thiện so với quí 4-2020. Cụ thể, thị phần môi giới của VPS tăng 2,4%, của SSI tăng 0,24%, của HSC tăng 0,33% và của VNDirect tăng 0,18%. Trong khi đó, VCI và các CTCK nhỏ hơn trong tốp 10 lại bị mất thị phần.

Thứ hai, số dư cho vay margin tiếp tục gia tăng. Xét riêng bốn CTCK niêm yết lớn nhất, vào thời điểm cuối quí 1-2021, tổng dư nợ cho vay margin đạt 21.500 tỉ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ. Tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu trung bình tăng từ 65,2% lên 127% trong cùng giai đoạn.

Thứ ba, các CTCK trong tốp 4 đều tích cực triển khai số hóa vận hành, sản phẩm và kênh bán hàng nhằm tăng biên lợi nhuận. Các sản phẩm mới liên tục được triển khai để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư như: trái phiếu doanh nghiệp, sản phẩm cấu trúc liên quan đến tiền gửi ngắn hạn, bảo hiểm nhân thọ, chứng chỉ quỹ mở…

Cũng theo SSI, về mặt định giá, các CTCK trong khu vực hiện đang được giao dịch với mức P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận một cổ phiếu) và P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) bốn quí gần nhất trung bình là 25,1x và 2,8x. So với khu vực thì các cổ phiếu chứng khoán của Việt Nam đang giao dịch ở mức thấp hơn khá nhiều, với P/E và P/B quá khứ tương ứng là 13,9x và 1,6x. Do vậy, SSI cho rằng các cổ phiếu các CTCK đang niêm yết trên sàn hiện có mức giá hấp dẫn và hợp lý để đầu tư dài hạn.

Tuy vậy, một điểm nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là dù mặt bằng định giá đang còn khá hấp dẫn nhưng chứng khoán là một ngành mang tính chu kỳ, có biến động rất lớn và phụ thuộc vào nhiều biến số. Do vậy, mức độ chắc chắn trong các dự phòng về doanh thu và lợi nhuận sẽ có những hạn chế nhất định, dẫn đến các chỉ số P/E, P/B thực tế có thể sẽ sai lệch khá nhiều so với dự báo ban đầu.

Theo quan sát của người viết, trong thời điểm hiện tại, việc tăng mạnh của cổ phiếu ngành chứng khoán dường như đang chủ yếu dựa trên yếu tố kỳ vọng và sự luân chuyển của dòng tiền nhiều hơn là các chỉ số định giá. Trên cơ sở đó, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có lẽ sẽ thích hợp với các nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn hơn là nắm giữ lâu dài.     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới