(KTSG) - Việc đầu cơ theo sóng cổ phiếu dầu khí trong ngắn hạn đòi hỏi nhà đầu tư có sự thận trọng nhất định, nhất là trong bối cảnh thị trường chung vẫn chưa thể vượt qua vùng kháng cự quanh 1.300 điểm.
- Năm 2022 - kiên nhẫn chờ “quả ngọt” từ nhóm cổ phiếu dầu khí!
- “Sóng” cổ phiếu dầu khí có thể kéo dài bao lâu?
Giá cổ phiếu tăng theo thông tin về dự án “khủng”
Trong một tháng trở lại đây (tính tới đầu tháng 9-2022), nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến khởi sắc hơn hẳn thị trường chung với sắc xanh bao phủ hầu hết các mã trong ngành như mã PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, mã PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, mã BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, mã GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas).
Đáng chú ý là dường như đà tăng giá này không xuất phát từ các yếu tố khách quan thường thấy như giá dầu thế giới tăng vọt (trên thực tế, giá dầu thế giới đã quay đầu giảm hơn 20% từ giữa tháng 6 đến nay, có lúc xuống mức thấp hơn cả trước khi xảy ra chiến sự Nga - Ukraine).
Do đó, diễn biến tích cực của giá cổ phiếu dầu khí gần đây được cho là đến từ động lực khác, đó là dự án Lô B - Ô Môn tại Cần Thơ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, bao gồm nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.
Lô B - Ô Môn là đại dự án khí của Việt Nam nên sẽ không bị tác động nhiều từ các sự kiện địa chính trị trên thế giới. Nếu dự án này được triển khai, nhóm kỹ thuật dầu khí, thăm dò, khảo sát địa chất như PVS, PVD sẽ được hưởng lợi đầu tiên, do đây là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thượng nguồn và nhà thầu EPC (thiết kế - mua sắm thiết bị - xây dựng, vận hành).
GAS cũng sẽ hưởng lợi theo hướng nguồn khí tăng lên, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu điện, đạm. Trên thực tế, các nhà máy điện có tình trạng thiếu khí nhiều tháng nay do các mỏ khí hiện hữu không đủ đáp ứng. Ngoài ra, GAS được đánh giá còn hưởng lợi từ việc vận chuyển khí cho các nhà máy điện, đạm.
Một số doanh nghiệp khác cũng sẽ được hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn như Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí, Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí.
Kỳ vọng sớm
Về hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí (E&P), theo Công ty Chứng khoán HSC, nhu cầu dịch vụ E&P vẫn đang bị trễ bất chấp giá dầu tăng đáng kể gần đây. Nguyên nhân là do sự chuyển hướng sang năng lượng xanh tại các nước phát triển đã cản trở các ông lớn ngành dầu khí đầu tư vào các dự án thượng nguồn mới. Cùng với đó, các nhà đầu tư vào dịch vụ E&P hài lòng với cổ tức bằng tiền mặt hoặc mua lại cổ phiếu thay vì đầu tư vào các mỏ khí mới.
Việt Nam phải phát triển được điện khí trong nước, đảm bảo đầu ra thì mới có thể bắt đầu hoạt động khai thác khí. Trong khi đó, dự án Nhiệt điện khí Ô Môn III (sẽ sử dụng nguồn cấp khí từ Lô B) chỉ vừa mới được thông qua chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, trong những quí sắp tới, các nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm dầu khí. Dù rủi ro vẫn hiện hữu trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng cao, cùng với động thái tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, nhưng theo Công ty Chứng khoán HSC, vốn đầu tư vào dịch vụ E&P sẽ tăng mạnh.
Theo đó, nhu cầu đầu tư vào dịch vụ E&P cải thiện chỉ là vấn đề thời gian. Giá dầu Brent vẫn duy trì ở trên mức hòa vốn sản xuất tại khu vực Đông Nam Á sẽ khuyến khích các chủ mỏ đẩy mạnh đầu tư vào dịch vụ E&P, từ đó hỗ trợ giá thuê các dịch vụ thượng nguồn và tăng thêm khối lượng công việc cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Với vốn đầu tư cơ bản dự kiến là 10 tỉ đô la Mỹ, đại dự án khí Lô B - Ô Môn được kỳ vọng sẽ hồi sinh ngành dịch vụ E&P của Việt Nam và PVS sẽ hưởng lợi lớn nhất từ sự kiện này. Khi dự án Lô B - Ô Môn được thông qua, PVS được kỳ vọng sẽ nhận được hợp đồng tiềm năng trị giá 1,3 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2023-2025 với tư cách là nhà thầu EPC chính.
Cùng với đó, GAS và PVD là những doanh nghiệp khác được hưởng lợi. Hiện GAS là nhà đầu tư chính của dự án đường ống Lô B - Ô Môn, sẽ vận chuyển tối đa 7 tỉ mét khối khí tự nhiên/năm, tương đương khoảng 70-80% sản lượng khí đường ống hiện tại của Việt Nam. Trong khi đó, PVD sẽ thực hiện chiến dịch khoan dài hạn cho dự án này với khả năng sinh lời cao hơn so với các hợp đồng trong khu vực.
Mỏ khí Lô B - Ô Môn được ước tính sẽ cung cấp 7 tỉ mét khối khí tự nhiên/năm với trữ lượng 176 tỉ mét khối. Nằm trong lưu vực Mã Lai - Thổ Chu ngoài khơi bờ biển Tây Nam, dự án Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong nửa cuối năm 2025, chậm hơn hai năm so với kế hoạch muộn nhất.
Các nhà điều hành dự án bao gồm PVN (sở hữu 42,9% cổ phần), nhà điều hành E&P trong nước PVEP (sở hữu 26,8% cổ phần, cũng là một công ty con của PVN), và hai công ty E&P hàng đầu châu Á là Moeco của Nhật Bản (sở hữu 22,5% cổ phần) và PTTEP của Thái Lan (sở hữu 7,7% cổ phần).
Vẫn cần thận trọng
Trong những năm qua, dự án Lô B - Ô Môn được đánh giá sẽ trở thành động lực và được các doanh nghiệp ngành dầu khí đặt nhiều kỳ vọng. Mặc dù vậy, dự án này đến nay vẫn chưa có thêm thông tin nào thật sự đáng giá, ngoài sự kiện Thủ tướng Chính phủ có chuyến công tác tại Cần Thơ vào tháng 6-2022, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thượng nguồn (Lô B) trong chuỗi dự án Lô B - Ô Môn.
Một căn cứ khiến chưa nhiều người tin vào việc dự án này sẽ sớm được triển khai là do Việt Nam phải phát triển được điện khí trong nước, đảm bảo đầu ra thì mới có thể bắt đầu hoạt động khai thác khí.
Trong khi đó, dự án Nhiệt điện khí Ô Môn III (sẽ sử dụng nguồn cấp khí từ Lô B) có vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ thì UBND thành phố Cần Thơ chỉ vừa mới thông qua chủ trương đầu tư vào đầu tháng 9-2022 với chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điều này ảnh hưởng đến việc ký kết thỏa thuận mua bán khí giữa PVN và EVN, dẫn đến chậm trễ cả chuỗi dự án khí Lô B.
Với những thông tin trên, việc đầu cơ theo sóng cổ phiếu dầu khí trong ngắn hạn đòi hỏi nhà đầu tư có sự thận trọng nhất định, nhất là trong bối cảnh thị trường chung vẫn chưa thể vượt qua vùng kháng cự quanh 1.300 điểm.