Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu tăng trưởng nhờ đại dịch rơi vào thời kỳ ‘ngủ đông’

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các cổ phiếu tăng trưởng cao của ngành công nghệ thăng hoa trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, nhưng giờ đây tiến vào chu kỳ “con gấu” khi thói quen trở lại bình thường của người tiêu dùng và triển vọng tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ khiến giới đầu tư bán tháo chúng.

Trong tháng 4, tổng vốn hóa thị trường của 5 “ông lớn” công nghệ của Mỹ, hay còn gọi là nhóm FAANG, bao gồm Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook), Apple, Amazon.com, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) bị thổi bay hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: worldinformationnow.com

Trong tuần này, chỉ số MSCI World Growth, theo dõi các cổ phiếu mức tăng trưởng lợi nhuận và doanh số cao bao gồm những cái tên như tập đoàn công nghệ Amazon, hãng xe Tesla và hãng chip Nvidia, giảm xuống mức thấp hơn 22% so với mức đỉnh của nó được thiết lập vào tháng 11 năm ngoái.

Đà suy giảm đó xác lập chu kỳ “con gấu” (giảm giá), được định nghĩa là giảm 20% từ mức đỉnh gần nhất. Không giống như cú giảm nhanh vào tháng 3-2000, đợt suy giảm này đánh dấu có sự lao dốc từ đỉnh xuống đáy mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Đà suy giảm của các cổ phiếu tăng trưởng đặc biệt khốc liệt trong tháng 4 với chỉ số MSCI World Growth giảm mạnh nhất trong 20 năm, trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite của thị trường chứng khoán Mỹ, nơi tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ, chứng kiến mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Trong tháng này, tổng vốn hóa thị trường của Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook), Apple, Amazon.com, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) bị thổi bay hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ.

Nhiều cổ phiếu công nghệ tăng giá phi mã trong cơn khủng hoảng đại dịch Covid-19 nhưng bắt đầu hành trình lao dốc thê thảm khi nền kinh tế tái mở cửa và hành vi của người tiêu dùng dần trở lại bình thường. Cổ phiếu của nền tảng hội họp trực tuyến Zoom xác lập mức giá đỉnh 568 đô la vào tháng 10-2020. Hôm 29-4, giá cổ phiếu Zoom chỉ còn 99,57 đô la.

Với lạm phát Mỹ đang ở mức 8,5% và từ nay cho đến cuối năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất thêm 2,25 điểm phần trăm, giới đầu tư đang bắt đầu tin rằng các điều kiện kinh doanh thuận lợi giúp chỉ số MSCI World Growth tăng đến 250% trong thập niên qua đã thay đổi căn bản.

Một số nhà đầu tư nhận định thời kỳ kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ mua gom những cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn có thể đã qua.

“Giờ mọi người đang nhận ra rằng có nhiều thứ để đầu tư hơn là giao vốn vô tội vạ cho bất kỳ công ty nào có ý tưởng về taxi bay hoặc sản xuất xúc xích sạch, không có dấu ấn carbon”, Barry Norris, Giám đốc đầu tư tại Công ty Argonaut Capital, dự đoán thị trường giá xuống sẽ xảy ra ở hầu hết các hạng mục tài sản. Ông cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ không ra tay để giải cứu thị trường trong giai đoạn này.

Một trong những “nạn nhân” của cú sụt giảm sâu của thị trường chứng khoán là quỹ Ark Innovation (Mỹ), chuyên đầu tư vào các công ty tăng trưởng và đang nắm giữa các cổ phiếu của công ty như Coinbase, Block và Spotify. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Ark Innovation giảm 48%. Quỹ Scottish Mortgage Trust, nổi tiếng với các thương vụ đặt cược lớn vào cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ, cũng giảm 34% trong cùng thời kỳ.

Một chỉ số theo dõi cổ phiếu của các công ty công nghệ chưa có lợi nhuận của Ngân hàng Goldman Sachs giảm 39% trong năm nay.

Trong thời kỳ thị trường tăng giá, các cổ phiếu tăng trưởng thường đạt hiệu suất vượt trội so với các cổ phiếu giá trị. Những nhà đầu tư nắm giữ hoặc mua thêm những cổ phiếu này trong những đợt điều chỉnh ngắn hạn của thị trường, đặc biệt khi thị trường chứng khoản giảm sâu vào tháng 3-2020, gặt hái lợi nhuận lớn khi các ngân hàng trung ương tung ra các gói kích thích chưa có tiền lệ, đẩy các chỉ số chứng khoán lên các mức đỉnh cao hơn.

Tuy nhiên, triển vọng tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed đã làm tổn thương cổ phiếu của các công ty công nghệ có mức tăng trưởng cao nhưng lợi nhuận thấp vì dòng tiền trong tương lai của họ trở nên kém hấp dẫn. Trong khi đó, lạm phát tăng vọt đang hạn chế các phương án ứng phó khủng hoảng của các ngân hàng trung ương đúng ngay lúc nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng dâng cao.

Một số nhà đầu tư dường như vẫn cầm cự dù giá trái phiếu của chính phủ Mỹ đang giảm nhanh. Brian Bost, đồng giám đốc bộ phận kinh doanh chứng khoán phái sinh ở Công ty Americas at Barclays, cho rằng cổ phiếu tăng trưởng vẫn được giới đầu tư yêu thích dù chúng bị bán tháo trong thời gian gần đây.

Ông nói: “Thực tế là các cổ phiếu tăng trưởng vẫn đang giao dịch ở mức giá cao nhiều lần so với trước đây. Nếu chúng giảm giá 50%, một số nhà đầu tư sẽ cảm thấy khó khăn để bán một vị thế đang thua lỗ lớn. Nhưng tôi nghĩ giá của cổ phiếu tăng trưởng sẽ còn giảm nữa”.

Một số lãnh đạo quỹ phòng hộ đang đối mặt với thời kỳ khó khăn ở phía trước. Công ty phòng hộ Man Group (Anh), đang nắm giữ danh mục tài sản trị giá 151 tỉ đô la Mỹ, dự báo 2022 sẽ là năm rất khó khăn đối với thị trường cổ phiếu.

Trong khi đó, Michael Hintze, người sáng lập Công ty quản lý tài sản CQS, có trụ sở ở London, đã bán khống cổ phiếu của các công ty công nghệ chưa có lợi nhuận. Michele Gesualdi, người sáng lập Công ty Infinity Investment Partners, nói : “Thị trường đang bước vào trạng thái mới và các nhà đầu tư truyền thống sẽ khó kiếm tiền hơn”.

Các quỹ phòng hộ đang điều chỉnh chiến lược đầu tư để thích ứng với triển vọng khó khăn hơn. Ví dụ, các quỹ phòng hộ của Mỹ duy trì các vị thế nắm giữ ròng, mức chênh lệch giữa vị thế nắm giữ và vị thế bán khống, gần với mức thấp nhất trong 5 năm, theo dữ liệu của Ngân hàng Morgan Stanley.

Trong khi một số nhà đầu tư xem làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán sau khi Nga tấn công Ukraine là một cơ hội mua, thì Lansdowne Partners, một trong những quỹ phòng hộ lớn nhất ở London, cho biết họ sai lầm khi phản ứng như vậy.

Trong thư gửi cho các nhà đầu tư, Lansdowne Partners thừa nhận: “Chúng tôi cảm thấy đây là sai lầm lớn. Các vận động của thị trường trong 12 năm qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thay đổi về cơ bản”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới