Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu ngân hàng Mỹ bị bán tháo giữa cơn khủng hoảng tiềm ẩn

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quyết định đóng cửa Ngân hàng Silvergate của Silvergate Capital Corp. và động thái huy động vốn vội vàng của SVB Financial Group, công ty mẹ của Ngân hàng Silicon Valley đã gây rúng động trong ngành tài chính Mỹ. Hôm qua, giới đầu tư bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng ở Mỹ và Phố Wall đang bàn tán về việc, liệu đây có phải khởi đầu của một vấn đề lớn hơn nhiều hay không?

Greg Becker, Giám đốc điều hành Công ty tài chính SVB, công ty mẹ của Ngân hàng Silvergate, kêu gọi khách hàng và nhà đầu tư giữa bình tĩnh trước làn sóng rút tiền gửi. Ảnh: Getty

Vấn đề ở cả hai công ty tài chính nói trên là nền tảng khách hàng không ổn định, những người đã nhanh chóng rút tiền trong thời gian gần đây. Tuy nhiên điều này cũng thể hiện vết nứt đang lan rộng khắp lĩnh vực tài chính. Đó là, lãi suất tăng khiến các ngân hàng đang nắm giữ khối lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ không thể bán vội vì sợ thua lỗ. Lãi suất tăng cũng dẫn đến lợi suất các trái phiếu tăng nhưng giá lại giảm và nếu quá nhiều khách hàng rút tiền gửi cùng một lúc thì những ngân hàng này sẽ thiếu vốn để hoạt động

Hôm 9-3, SVB, chủ sở hữu Ngân hàng, cho biết đang bán tài sản và sẽ tiến hành đợt phát hành cổ phiếu trị giá 1,75 tỉ đô  Mỹ để củng cố bảng cân đối kế toán.

Động thái này diễn ra khi các khách hàng gửi tiền của Ngân hàng Silicon Valley, phần lớn là công ty được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm, rút tiền gửi nhanh chóng do cạn kiệt tiền mặt giữa lúc huy động vốn khó khăn. SVB đã thanh lý đáng kể tất cả các chứng khoán có sẵn để bán trong danh mục đầu tư và cảnh báo lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay. SVB lỗ khoảng 1,8 tỉ đô la sau khi bán tháo tài sản, chủ yếu là trái phiếu chính phủ Mỹ.

Điều đáng lo ngại với SBV là một số công ty khởi nghiệp được khuyên nên rút tiền gửi khỏi Ngân hàng Silicon Valley.

Hannah Chelkowski, người sáng lập Blank Ventures, một quỹ đầu tư công nghệ tài chính, cho biết tình hình đang rất hỗn loạn và khó lường. Vì vậy, bà khuyên cho các công ty khởi nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của quỹ này, rút tiền gửi ở SBV.

Giám đốc điều hành SVB Greg Becker cho biết, khách hàng tăng rút tiền trong tháng 2, khiến lượng tiền gửi thấp hơn dự báo. Trước làn sóng rút tiền gửi, hôm 9-3, Greg Becker kêu gọi khách hàng “hãy bình tĩnh”.

Trong khi đó, vấn đề của Silvergate Capital Corp, chủ sở hữu Ngân hàng Silvergate, chuyên phục vụ các công ty đầu tư tiền ảo là tình trạng cạn kiệt tiền gửi đã bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái khi khách hàng vội vã rút tiền để chống chọi tác động lây lan từ cú sụp đổ của sàn giao dịch tiền ảo FTX.

Trong quí 4-2022, gần 70% tiền gửi ở Ngân hàng Silvergate bị rút. Do thua lỗ lớn sau khi bán tháo các tài sản bao gồm trái phiếu chính phủ Mỹ, hôm 8-3, Silvergate thông báo đóng cửa Ngân hàng Silvergate và thanh lý tài sản, trả lại tiền gửi cho khách hàng.

Cú sẩy chân của hai công ty tài chính này khiến giới đầu tư lo ngại sẽ còn nhiều ngân hàng khác gặp vấn đề tương tự.

Hôm 9-3, chỉ số tài chính S&P 500, theo dõi cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Mỹ, giảm 4,1%, phiên giảm điểm tồi tệ nhất của chỉ số từ giữa năm 2020. Giá cổ phiếu của tất cả ngân hàng trong nhóm này đều giảm. Trong đó, cổ phiếu của SVB giảm đến 60%, trong khi vốn hóa của của bốn ngân hàng lớn nhất Mỹ gồm JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo, bị thổi bay tổng cộng 52 tỉ đô la.

Nhiều nhà đầu tư đã rót tiền mua cổ phiếu tài chính để chống chọi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vì đặt cược về việc lãi suất cao sẽ giúp các ngân hàng kiếm được nhiều tiền hơn nhưng diễn biến của thị trường trong tuần này là một cú sốc đối với họ.

“Mọi người đang hỏi ngân hàng nào sẽ rơi vào khủng hoảng tiếp theo? Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi này từ khách hàng của mình”, Jens Nordvig, người sáng lập Công ty phân tích thị trường Exante Data & Market Reader, nói

Theo nhiều nhà phân tích, các rủi ro trước mắt đối với nhiều ngân hàng có thể không phải là vấn đề sống còn nhưng chúng vẫn có thể gây tổn thương lớn. Để tránh tình trạng cạn kiệt tiền gửi, các ngân hàng sẽ buộc phải cạnh tranh gay gắt hơn để thu hút người gửi tiết kiệm bằng cách cung cấp lãi suất cao hơn. Điều đó sẽ làm xói mòn lợi nhuận mà các ngân hàng kiếm được từ hoạt động cho vay.

Các ngân hàng vừa và nhỏ, nơi nguồn vốn thường kém đa dạng hơn, có thể chịu áp lực lớn, buộc họ phải phát hành thêm cổ phiếu và pha loãng quyền sở hữu của nhà đầu tư hiện tại.

“Ngân hàng Silicon Valley chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tôi không lo lắng cho những “ông lớn” ,nhưng rất nhiều ngân hàng nhỏ sẽ hứng một đòn khủng khiếp. Nhiều trong số đó sẽ phải huy động thêm vốn”, Christopher Whalen, Chủ tịch Công ty tư vấn tài chính Whalen Global Advisors nói.

Theo Bloomberg, Reuters, BBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới