Thứ ba, 10/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu ngành y tế Trung Quốc lao dốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các cổ phiếu ngành y tế ở Trung Quốc chứng kiến giá lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi giới chức trách tuyên bố mở rộng cuộc điều tra chống tham nhũng trong ngành dược phẩm.

Trụ sở của Serum Bio-Technology, nhà sản xuất sản phẩm kháng huyết thanh và kháng độc tố, ở Thượng Hải. Fan Zhihe, chủ tịch của công ty này đang bị tạm giam trong một cuộc điều tra chống tham nhũng. Ảnh: Yicai Global

Trong phiên giao dịch sáng 7-8, các cổ phiếu thuộc ngành y tế trong chỉ số CSI 300 (theo dõi 300 cổ phiếu loại A trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến), giảm giá đến 3,4%. Trong đó, cổ phiếu của hai công ty dược phẩm và thiết bị y tế Huadong Medicine Co. và Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics Co. giảm giá mạnh nhất.

Giới đầu tư đang thận trọng sau khi Ủy ban Kiểm tra- kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) hồi cuối tháng trước tuyên bố sẽ tiến hành cuộc điều tra kéo dài một năm để trấn trấn áp nạn tham nhũng trong lĩnh vực dược phẩm trên toàn quốc. Cuộc điều tra sẽ nhắm vào các giám đốc bệnh viện và những người nắm giữ “các vị trí chủ chốt” ở các bệnh viện như một phần trong nỗ lực làm trong sạch ngành y tế có tai tiếng tham nhũng.

Hôm 28-7, CCDI đã chủ trì  một cuộc họp tại Bắc Kinh để thảo luận các bước chuẩn bị cho chiến dịch chống tham nhũng này. CCDI yêu cầu các chính quyền địa phương đẩy mạnh các nỗ lực thực thi pháp luật, theo dõi chặt chẽ những người ở cấp cao hoặc “các vị trí chủ chốt” ở bệnh viện và điều tra cả “việc đưa hối lộ và nhận hối lộ”.

Trong quá khứ, các cuộc trấn áp tham nhũng ở Trung Quốc thường tập trung nhiều hơn vào những người nhận hối lộ. Theo truyền thông trong nước, tính đến ngày 26-7, ít nhất 155 quan chức tại các bệnh viện trên toàn quốc đã bị điều tra vì cáo buộc vi phạm pháp luật. Con số này nhiều hơn gấp đôi so với tổng số quan chức bệnh viện điều tra trong năm 2022.

Các nhà phân tích của Topsperity Securities, cho biết cổ phiếu của các công ty dược phẩm ở Trung Quốc suy giảm vì tin tức nói trên. Chiến dịch chống tham nhũng trong ngành dược phẩm có vẻ đang ngày càng mạnh mẽ hơn với nhiều bất ổn ngắn hạn sắp xảy ra.

Tính đến đầu giờ chiều ngày 7-8, 5 trong số 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương có liên quan đến ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc. Cổ phiếu của China Traditional Chinese Medicine Holdings Co. và Livzon Pharmaceutical Group đều giảm ít nhất 12% tại sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Trong khi đó, cổ phiếu của Betta Pharmaceuticals Co., niêm yết ở Trung Quốc đại lục giảm gần 14%.

“Chiến dịch chấn chỉnh ngành dược phẩm đặc biệt nhắm vào nạn tham nhũng và các hoạt động kinh doanh không công bằng. Có khả năng chiến dịch này sẽ dẫn đến sự không chắc chắn và biến động mạnh ở các cổ phiếu ngành dược phẩm của Trung Quốc trong ngắn hạn”, Manish Bhargava, nhà quản lý quỹ của Straits Investment Holdings ở Singapore nhận định.

Cuối tháng trước, giá cổ phiếu phiếu của Serum Bio-Technology, nhà sản xuất sản phẩm kháng huyết thanh và kháng độc tố, có trụ sở ở Thượng Hải cũng đã lao dốc sau khi thông tin về việc Fan Zhihe, chủ tịch của công ty này đang bị điều tra.

Gia đình của Fan Zhihe đã nhận được thông báo về quyết định tạm giam ông vào ngày 29-7. Yang Cheng, luật sư của Công ty luật Beijing Long An cho biết, Fan Zhihe có thể bị nghi ngờ hối lộ, khuyến khích hối lộ hoặc phạm tội liên đới.

Hồi đầu tháng 7, Zhou Wei, Chủ tịch của Công ty phát triển phầm mềm y tế Win Health Technology Group bị giới chức trách ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, điều tra với cáo buộc đưa hối lộ.

Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng trong ngành dược phẩm bắt đầu phát động vào cuối tháng 7, số lượng các hội nghị học thuật y tế ở Trung Quốc giảm đáng kể. Các hội nghị này bị hủy hoặc trì hoãn sau khi một số chính quyền địa phương yêu cầu các quan chức y tế trả lại các khoản thù lao vô lý, bao gồm cả cái gọi là phí thuyết giảng.

Giới chức trách Trung Quốc gần đây điều tra một số hành vi bất hợp pháp trong ngành dược phẩm. Chẳng hạn, việc nhà sản xuất và đại lý dược phẩm hối lộ các quan chức bệnh viện để quảng bá thuốc của họ hoặc để các bệnh viện công mua các loại thuốc đắt tiền của họ.

Theo Bloomberg, Yicai Global

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới