Thứ Năm, 25/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu công nghệ của Mỹ bị bán tháo giữa nỗi lo ‘bong bóng’ AI

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ khiến vốn hóa của chỉ số Nasdaq 100 ở thị trường chứng khoán Mỹ “bốc hơi” 1.000 tỉ đô la Mỹ trong phiên giao dịch hôm 24-7.

Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ vì đang hoài nghi về triển vọng của trí tuệ nhân tạo (AI) khi họ không rõ mất bao lâu các khoản đầu tư khổng lồ vào công nghệ này mới thu hồi vốn.

Tháo chạy khỏi cổ phiếu công nghệ

Chốt phiên giao dịch hôm qua, chỉ số Nasdaq 100, nơi quy tụ các cổ phiếu công nghệ hàng đầu của Mỹ, giảm 3,65%, khiến vốn hóa suy giảm 1.000 tỉ đô la. Cổ phiếu công nghệ AI, dẫn đầu là Nvidia, Broadcom và Arm Holdings nằm trong số những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất. Riêng nhóm công ty công nghệ lớn của Mỹ, còn được gọi là “Bộ bảy diệu kỳ”, bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla, chứng kiến vốn hóa suy giảm tổng cộng 750 tỉ đô la.

Các nhà giao dịch theo dõi bảng điện ở Sở Giao dịch chứng khoán New York hôm 24-7. Ảnh: Getty Images

Làn sóng bán tháo được kích hoạt sau khi thị trường đón nhận báo cáo thu nhập của Alphabet, công ty mẹ của Google. Trong quí 2, lợi nhuận của Alphabet vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư lo lắng là tập đoàn này đang chi tiêu quá nhiều cho AI.

Trong quí vừa qua, công ty mẹ của Google chi hơn 13 tỉ đô la để xây dựng các trung tâm dữ liệu mới cũng như phát triển các mô hình AI. Con số này tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhà đầu tư vẫn chưa rõ khi nào AI mới bắt đầu mang lại doanh thu có ý nghĩa cho Alphabet. Cổ phiếu Alphabet giảm giá hơn 5% vào lúc thị trường đóng cửa.

“Mối quan tâm bao trùm của nhà đầu tư là tỷ suất hoàn vốn của tất cả chi tiêu cho cơ sở hạ tầng AI. Các tập đoàn công nghệ đã chi tiêu một số tiền khá điên rồ cho AI. Nhưng nhà đầu tư nhận thấy sẽ mất nhiều thời gian để thu hồi vốn và thu nhập trong ngắn hạn của các tập đoàn công nghệ sẽ bị tổn thương bởi những khoản chi tiêu khổng lồ này”, Alec Young, nhà chiến lược đầu tư của Mapsignals nói.

Định giá cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ đã lên các mức cao trong lịch sử. Hai tuần trước, chỉ số giá cổ phiếu trên thu nhập (EPS) tương lai của nhóm ngành công nghệ thông tin trong chỉ số S&P 500 đạt mức cao nhất kể từ năm 2002. Cổ phiếu Nvidia đang được định giá ở mức gấp 36 lần lợi nhuận dự kiến ​​trong 12 tháng tới sau khi giá cổ phiếu của công ty giảm 7% hôm qua.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư xoay vòng vốn từ lĩnh vực công nghệ sang các lĩnh vực khác dự kiến hưởng lợi nhiều nhất khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất trong những tháng tới.

Các lãnh đạo ngành công nghệ nhấn mạnh, AI sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống hiện đại, giống như cách mà Internet hoặc điện thoại di động đã làm. Công nghệ AI thực sự đã tạo ra những thay đáng kể, được sử dụng để dịch tài liệu, viết email và viết mã lập trình. Nhưng mối lo ngại lớn hiện nay ở là liệu ngành công nghệ có thể sớm thu hồi được hàng chục tỉ đô la mà họ đã đầu tư vào AI hay không.

Lo ngại ‘bong bóng’ AI

Đà tăng giá bùng nổ của các cổ phiếu AI giúp vốn hóa của chỉ số S&P 500 tăng thêm 9.000 tỉ đô la trong năm qua. Một số nhà phân tích ở Phố Wall cảnh báo, điều này đang bơm căng bong bóng chứng khoán có thể sắp “phát nổ”.

Neville Javeri, nhà quản lý danh mục đầu tư của Allspring Global Investments cho rằng, cơn sốt AI đang bắt đầu suy yếu. Theo ông, nhà đầu tư nhận thấy, các khoản đầu tư lớn vào AI của các tập đoàn công nghệ có thể chưa tạo thành quả trong thời hạn mà họ hình dung.

Cổ phiếu Alphabet giảm giá hơn 5% vào lúc thị trường đóng cửa hôm qua. Ảnh: CNBC

Trong vài tuần qua, các ngân hàng đầu tư lớn ở Phố Wall gồm Goldman Sachs và Barclays, cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm như Sequoia Capital đưa ra báo cáo bày tỏ lo ngại về tính bền vững của cơn sốt đầu tư AI. Họ cho rằng, công nghệ này có thể không thu về số tiền tương xứng để bù đắp cho hàng chục tỉ đô la đã đầu tư.

Jim Covello, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần của ngân hàng Goldman Sachs lập luận, triển vọng thương mại hóa AI đang bị thổi phồng quá mức. Ông lo ngại về chi phí khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng điện toán cần thiết đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn.

“Dù chi phí đầu tư đắt đỏ nhưng công nghệ AI vẫn chưa phát triển đến mức cần thiết để trở nên hữu ích. Việc xây dựng quá mức những thứ mà thế giới không sử dụng hoặc chưa sẵn sàng thường dẫn đến kết cục tồi tệ”, Covello cảnh báo.

Báo cáo của Barclays dự đoán, bắt đầu từ năm 2026, các tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ chi khoảng 60 tỉ đô la năm để phát triển các mô hình AI. Nhưng họ chỉ thu về khoảng 20 tỉ đô la doanh thu mỗi năm từ AI. Các nhà phân tích của Barclays cho biết, con số đầu tư đó đủ để cung cấp năng lực điện toán vận hành 12.000 sản phẩm có quy mô tương tự ChatGPT của OpenAI.

Giới đầu tư mạo hiểm cũng rót thêm hàng chục tỉ đô la vào hàng ngàn công ty khởi nghiệp  AI. Họ đã cam kết tài trợ 27,1 tỉ đô la cho các startup AI ở Mỹ trong quí 2, chiếm gần một nửa tổng vốn mà các startup khác của Mỹ huy động được trong cùng kỳ, theo dữ liệu của PitchBook.

Theo Vineet Jain, CEO của Egnyte, một công ty quản lý dữ liệu và AI, chi phí phát triển và vận hành các chương trình AI sẽ giảm xuống khi các công ty khác cạnh tranh với Nvidia. Hiện tại, chi phí cung cấp các dịch vụ AI còn quá đắt. Vì vậy, Jain cho rằng, doanh thu từ AI trong năm nay sẽ không đáng kể. Nhưng khi chi phí giảm và nhu cầu tiếp tục tăng, điều đó sẽ thay đổi.

Jain cho biết, các công ty lớn hơn như Google và Microsoft có đủ nguồn lực để tiếp tục chi tiêu cho đến khi nhu cầu về các sản phẩm AI tăng lên. Nhưng các công ty khởi nghiệp AI, vốn phụ thuộc vào vốn đầu tư mạo hiểm, có thể không trụ vững cho đến khi AI được phổ cập rộng rãi.

Theo Bloomberg, Washington Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới