(KTSG Online) - Ùn tắc giao thông trên quốc lộ 51, tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ và Bà Rịa - Vũng Tàu là nỗi ám ảnh thường trực đối với giới tài xế và hành khách, nhất là vào các dịp lễ tết và cuối tuần.
Quãng đường chỉ khoảng 100 km nhưng những lúc kẹt xe phải mất mất hơn 5 giờ mới qua được khiến nhiều người mệt mỏi. Đó là chưa kể có người bị trễ hẹn làm ăn và tổn thất kinh tế do kẹt xe là không nhỏ.
Bạn tôi chở hải sản từ cảng cá Vũng Tàu về TPHCM và ngược lại trên quốc lộ này chia sẻ rằng luôn bất an, nhiều lần bị kẹt xe không kịp giao hàng.
Quan sát tôi thấy ngoài lượng lớn ô tô lưu thông thì có rất nhiều xe ben, xe tải và container vận chuyển vật liệu, hàng hóa ra vào các mỏ đá, khu công nghiệp mỗi khi chuyển hướng rẽ trái tùy tiện gây xung đột với dòng xe đi thẳng.
Trong khi đó, hai bên đường có nhiều khu dân cư với cụm công nghiệp Long Thành, Tam An, Nhơn Trạch, Mỹ Xuân, Phú Mỹ... Các trục đường ngang giao cắt lại khá hẹp trong khi mật độ xe ben, xe tải lưu thông dày đặc mà nhất là nhưng nơi ra vào cụm mỏ đá Tân Cang, ngã ba Nam Cao, ngã tư Bến Gỗ.
Quốc lộ 51 có chiều dài toàn tuyến 86 km, khởi đầu tại TP. Biên Hòa (đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai dài 37 km), kết thúc tại thành phố Vũng Tàu (đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 49 km). Trong đó, có 3 trạm thu phí, trạm T1 nằm ở ngã ba Thái Lan tại km 11, trạm T2 tại km 29, trạm Long Sơn tại km 56.
Quá tải phương tiện đã rõ, chỉ riêng đoạn qua thị xã Phú Mỹ hơn 50.000 xe/ngày và có xu hướng tăng khoảng 10% mỗi năm. Lượng xe con quy đổi khoảng 70.000 xe/ngày, gấp 4 lần lưu lượng thiết kế cho quốc lộ 51.
Con đường này còn là “điểm đen” tai nạn giao thông. Theo thống kê, trong năm 2020 có 93 vụ tai nạn trên quốc lộ 51 làm 39 người chết, 82 người bị thương, 123 phương tiện bị hư hỏng. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên quốc lộ 51 đoạn qua tỉnh này đã xảy ra 13 vụ tai nạn làm 11 người chết, 4 người bị thương, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2021.
Quốc lộ 51 gần như là tuyến độc đạo dẫn đến Vũng Tàu đi từ TP.HCM và ngược lại, các tỉnh miền Đông. Mật độ phương tiện quá cao càng khiến mặt đường trở nên chật hẹp, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc và kẹt xe nghiêm trọng không chỉ tại các nút giao mà còn trên nhiều cung đoạn khác.
Cách thức tổ chức giao thông chưa phù hợp khi có quá nhiều vị trí rẽ trái và quay đầu xe giao cắt với các tuyến nhánh đường 80, 81, 965, Nguyễn Văn Tỏ, Bến Gỗ, khu vực chợ Phước Hòa, Phước Thái, Mỹ Xuân, khu công nghiệp Phú Mỹ… Mỗi khi kẹt xe quan sát dễ thấy tại các nút giao đèn tín hiệu xanh và đỏ xung đột với hướng rẽ trái khiến nhiều phương tiện chưa kịp thoát ra.
Ngoài ra, hành lang an toàn tuyến 2 bên bị thu hẹp bởi vỉa hè và lòng đường nhiều nơi bị lấn chiếm để buôn bán, đậu xe trái quy định. Tại một số vị trí xảy ra tình trạng phá dải phân cách để đấu nối vào quốc lộ 51. Điều này khiến cho tình trạng giao thông ở đây luôn căng thẳng, bất an, khó kiểm soát.
Đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có ý nghĩa quan trọng, đưa vào sử dụng sẽ giảm áp lực phương tiện trên quốc lộ 51. Nên chăng, tính toán kết nối thêm với đường dẫn ra vào hệ thống Cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành.
Để chặn bớt đà kẹt xe, giảm “điểm đen” tai nạn giao thông trên quốc lộ 51 thì nên làm nút giao khác mức bằng cầu vượt thép. Loai cầu này thi công vừa nhanh, tiết kiệm chi phí lại có thể tận dụng di chuyển đến nơi khác sử dụng trong trường hợp sau này tổ chức lại giao thông, đưa vào sử dụng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Hà Nội, TPHCM từng giải quyết hiệu quả nạn kẹt xe kinh khủng tại nút giao bằng cầu vượt thép .
Vị trí chọn làm cầu vượt thép phù hợp nhất tại những nút giao có lưu lượng xe quá cao như ở nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường 25B vào huyện Nhơn Trạch, đường vào Khu công nghiệp Gò Dầu (Đồng Nai) và đường vào khu công nghiệp Mỹ Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng đường để buôn bán, đậu đỗ xe trái quy định hoặc mất an toàn giao thông, chế tài nghiêm các trường hợp tự ý kết nối giao thông với các đường ngang dân sinh cho xe máy lưu thông qua.
Nghiên cứu tách riêng làn xe máy và ô tô, xe tải, container bằng giải phân cách cứng. Hạn chế rẽ trái và quay đầu xe tại các điểm giao cắt sẽ an toàn hơn, bớt xung đột với phương tiện đi thẳng. Cần tổ chức lại giao thông để giảm giao cắt với các đường dân sinh.
Cơ quan chức năng cần xem xét hiệu chỉnh thời lượng hoạt động đèn tín hiệu sao cho phù hợp thực tế, tránh xung đột trực tiếp giữa các phương tiện. Đèn xanh là hướng đi thẳng và rẽ phải nếu có. Rẽ trái, quay đầu xe chỉ cho phép tại nút giao rộng thoáng với mật độ giao thông ít hơn và có làn riêng, tăng thời lượng đèn xanh.
Thêm làn tách nhập tại các nút giao thường kẹt xe giờ như đường dẫn lên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, linh hoạt kịp điều chỉnh tăng giảm làn xe tại các trạm thu phí cho phù hợp lượng phương tiện giữa hai chiều.
Đơn vị thu phí hãy thực hiện vai trò quản lý khai thác đảm bảo an toàn giao thông theo quy định, chủ động kiểm tra khắc phục những cung đoạn mặt đường bị bong tróc, lởm chớm ổ gà, kẻ vạch sơn làn đường giữa các làn ô tô. Nhất là hướng về hướng Biên Hòa, hiện trạng mặt đường khá xấu.
Quốc lộ 51 đoạn từ phường 12 (TP Vũng Tàu) tới khu công nghiệp Mỹ Xuân (thị xã Phú Mỹ) đã được gắn 89 camera, hãy tận dụng theo dõi giám sát và ghi lại hình ảnh biển số xe vi phạm giao thông và phạt nguội sẽ góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi lưu thông. Nên gắn camera toàn tuyến cho quốc lộ 51, cụ thể phía huyện Long Thành (Đồng Nai).
Căn bản lâu dài vẫn là rà soát quy hoạch, hạn chế hình thành các khu dân cư hay dự án phân lô bán nền bám dọc theo quốc lộ. Thay vào đó, là tuyến đường tránh phục vụ dân sinh kết nối tại vị trí an toàn và đảm bảo giao thông.
(*) Kỹ sư cầu đường
Bài viết rất hay và dẫn chứng, đề xuất giải pháp cụ thể, chi tiết. Rất mong các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và giải cứu vấn nạn kẹt xe không chỉ QL51 mà là toàn khu vực Đông Nam Bộ.
Đúng rồi, mở mới cao tốc Biên Hoa-Vũng Tàu phải mất 4-5 năm làm xong thu phí xe vẫn cân nhắc lựa chọn, QL 51 vẫn luôn là trục chính phải giải quyết kẹt xe và tai nạn giao thông.