Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu nông nghiệp và dầu khí thành tâm điểm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu nông nghiệp và dầu khí thành tâm điểm

Triêu Dương

(KTSG) – Sau sóng tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép thời gian qua, dòng tiền có tiếp tục luân chuyển sang các nhóm ngành nông nghiệp và dầu khí? Nếu thị trường chung không rơi vào giai đoạn điều chỉnh sâu, hai nhóm này có thể sớm thu hút dòng tiền.

Cổ phiếu nông nghiệp và dầu khí thành tâm điểm
Theo dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia sẽ tăng. Ảnh: H.P

Tiền xoay vòng đến cổ phiếu nông nghiệp?

Cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang đã có đến chín phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 5-5 đến 17-5-2021, đẩy giá cổ phiếu này tăng đến 92%. Kết quả kinh doanh quí 1 của AGM không có gì nổi bật, với lãi ròng chưa đến 2,6 tỉ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ, dù lợi nhuận trước thuế năm nay đặt ra ở mức 35 tỉ đồng, tăng 17% so với kết quả năm 2020.

Tuy nhiên, trong năm nay AGM dự kiến sẽ bỏ ra 54,6 tỉ đồng trong gần 131,5 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức cho năm 2020, tương ứng tỷ lệ chia lên đến 30% vốn điều lệ. Nhưng đó chưa phải là chất xúc tác duy nhất đẩy giá cổ phiếu này liên tục tăng trần như thế. Vốn hoạt động chính trong mảng sản xuất, chế biến, kinh doanh gạo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu gạo, AGM đang hưởng lợi lớn từ xu hướng tăng mạnh của giá gạo gần đây.

So với đầu năm nay, giá gạo quốc tế đã tăng gần 17%, theo đó dù kim ngạch xuất khẩu gạo giảm 10,8% về khối lượng nhưng vẫn tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 dự báo điều kiện thời tiết không thuận lợi nên sản lượng lương thực giảm ở nhiều quốc gia và nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo giá gạo sẽ tăng trong giai đoạn 2021-2022 do dự trữ gạo cuối kỳ toàn cầu có thể giảm 7,9 triệu tấn xuống còn 168 triệu tấn.

Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Ấn Độ thời gian qua và hạn hán kéo dài ở Thái Lan cũng đang ảnh hưởng đến sản lượng gạo của hai quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu này. Cụ thể sản lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong quí 1-2021 đã giảm 23% xuống còn 1,13 triệu tấn. Quốc gia láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh cũng phải hứng chịu một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, buộc nước này phải phong tỏa hồi đầu tháng này và cản trở hoạt động thu hoạch lúa do thiếu lao động.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo giá gạo sẽ tăng trong giai đoạn 2021-2022 do dự trữ gạo cuối kỳ toàn cầu có thể giảm 7,9 triệu tấn xuống còn 168 triệu tấn.

Ngoài AGM, cổ phiếu LTG của CTCP tập đoàn Lộc Trời cũng thiết lập xu hướng tăng khá tốt từ cuối tháng 4 đến nay.

Tuy nhiên, cổ phiếu những doanh nghiệp kinh doanh gạo khác như cổ phiếu MCF của CTCP Xây lắp cơ khí và Lương thực thực phẩm, TAR của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An lại đang có diễn biến ngược chiều, trong khi cổ phiếu AFX của CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang trên sàn UpCom vẫn đang quá trình tích lũy.

Tuy nhiên, có lẽ không chỉ riêng các doanh nghiệp kinh doanh gạo, mà trước diễn biến dịch bệnh đang bùng phát phức tạp trở lại tại nhiều quốc gia châu Á, cộng thêm giá hàng hóa leo thang toàn cầu thời gian qua, từ nông sản đến nguyên nhiên vật liệu, nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, thực phẩm, theo đó có thể đẩy giá cổ phiếu của các công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lương thực thực phẩm đi lên trở lại.

Ngoài ra, trong trường hợp nếu lạm phát cao quay trở lại, những doanh nghiệp trong lĩnh vực này có vị thế chủ động thiết lập và điều chỉnh giá bán, do đó biên lợi nhuận vẫn có thể được giữ ổn định nên sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất bốn tháng đầu năm tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,77%. Đặc biệt, chu kỳ tăng giá sẽ khó dừng lại khi đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp, nguồn cung nguyên liệu đầu vào ngày càng khan hiếm.

Cổ phiếu dầu khí đã tích lũy đủ lâu?

Ngoài nhóm cổ phiếu nông nghiệp, cổ phiếu dầu khí cũng đang thu hút sự quan tâm trở lại trước diễn biến giá dầu thế giới bật tăng trở lại gần đây. Giá dầu WTI từ đầu năm đến nay đã tăng 40%, trước triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu đang hồi phục trở lại, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 của Mỹ đã đạt được những thành công đáng kể, mở đường cho việc mở cửa trở lại nơi làm việc, trường học và các địa điểm khác. Các hoạt động vận tải, du lịch có thể sớm bùng nổ trở lại sau hơn một năm bị hạn chế, từ đó thúc đẩy nhu cầu cho các loại nhiên liệu tăng mạnh. Sau Mỹ, các nước tại châu Âu có thể sẽ tiếp bước.

Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đầu năm nay cũng đưa ra dự báo tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng dần trong năm 2021 và chạm ngưỡng trước đại dịch là 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm. Theo đó, tiêu thụ dầu trung bình năm 2021 được dự báo đạt 97,7 triệu thùng/ ngày, cao hơn 6% so với năm 2020 và thấp hơn 3,5% so với năm 2019.

Ở chiều ngược lại, nguồn cung dầu toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt do nhóm OPEC chậm tăng sản lượng, trong khi hoạt động khai thác dầu tại Mỹ vẫn trì trệ, do các giàn khoan mới khởi động chậm và chỉ đủ bù đắp sản lượng của các giàn khoan cũ ngưng vận hành. Trong khi đó, hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ vẫn chịu áp lực trước chính sách ưu tiên năng lượng sạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hôm 23-4-2021, Thống đốc bang California, một trong những nơi sản xuất dầu chính của Mỹ, thông báo rằng ông dự định cấm khoan dầu khí đá phiến từ năm 2024 rồi sẽ dần dần ngừng khai thác dầu mỏ vào năm 2045.

Ngoài ra, những xung đột quân sự mới bùng lên giữa Israel và lực lượng Hamas tại dải Gaza, trong đó các đợt phóng hàng loạt rocket của Hamas vào Israel đã đánh trúng đường ống dầu khí gây ra cháy lớn, đang dẫn đến lo ngại làm gia tăng sự phức tạp và căng thẳng tình hình địa chính trị tại khu vực Trung Đông, mà có thể lây lan sang các quốc gia Ảrập và tác động lên giá dầu thế giới. Mới đây Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Vệ binh cách mạng Iran tuyên bố ủng hộ phong trào Hamas chống lại Israel ở Jerusalem và Gaza, trong khi Liên hiệp quốc mới đây cũng cảnh báo nguy cơ chiến tranh toàn diện.

Trong bối cảnh này, cổ phiếu dầu khí có thể lại trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền. Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu này đã có một sóng tăng tích cực trong tháng 2, cũng là thời điểm giá dầu thế giới tăng rất mạnh. Tuy nhiên, giá dầu thế giới sau đó điều chỉnh trong tháng 3 kéo cổ phiếu dầu khí giảm trở lại, nhưng hiện nay dù giá dầu quốc tế đã quay trở lại đỉnh cũ nhưng nhiều cổ phiếu dầu khí như PVS, PVD, PVT, GAS,POS, OIL…vẫn chưa thật sự bứt phá trở lại, dù đã có tín hiệu đi lên trở lại từ đầu tháng 5 đến nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới