Chủ Nhật, 6/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu ngân hàng có trở lại đường đua cuối năm?

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong phiên hôm thứ Sáu (24-12), nhóm cổ phiếu ngân hàng lại gây chú ý với nhiều mã tăng trần, có mã đã tăng đến 20% tính theo tuần, giúp thị trường lấy lại đà sau phiên giảm sâu, đồng thời mang đến hy vọng cuối năm cho các cổ đông ngân hàng.

Trong tuần thứ 52 của năm 2021, chỉ số VN-Index biến động mạnh với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Sau ba phiên đầu tuần biến động hẹp, chỉ số bất ngờ giảm mạnh hơn 20 điểm trong phiên ngày 23-12, nhưng sau đó hồi phục mạnh tương ứng trong phiên cuối tuần ngày 24-12. Kết thúc tuần, chỉ số đóng cửa ở mức 1.477,03 điểm, gần như đi ngang khi giảm 0,19% (tương đương 2,76 điểm), là mức biến động ít nhất trong khoảng hơn 6 tháng gần nhất.

Đáng chú ý trong tuần qua là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong phiên thứ Sáu, nhóm ngân hàng đã bật tăng mạnh trở lại sau nhiều phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24-12, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên cả ba sàn giao dịch đều đồng loạt tăng giá, trong đó có 4 mã tăng trần là EIB, HDB, TPB và SHB, còn VPB cũng tăng 5,7%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh đều tăng đáng kể như VCB (2,6%), BID (1,4%), CTG (2,2%).

Còn nếu tính theo tuần, cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng đã có tuần tăng điểm nhờ sự bứt phá ngoạn mục phiên cuối tuần, giá trị giao dịch tiếp tục giảm cho thấy lực cung bán đã giảm, báo cáo Fiintrade nhận định.

Trong số này, cổ phiếu EIB có mức tăng 20% trong tuần với câu chuyện kỳ vọng về bán cổ phiếu cho đối tác chiến lược; theo sau là VCB, SSB, MSB, TPB.

Phiên tăng mạnh cuối tuần vẫn chưa đủ bù đắp cho các phiên giảm trước đó của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nguồn: Fiintrade

Ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm giá là nhóm ngân hàng vừa và nhỏ như PGB, BVB, OCB, SHB, VBB, với mức giảm từ 3-5%. Cổ phiếu VCB đã phục hồi mạnh trong tuần và chuyển từ trạng thái giảm sang tăng 4% từ đầu năm, còn BID là cổ phiếu duy nhất còn giảm 8% tính từ đầu năm.

Trong tuần qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước là bên mua ròng duy nhất. Dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm thực phẩm đồ uống, ô tô và phụ tùng, giảm ở nhóm ngân hàng, chứng khoán.

Theo báo cáo Fiintrade, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30) bắt đầu có dấu hiệu cải thiện, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa vẫn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt cả về dòng tiền và mức tăng của chỉ số, còn tỷ trọng trung bình giá trị giao dịch của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại giảm so với tuần trước.

Khối lượng giao dịch trên sàn HOSE giảm đáng kể trong phiên cuối tuần, đạt 855 triệu đơn vị khi nhà đầu tư thận trọng hơn sau phiên biến động mạnh trước đó, theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI. Tuy nhiên, tuần trước cũng là tuần giao dịch có phiên thanh khoản đạt kỷ lục trên HOSE. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 32.300 tỉ đồng, tăng 15,3% so với tuần trước đó và 9,9% so với trung bình 5 tuần, theo Fiintrade.

Trong tuần cuối của năm 2021, các công ty chứng khoán nhận định thị trường vẫn tiếp tục đi ngang. “Xu hướng đi ngang vẫn được duy trì trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần quan sát thêm diễn biến ngắn hạn trong các phiên tiếp theo. Thị trường có thể ở giai đoạn cuối của xu hướng đi ngang và bước vào giai đoạn biến động lớn hơn”, Công ty chứng khoán Mirae Asset nhận định.

Đánh giá về kỹ thuật, SSI cho rằng để chỉ số VN-Index quay trở lại xu hướng tăng thì cần đến một phiên tăng điểm tốt, vượt kháng cự 1.482 điểm đi kèm khối lượng giao dịch vượt lên phía trên đường trung bình 50 ngày. Khi đó ngưỡng kháng cự tiếp theo sẽ gần mức 1.500 để tiếp tục đi lên vùng giá mục tiêu tiếp theo là 1.550 điểm trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới