Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cớ sao nuôi ong tay áo?!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cớ sao nuôi ong tay áo?!

BS. Lương Lễ Hoàng (*)

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Hệ miễn dịch nếu phải ngày đêm làm việc dưới tác động của hóa chất trong môi trường ô nhiễm, trong thực phẩm công nghệ, dược phẩm dùng sai… lại thêm gia chủ luôn trong tình trạng “xì trét” thì sớm muộn cũng đến lúc hoặc phản ứng tầm bậy theo kiểu “quân mình chiến thắng quân ta”.

Nói một cách tương đối, cuộc sống của học sinh xứ mình và cuộc đời của các loại tế bào phòng vệ trong cơ thể có ít nhất hai điểm tương đồng. Đó là cả hai phải học quá nhiều, kể cả trong lúc… nghỉ hè!

Đáng nói chỉ ở điểm hiệu quả không phải lúc nào cũng như mong muốn, thậm chí ngược chiều mong đợi. Bằng chứng là không thiếu nạn nhân của cảnh học rất nhiều, học thêm đủ thứ nhưng thi cứ… rớt! Tế bào trong cơ thể cũng thế. Không lạ gì khi nhiều căn bệnh phức tạp thành hình chỉ vì hệ thống phòng vệ có mà như không!

Trở lại với chuyện học hành để chống bệnh. Ngay từ lúc lọt lòng, lực lượng tế bào phòng vệ, cụ thể là bạch cầu và thực bào, đã phải theo học lớp huấn luyện cấp tốc để nhận diện mọi ngoại vật có khả năng gây bệnh.

Chương trình học cam go không chỉ do bệnh nguyên trăm hình vạn trạng, tinh quái khó lường mà vì tế bào phòng vệ chẳng những phải “thiết kế phần mềm tương ứng” để đối phó trong mỗi trường hợp cá biệt mà đồng thời còn “chuyển giao công nghệ” cho tế bào của các thế hệ sau để chiến thuật phòng ngự trở thành sở hữu trí tuệ theo kiểu “cha truyền con nối”. Vừa làm trò vừa làm thầy nên tế bào phòng vệ khó tránh thấm mệt trước lượng bệnh chỉ tăng chứ không giảm trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng và môi trường ô nhiễm hiện nay.

Học nhiều thế vẫn chưa đủ, tế bào “vệ sĩ” còn được huấn luyện để đừng lẫn lộn cấu trúc của cơ thể gia chủ với ngoại vật nhằm phòng tránh trường hợp tế bào phòng vệ hoặc vì quá hăng say, hoặc vì mắt nhắm mắt mở sao đó nên khai hỏa diệt ngay… phe ta!

Cuộc đời bao giờ cũng đồng nghĩa với bất công. Gắng học là một chuyện nhưng học tài thi phận lại là chuyện rất bình thường. Tình trạng gậy ông múa may thế nào rồi nện ngay lưng ông vẫn có thể xảy ra không mấy khó vì: cấu trúc của tế bào phòng vệ bị sai lệch gì đó trong di thể, chẳng hạn vì tác hại của độc chất sinh ung thư, của tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt… khiến tế bào mất khả năng nhận diện đâu là quen, đâu là lạ! Hậu quả quen hay không quen đều là… đối thủ!; Cấu trúc của mô chủ bị biến đổi dưới tác động của hóa chất trong môi trường ô nhiễm, trong thực phẩm công nghệ, dược phẩm dùng sai, sản phẩm gia dụng không an toàn, cũng như vi khuẩn, nấm mốc… khiến tế bào phòng vệ trông gà hóa cuốc, nhìn bạn hóa thù!

Thói thường hễ kèm nhèm bao giờ cũng nhanh nhẩu đoảng; Hệ thống miễn dịch vì phải hoạt động trong tình huống lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác tột độ do gia chủ ngày nào cũng “xì trét” quá đi thôi nên cuối cùng đổ quạu đụng đâu cũng đốn, bạ đâu bắn đó, trúng sai bất cần! Khỏi nói dông dài cũng hiểu đã bắn ẩu dễ gì có chuyện mèo mù vớ cá rán!

Có phản ứng sai lệch nào không để lại hậu quả! Tùy trường hợp cá biệt mà lớp bọc dây thần kinh bị phá vỡ, mặt trong bao khớp bị viêm tấy, cấu trúc của nội tiết tố bị biến đổi, nhân tế bào bị biến dạng, mặt trong mạch máu bị chai cứng, nhu mô nội tạng bị thương tổn… và nhiều nữa. Tất cả không do mũi nhọn phá hoại từ bên ngoài mà đáng tiếc làm sao, chỉ vì phản ứng trật đường rày của hệ thống phòng vệ ngay bên trong cơ thể! Đó cũng là một trong những lý do tại sao các căn bệnh thời đại như cao huyết áp, tiểu đường, thấp khớp… tiếp tục chiếm thế thượng phong trong khi thầy thuốc ngày nay không hề thiếu thuốc! Phía sau chuyện tiền mất tật mang bao giờ cũng là hình ảnh khi mờ khi tỏ của một hệ thống phòng vệ tan nát đội hình khi ứng chiến!

Từ phong thấp, hen suyễn bước qua viêm ruột mãn, tiểu đường, bệnh tuyến giáp, cho đến liệt cơ… thầy thuốc đã đặt tên chung cho cơ chế sinh bệnh theo kiểu vừa mô tả là bệnh tự miễn, do hệ thống miễn nhiễm có lẽ vì cố chạy theo thành tích nên ráng làm gì đó cho có làm mà bất cần hậu quả. Kết quả cuối cùng cũng từa tựa như chuyện học sinh học hết bậc tiểu học mà chưa biết… đọc! Tránh nói cao hơn rồi e mất lòng nhiều… tiến sĩ!

Điểm đáng nói là không phải lúc nào hệ thống miễn dịch cũng phản ứng cái rụp theo kiểu “cạn tàu ráo máng” như thế. Trong nhiều trường hợp, cơ thể phản ứng dưới dạng nhẹ hơn khiến dị ứng không mời cũng đến. Do đó, đừng xem dị ứng như chuyện xui xẻo thoáng qua khi gặp hạn bệnh hoạn. Y sĩ đoàn ở các nước phương Tây ắt hẳn phải có lý do chính đáng khi đã từ lâu khuyến cáo người bệnh nên tìm đến thầy thuốc càng sớm càng tốt một khi phát hiện tình trạng dị ứng xảy ra thường xuyên vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể không còn cắn răng chịu đựng được nữa.

Đợi chi đến tiếng chuông báo động của thầy thuốc. Trên thực tế, không cần tốn công nghiên cứu cũng thừa sức đoán trước là hệ miễn dịch nếu phải ngày đêm làm việc dưới áp lực như thế sớm muộn cũng đến lúc hoặc phản ứng tầm bậy theo kiểu “bán độ” bằng cách tự đá lọt lưới nhà để về nghỉ sớm, hoặc ngồi yên ù lì cho qua giờ hành chính trên tinh thần “ngu gì mà làm”. Chuyện đời xưa nay vẫn thế. Tức nước ắt có lúc vỡ bờ. Tế bào phòng vệ không vô cớ bỗng hết pin! Câu hỏi chỉ là ai đã vụng về rót thêm vào ly nước gần tràn?

____________________________

(*) Trung tâm Oxy cao áp, TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới