(KTSG Online) - Chính phủ có kế hoạch chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế việc nhập khẩu.
- Phấn đấu chủ động 50% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước
- Tiền Giang chuyển đổi gần 4.900 ha đất trồng lúa kém hiệu quả
Đây là thông tin đáng chú ý trong Quyết định số 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 do Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký ban hành.
Theo quyết định này, đến năm năm 2025 sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam đạt 24-25 triệu tấn và 30-32 triệu tấn vào năm 2030. Qua đó, đáp ứng tối thiểu 70% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh.
Ngoài việc cho chuyển đổi đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nói trên, đề án còn đặt ra mục tiêu là công nghiệp hóa sản xuất các loại thức ăn bổ sung trong nước có lợi thế (chế biến vi sinh vật, enzyme, thảo dược, các loại hợp chất thiên nhiên, khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, khoáng tự nhiên...) để cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu vào năm 2025 và 30-35% vào năm 2030.
Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm... làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế.
Trong những năm qua, Việt Nam phải nhập một lượng bắp/ngô, đậu tương/đậu nành từ các nước để làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi (gồm thức ăn chăn nuôi gia cầm, gia súc và thức ăn trong nuôi trồng thủy sản) đều tăng sau mỗi năm.
2022 | 2023 | 2024 | |
Thức ăn chăn nuôi động vật | 20.400.000 | 20.800.000 | 21.445.000 |
Thức ăn thủy sản | 6.150.000 | 6.210.000 | 6.260.000 |
Tổng nhu cầu | 26.550.000 | 27.010.000 | 27.705.000 |
Nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi của Việt Nam luôn tăng mỗi năm. Nguồn: USDA. Đơn vị: tấn
Điều đáng chú ý ở trong báo cáo của USDA là khoảng 75% thành phần sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là nhập khẩu. Trong đó, hai nguyên liệu nhập khẩu tăng theo mỗi năm là bắp và đậu nành, thậm chí, dù là một quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhưng Việt Nam lại phải nhập khẩu khoảng 700.000 tấn gạo tấm mỗi năm (rice bran, broken rice) để làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất | 2022 | 2023 | 2024 |
Đậu nành | 5.950.000 | 6.000.600 | 6.136.100 |
Bắp | 7.480.000 | 7.940.000 | 8.214.900 |
Để có đủ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, Việt Nam nhập khẩu từ bên ngoài, trong đó, đậu nành và bắp là hai mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất. Nguồn USDA. Đơn vị: tấn