Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu thép: Lướt sóng dễ mất ván

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu thép: Lướt sóng dễ mất ván

Hải Lý

(TBKTSG) – Ít có loại chứng khoán nào mang lại nhiều cảm xúc trái ngược cho nhà đầu tư như cổ phiếu thép, đã tăng là lên đỉnh cao và giảm là xuống đến đáy. Lợi nhuận của các doanh nghiệp thép phụ thuộc vào giá thép, mà giá thép thì biến động chẳng kém giá chứng khoán. Bởi thế đầu tư hay “lướt sóng” cổ phiếu thép, nói như một chuyên gia tài chính, phải luôn đặt hai chữ “thận trọng” và “giữ ván” lên đầu.

Đáy và đỉnh

Đầu tháng 3-2009 giá cổ phiếu của Công ty Hoa Sen (HSG-HOSE) rớt xuống 9.000 đồng/cổ phiếu. Ông Lê Phước Vũ, Tổng giám đốc HSG, trong một lần ngồi quán cà phê với lãnh đạo một số công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, nói: “Tháng này chúng tôi vẫn lỗ, nhưng lỗ là mừng vì đã “giải phóng” được hết hàng tồn kho”.

Rồi ông thêm: “Cổ phiếu Hoa Sen mấy bữa nay vẫn giảm, nhưng đã có dư mua giá sàn, không còn cảnh chất đống giá sàn mà không bán được nữa”. Ở thời điểm đó, giá phôi thép thế giới sụt giảm liên tục, các công ty thép nhập nguyên liệu giá cao, đều thua lỗ nặng nề.

Nhưng sự bất ngờ đã xảy ra. Cũng từ giữa tháng 3 năm ấy, cổ phiếu HSG bắt đầu leo dốc và gần bảy tháng sau, đến cuối tháng 9-2009, giá HSG lên đỉnh 64.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 600% so với giá đáy. Con sóng lớn của cổ phiếu thép đã khiến giới đầu tư choáng ngợp. Giá cổ phiếu thép Việt – Ý (VIS-HOSE) “chạy” một mạch từ dưới 20.000 đồng lên gần 150.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu Công ty cổ phần Chế tạo kết cấu thép Vneco (SSM-HNX) “đua marathon” từ dưới 10.000 đồng lên 70.900 đồng/cổ phiếu sau khi doanh nghiệp này công bố lợi nhuận sau thuế năm 2009 đạt 33,3 tỉ đồng trên vốn điều lệ 27,4 tỉ đồng (trước khi tăng vốn). Ngay cả những tay phân tích kỹ thuật kỳ cựu cũng phải buông các hình vẽ, kêu trời: “Không thể đoán định gì từ đồ thị của cổ phiếu thép!!!”.

Sự “bùng nổ” của cổ phiếu VIS, HSG hay SSM được hỗ trợ bởi lợi nhuận mà các doanh nghiệp thép trước đó có nằm mơ cũng không thấy. Năm 2008, VIS đạt lợi nhuận sau thuế 130 tỉ đồng trên vốn điều lệ 150 tỉ đồng (vừa tăng vốn lần đầu từ 100 lên 150 tỉ đồng – NV). Nhưng con số này đến cuối quí 1-2009 mới được công bố và giá cổ phiếu VIS ngay sau đó tăng theo chiều thẳng đứng. Kế đó năm 2009 lợi nhuận sau thuế của VIS “nhảy” lên 229 tỉ đồng. Thép Việt – Ý trở thành đơn vị kinh doanh hiệu quả nhất của Tổng công ty Sông Đà năm ngoái.

Tuy nhiên, các đợt đầu cơ giá thép trên thị trường và việc VN-Index lình xình những tháng đầu năm nay đã buộc giới đầu tư nâng cao “cảnh giác”. Sự quan tâm đến cổ phiếu thép lắng dần. Sáu tháng đầu năm 2010 lợi nhuận sau thuế của VIS chỉ có 50,5 tỉ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ là 115,9 tỉ đồng. Bên cạnh đó, do tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) giảm đột ngột từ 5.150 đồng xuống 2.013 đồng/cổ phiếu. HSG cũng trong tình trạng tương tự khi lợi nhuận sau thuế từ ngày 1-4-2009 đến 30-6-2009 giảm từ 109,8 tỉ đồng xuống 58,7 tỉ đồng cho thời gian từ 1-4-2010 đến 30-6-2010.

Lợi nhuận giảm dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Ngày 6-8-2010, giá cổ phiếu VIS còn 47.500 đồng/cổ phiếu; HSG 26.300 đồng/cổ phiếu; SSM 34.500 đồng/cổ phiếu. Giá những cổ phiếu thép mới niêm yết khác như Tiến Lên (TLH – HOSE) cũng không tránh khỏi cảnh xuống thang, còn 17.400 đồng/cổ phiếu (thấp nhất kể từ khi lên sàn); Thép Pomina (POM – HOSE) 34.000 đồng/cổ phiếu; Thép Dana – Ý (DNY – HNX) 27.700 đồng/cổ phiếu…

Đầu cơ và bài toán vốn

Phần lớn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp thép đều phải nhập khẩu. Bản cáo bạch của Thép Dana – Ý cho thấy một trong những rủi ro mà các công ty thép luôn phải đối mặt là tỷ giá. Thép Dana – Ý nhập 70% thép phế liệu đầu vào, vì thế chọn thời điểm nhập và tính toán thời gian hàng tồn kho là ưu tiên số một. Nhập được nguyên liệu giá thấp và vào lúc tỷ giá ổn định chắc chắn có lợi nhuận, còn ngược lại là thua. Vốn nhập khẩu hoặc trữ hàng của doanh nghiệp thép chủ yếu vay ngân hàng, nên thời gian tồn kho càng lâu, chi phí tài chính càng lớn. Hơn nữa, nếu vòng quay vốn càng dài, rủi ro tỷ giá cũng càng cao. Chỉ cần tỷ giá biến động 5% là công ty thép có thể mất luôn phần lãi.

Trong nửa đầu năm 2010, doanh thu bán hàng của Thép Việt – Ý là 1.472 tỉ đồng, tăng khá mạnh so với mức 811 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng giá vốn bán hàng nửa đầu năm nay lên đến 1.352 tỉ đồng so với 667 tỉ đồng cùng kỳ, tính ra lợi nhuận thuần năm nay chỉ đạt 120 tỉ đồng so với 144 tỉ đồng năm ngoái. Thêm vào đó, chi phí tài chính tăng do lãi vay tăng hơn 10 tỉ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá 5,6 tỉ đồng (nguồn: VIS báo cáo tài chính quí 2-2010). Ngoài ra, VIS đã hết thời gian được miễn giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp. Vòng quay vốn rõ ràng đang là áp lực đối với VIS.

Với Thép Pomina, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ sáu tháng đầu năm 2010 tăng 22,5% so với cùng kỳ, từ 284 tỉ đồng nửa đầu năm ngoái lên 348 tỉ đồng nửa đầu năm nay. Nhưng chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay, cũng tăng nhanh không kém, từ 48 lên 106 tỉ đồng và chi phí bán hàng tăng gần gấp đôi (nguồn: POM báo cáo tài chính sáu tháng 2010 công ty mẹ).

Lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm của Thép Tiến Lên là 68 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 4,8 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Song doanh nghiệp này lại có khoản đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu tới 212 tỉ đồng. Nếu VN-Index không tăng trưởng, TLH sẽ phải trích dự phòng giảm giá cổ phiếu số tiền không nhỏ. Công ty đã trích dự phòng 42,6 tỉ đồng cho khoản đầu tư tài chính nói trên và khi ấy VN-Index vẫn còn trên 500 điểm (nguồn: TLH báo cáo tài chính quí 2-2010).

Miệt mài tăng vốn

Nhằm giảm bớt áp lực vốn vay và chủ động hơn trong vòng quay vốn, các doanh nghiệp thép tìm đến giải pháp phát hành thêm cổ phiếu. Sự pha loãng của cổ phiếu thép, có thể nói, phải được xếp vào tốp đầu.

Thép Pomina, theo Bản cáo bạch niêm yết, có vốn điều lệ 500 tỉ đồng và đạt lợi nhuận sau thuế 445 tỉ đồng, EPS 7.476 đồng/cổ phiếu (năm 2008) và 656 tỉ đồng, EPS 21.240 đồng/cổ phiếu (năm 2009). Sang năm 2010, ngay trước ngày niêm yết, Pomina tăng vốn lên 1.630 tỉ đồng. Sau đó nghị quyết hội đồng quản trị ngày 8-5-2010 quyết định tăng vốn lên 2.073 tỉ đồng bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư lớn và trả cổ tức bằng cổ phiếu. Vốn tăng nhanh, nhưng kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2010 của Pomina chỉ có 612 tỉ đồng, thấp hơn lợi nhuận năm 2009.

Thép Dana – Ý cũng đã được cấp phép tăng vốn từ 150 lên 200 tỉ đồng. Thép Việt – Ý sau hai lần tăng, vốn điều lệ đã từ 100 lên 300 tỉ đồng… Khi lợi nhuận không tăng tương ứng với vốn và trong bối cảnh chứng khoán đang ảm đạm, giá cổ phiếu thép sẽ khó lòng bứt phá.

Cổ phiếu thép đã mang lại lợi nhuận và cũng làm vơi đi túi tiền của không ít nhà đầu tư. Sóng thép lên mạnh bao nhiêu thì cũng xuống thấp bấy nhiêu. Sự đầu cơ giá thép và sản phẩm thép không phải lúc nào cũng tìm được chỗ đứng. Từ nay đến cuối năm, thật khó nhìn ra một con sóng bạc đầu từ phía xa cho cổ phiếu thép.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới