Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu ESG ở châu Á vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) ­ - Các quỹ đầu tư đang trở nên lạc quan hơn đối với cổ phiếu của các công ty chú trọng các tiêu chí cao về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ở châu Á. Họ đặt cược rằng chúng sẽ được chú ý trong năm tới nhờ mức định giá hấp dẫn cũng như việc Trung Quốc tái mở cửa trở lại và các chính sách hỗ trợ khác.

Cổ phiếu của các công ty sản xuất điện mặt trời, điện gió và pin xe điện đang được các quỹ đầu tư chú ý sau khi lép vế so với cổ phiếu của các công ty sản xuất nhiên liệu trong năm nay. Ảnh: iStock

Nikko Asset Management (Nhật Bản), M&G Investments (Anh) và BNP Paribas Asset Management (Pháp) nằm trong số những quỹ quản lý tài sản đang tăng đầu tư vào cổ phiếu ESG ở châu Á. Họ dự đoán nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo tại các cường quốc kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ và quá trình chuyển đổi khỏi các hoạt động kinh doanh ô nhiễm môi trường trong khu vực sẽ lan tỏa tác động tích cực sang các cổ phiếu ESG.

Các quỹ theo đuổi các khoản đầu tư có trách nhiệm đã trải qua một năm khó khăn khi thị trường tập trung sự chú ý vào các ty năng lượng truyền thống trong bối cảnh giá dầu, khí đốt và than tăng vọt. Trong khi đó, các lo ngại “tẩy rửa xanh” (greenwashing) làm giảm nhu cầu đối với cổ phiếu ESG. “Tẩy rửa xanh” ám chỉ đến việc đưa ra tuyên bố không có cơ sở để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của một công ty là thân thiện với môi trường hoặc có tác động môi trường tích cực hơn so với thực tế.

Tuy nhiên, một loạt các động thái chính sách trong năm nay, từ việc Ấn Độ cập nhật các cam kết sử dụng nhiên liệu sạch đến việc Nhật Bản chuyển hướng khỏi than đá, có nghĩa là chủ đề đầu tư ESG có thể sẽ quay trở lại vào năm 2023, đặc biệt là khi giá nhiên liệu hóa thạch hạ nhiệt và chứng khoán toàn cầu được hỗ trợ từ kế hoạch tăng lãi suất chậm lại của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Jigar Shah, Giám đốc điều hành Maybank Kim Eng Securities Ấn Độ, nhận định trong khi các cổ phiếu năng lượng truyền thống tăng giá mạnh trong năm 2022, chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu vẫn là điểm thu hút nhất đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt là các kế hoạch chuyển tiếp sang năng lượng tái tạo và di chuyển bằng các phương tiện chạy điện.

Sự lạc quan đang bắt đầu thể hiện qua các con số. Chỉ số MSCI Asia Pacific ESG Leaders, theo dõi các cổ phiếu ESG tiêu biểu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng 16% trong tháng 11, vượt qua mức tăng của chỉ số rộng lớn hơn, MSCI Asia Pacific, sau bảy tháng liên tiếp có hiệu suất kém hơn. Trong khi đó, các quỹ đầu tư cổ phiếu ESG đang tăng mức độ tiếp xúc ở châu Á và đã rót 922 triệu đô la Mỹ vào cổ phiếu ESG ở khu vực này trong tháng 10, mức cao nhất trong sáu tháng, theo phân tích của BofA Securities đối với danh mục đầu tư của 327 quỹ đầu tư.

Cổ phiếu năng lượng sạch là một trong số ít cổ phiếu nổi bật trên thị trường Mỹ trong năm nay. Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Invesco Solar, đang quản trị 2,7 tỉ đô la Mỹ tài sản, tăng 2% so với mức giảm 17,5% của chỉ số S&P 500 và mức giảm 30% của chỉ số Nasdaq Composite. Quỹ này chuyên đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.

Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc như Nio tăng vọt trong tháng trước khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 được nới lỏng. Trong khi đó, các công ty năng lượng mặt trời và xe điện của Hàn Quốc có địa điểm xuất sản tại Mỹ được cho là sẽ được hưởng lợi trong năm tới khi Mỹ thực thi Đạo luật Giảm lạm phát với các điều khoản ưu đãi cho năng lượng xanh và xe điện.

Các công ty nằm trong chuỗi cung ứng nickel (kim loại quan trọng của pin xe điện) ở Indonesia cũng đang được Nikko Asset và JPMorgan Asset Management ưa chuộng khi nước này phát triển kho dự trữ nguyên liệu pin và có kế hoạch trợ cấp cho xe điện.

Peter Monson, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Nikko Asset Management Asia, nói ngày càng có nhiều nhà sản xuất ô tô từ khắp nơi trên thế giới đầu tư để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô ở thượng nguồn pin xe điện (thăm dò và khai thác kim loại pin) ở Indonesia và hy vọng sẽ phát triển ngành công nghiệp hạ nguồn pin xe điện (sản xuất và phân phối pin) ở đó.

Peter Monson cho biết Nikko Asset Management Asia đang đầu tư vào nhiều cổ phiếu của các công ty trong chuỗi cung ứng nickel ở Indonesia. Trong khi đó, Vikas Pershad, nhà quản lý quỹ M&G, ủng hộ các công ty xi măng Ấn Độ đang cố gắng sử dụng năng lượng sạch hơn trong quy trình sản xuất của họ.

Tuy nhiên, các quỹ tập trung đầu tư cổ phiếu ESG vẫn phải đối mặt với rủi ro đáng kể. Suy thoái kinh tế ở phương Tây có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trên toàn cầu vào năm tới. Và các động thái chính sách không phải lúc nào cũng hỗ trợ cho cổ phiếu ESG. Ví dụ, ngành sản xuất thiết bị lượng mặt trời của Trung Quốc có thể bị hạn chế nhập khẩu vào Mỹ do bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Mặc dù vậy, chỉ số P/E (giá  trên thu nhập) tương lai của các cổ phiếu ESG ở châu Á vẫn đang ở mức hấp dẫn. Sau khi chỉ số MSCI Asia Pacific ESG Leaders giảm 22% trong năm, chỉ số P/E của các cổ phiếu ESG ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ còn khoảng 13 lần, mức thấp nhất kể từ giữa năm 2018. Chỉ số P/E thấp thường cho thấy mức định giá hấp dẫn của cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng trưởng lớn.

Gabrielle Kinder, chuyên gia đầu tư tại BNP Paribas Asset Management, nói: “Các chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon ở mức zero ròng ở châu Á tiếp tục hình thành trên khắp lục địa này”. Bà cho biết điều đó xảy ra ngay cả khi trọng tâm đầu tư trên các thị trường đang chuyển từ các nghĩa vụ bảo vụ môi trường sang an ninh năng lượng.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới