Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu hàng không trở thành ‘con cưng’ của thị trường

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cổ phiếu của các công ty hàng không ở phương Tây bị hắt hủi trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi các hoạt động của ngành này bị tê liệt gần như chỉ sau một đêm. Họ đã phải cắt giảm chi phí và cho nằm đất hàng ngàn máy bay để vượt qua khủng hoảng. Nhưng hiện nay, với nhu cầu đi lại hàng không phục hồi nhanh chóng, giúp bức tranh lợi nhuận tươi sáng hơn, cổ phiếu hàng không đang bay cao và trở thành “con cưng” trên các thị trường chứng khoán.

ICAO dự báo nhu cầu của hành khách sẽ phục hồi về mức trước Covid-19 trên hầu hết các tuyến bay trên toàn cầu trong quí này và đến cuối năm, sẽ cao hơn khoảng 3% so với mức của năm 2019. Ảnh: Reuters

“Qua cơn bĩ cực, tới hồi thái lai”

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu tấn công vào đầu năn 2020, hãng hàng không Virgin Australia (Úc) rơi vào tình trạng suy kiệt tài chính do gần như dừng hoạt động hoàn toàn chỉ vài tuần sau đó. Đến cuối tháng 4, công ty mẹ Virgin Australia nộp đơn xin phá sản. Nhưng hãng đã trải qua sự lột xác đáng chú ý dưới thời của chủ sở hữu mới là Quỹ đầu tư Bain Capital (Mỹ) và có kế hoạch tái niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán ở Sydney.

Để vượt qua khó khăn, Virgin Australia đã cắt giảm hàng ngàn việc làm và bán các máy bay bay chặng dài để tập trung sử dụng máy bay Boeing 737 Max tiết kiệm nhiên liệu cho các tuyến bay các chặng ngắn. Theo Jayne Hrdlicka, Giám đốc điều hành Virgin Australia, hãng đạt doanh thu 2,5 tỉ đô la Úc trong sáu tháng cuối năm ngoái với biên lợi nhuận khoảng 5%.

Công ty hàng không giá rẻ Ryanair Holdings (Ireland) đã có lãi trở lại trong quí cuối năm ngoái và tiếp tục hoạt động có lãi trong những tháng vừa qua. Hãng American Airlines (Mỹ) cũng đang tập trung vào các tuyến bay có lợi nhuận nhất.

Những hãng này và nhiều hãng hàng không khác đã hợp lý hoạt động, nhờ vậy, họ tận dụng được nhu cầu tăng vọt kể từ khi các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) dự báo nhu cầu của hành khách sẽ phục hồi về mức trước Covid-19 trên hầu hết các tuyến bay trên toàn cầu trong quí này và đến cuối năm, sẽ cao hơn khoảng 3% so với mức của năm 2019.

Jun Bei Liu, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Tribeca Investment Partners ở Sydney, nói: “Cổ phiếu hàng không đã có thể đầu tư trở lại. Giá cổ phiếu của hãng hàng không châu Á sẽ tăng vọt”.

Một chỉ số của Bloomberg theo dõi cổ phiếu 29 hãng hàng không lớn trên thế giới đã tăng hơn 25% kể từ cuối tháng 9.

Quyết định tái mở cửa biên giới của Trung Quốc, thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất trước đại dịch, sẽ thúc đẩy sự phục hồi lưu lượng các chuyến bay đến và đi từ các điểm đến yêu thích như Mỹ, Nhật Bản và Singapore. Tại Hồng Kông, hãng Cathay Pacific Airways sẽ có lãi lần đầu tiên kể từ năm 2019, theo dự báo của các nhà phân tích.

Đó là một bước ngoặt lớn đối với một ngành công nghiệp đã chịu khoản lỗ lên tới 200 tỉ đô la trong 3 năm qua. Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng chục nghìn phi công, tiếp viên hàng không, nhân viên mặt đất bị mất việc làm. Trong khi đó, các bãi chứa máy bay ở những  sa mạc ở California, Mỹ và miền trung nước Úc chật kín máy bay không còn nhu cầu sử dụng.

Triển vọng tăng trưởng vững chắc

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các hãng hàng không trên toàn cầu sẽ đạt lợi nhuận 4,7 tỉ đô la vào năm 2023. Dù con số đó chỉ là phần nhỏ trong số 26,4 tỉ đô la mà họ kiếm được trong năm 2019, nhưng các chỉ số tài chính quan trọng cho thấy ngành này đang trên đà tăng trưởng vững chắc trong nhiều năm.

Chẳng hạn, khả năng trả nợ bằng thu nhập của họ đã trở lại mức trước đại dịch và sẽ cải thiện hơn nữa cho đến năm 2025, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Điều đó có nghĩa là các hãng hàng không có nhiều khả năng vượt qua các cú sốc nhu cầu trong tương lai hơn và ít có khả năng vỡ nợ hơn.

Volodymyr Bilotkach, giáo sư quản lý hàng không tại Đại học Purdue ở bang Indiana, Mỹ, nói: “So với các dự báo u ám trong thời kỳ đại dịch, ngành hàng không đang hoạt động khá tốt. Sau cuộc khủng hoảng Covid-19, một số hãng phát triển tốt hơn trước”.

Nhưng sự hồi sinh diễn ra không đồng đều. Trong tháng này, hãng bay giá rẻ Flyr của Na Uy đã nộp đơn xin phá sản chưa đầy hai năm sau khi bắt đầu bay. Hãng hàng không giá rẻ Flybe của Anh cũng vừa dừng hoạt động sau khi vỡ nợ.

Hiện nay, có một khoảng cách lớn giữa lượng ghế có sẵn bị hạn chế trên các máy bay và nhu cầu đi lại hàng không đang bùng nổ. Điều này cho phép các hãng hàng không tăng giá vé.

Scott Kirby Giám đốc điều hành của Công ty hàng không United Airlines Holdings (Mỹ) nhận định: “Các động lực cung cầu hiện nay khác với những gì tôi từng chứng kiến trong sự nghiệp của mình. Tôi nghĩ tỷ suất lợi nhuận khắp ngành hàng không sẽ cao hơn”.

Hãng American Airlines báo cáo doanh thu quí 4 kỷ lục vào tháng trước. Robert Isom, Giám đốc điều hành American Airlines, ghi nhận các nỗ lực cải thiện hoạt động trong đại dịch đã giúp công ty ông vận hành hiệu quả hơn. Ông nói: “Đây là khoảng thời gian lượng đặt chỗ sau kỳ nghỉ Giáng sinh tốt nhất từ trước đến nay của chúng tôi”

Nhu cầu đi lại hàng không trỗi dậy đúng vào lúc nguồn cung lao động hạn chế. Đối với nhiều hành khách, điều đó sẽ khiến họ phải xếp hàng dài trước các quầy làm thủ tục thiếu nhân viên ở sân bay hoặc chờ đợi lâu ở băng chuyền hành lý. Đối với các nhà đầu tư, điều đó có nghĩa là một số hãng hàng không đang tạo ra doanh thu trên mỗi nhân viên cao hơn gấp đôi so với hai năm trước.

Neil Sorahan, Giám đốc tài chính Ryanair, nói: “Chúng tôi sẽ tạo ra lợi nhuận kỷ lục trong năm tài chính hiện tại. Chúng  tôi hy vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận trong năm tới và hơn thế nữa”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới