Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có thể kiểm soát được dịch tôm chết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có thể kiểm soát được dịch tôm chết

Huỳnh Kim thực hiện

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương.

(TBKTSG) – Người nuôi tôm ở ĐBSCL đang chịu thiệt hại nặng nề vì tôm chết. TBKTSG đã phỏng vấn PGS.TS. NGUYỄN THANH PHƯƠNG, Trưởng khoa Thủy sản Đại học Cần Thơ, xoay quanh vấn đề này…

TBKTSG: Thưa ông, tình hình tôm chết hiện đang diễn ra như thế nào?

PGS.TS. NGUYỄN THANH PHƯƠNG: Vừa qua tình hình tôm chết đã xảy ra ở nhiều vùng nuôi của ĐBSCL, nhiều nhất là ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Bến Tre. Theo báo cáo của Cục Thú y tại hội thảo “Đánh giá về tình hình bệnh tôm và nghêu và tổ chức giám sát khôi phục sản xuất” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức ngày 11-5, đã có 25.338 héc ta tôm nuôi chết trong tổng số 486.989 héc ta, tương đương 5,20% diện tích nuôi. Theo ước tính của địa phương thì có trên 16.000 héc ta tôm nuôi thâm canh (nuôi công nghiệp) bị thiệt hại, nhiều nhất là ở Sóc Trăng, khoảng 15.000 héc ta; các tỉnh còn lại như Bạc Liêu khoảng 800 héc ta, Cà Mau khoảng 700 héc ta, Bến Tre khoảng 670 héc ta.

Tuy nhiên, theo trao đổi với các địa phương thì diện tích tôm nuôi bị thiệt hại có thể nhiều hơn do quá trình thống kê có thể chưa đầy đủ và tình hình tôm chết xảy ra liên tục. Diện tích tôm nuôi bị chết chủ yếu là tôm sú; tôm thẻ chân trắng không nhiều do tỷ trọng về diện tích thả nuôi ở các tỉnh chưa lớn so với tôm sú.

TBKTSG: Nguyên nhân chính của dịch bệnh này là gì? Có phải do biến đổi khí hậu gây nên không?

– Vừa qua khoa Thủy sản đã phân tích một số mẫu tôm sú và tôm thẻ chân trắng thu ở các ao có tôm chết và tôm chưa chết ở Cà Mau và Kiên Giang thì thấy tất cả mẫu tôm thẻ có nhiễm virus gây hội chứng taura và cả tôm sú và tôm thẻ đều nhiễm virus gây bệnh hoại tử cơ (infectious myonecrosis virus – IMNV). Bệnh IMNV là bệnh mới gây thiệt hại lớn trên tôm ở các nước Nam Mỹ. Tôi nghĩ cần tiếp tục nghiên cứu thêm ở diện rộng để có thể đưa ra nguyên nhân chính xác.

Tôm chết có phải do biến đổi khí hậu tác động không thì chưa có số liệu cụ thể để nói, nhưng qua quá trình khảo sát nghề nuôi tôm năm nay thì thấy thời tiết năm nay có nhiều thay đổi khác thường như nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, mưa lớn đột ngột… lại rơi vào tháng 3 là tháng thả giống chủ yếu của vụ tôm. Chúng tôi cũng có ghi nhận một số trường hợp thả tôm sớm hơn tháng 3 thì hiện nay tôm vẫn tốt. Điều này có thể suy ra là tôm đã lớn gặp thời tiết thay đổi khác thường của tháng 3 thì có thể vượt qua được, còn thả ngay tháng 3 thì tôm nhỏ không vượt qua và nhiễm bệnh. Hiện tượng này có thể ghi nhận bước đầu là có dấu hiệu sự tác động của biến đổi khí hậu.

TBKTSG: Hội thảo mới nhất tại Bến Tre đã đưa ra những giải pháp gì, thưa ông?

– Hội thảo đề nghị các hộ hay trang trại nuôi tôm vẫn tiếp tục thả lại tôm nuôi, có thể là tôm sú hay tôm thẻ chân trắng. Hội thảo cũng khuyến cáo người nuôi nên chuẩn bị ao thật kỹ, dùng formol và vôi để xử lý ao, xét nghiệm giống cẩn thận và nên thả lại với mật độ thưa hơn. Từ nay đến hết năm 2011 nên tập trung cho việc thả giống lại để tránh suy giảm sản lượng tôm nuôi ảnh hưởng đến chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu để có kết luận chính thức nguyên nhân gây bệnh tôm để có giải pháp phòng trị thỏa đáng, đồng thời thường xuyên khảo sát diễn biến của bệnh tôm và quan trắc môi trường để có cảnh báo sớm nhằm tránh nguy cơ tôm chết có thể xảy ra.

TBKTSG: Còn về lâu dài, cần có giải pháp gì?

– Tôi nghĩ nghề nuôi tôm của ĐBSCL, nhất là nuôi tôm thâm canh (công nghiệp) đã phát triển lâu, chất lượng ao nuôi đã đến giai đoạn xấu hay còn gọi là suy thoái; môi trường vùng nuôi một số nơi cũng có vấn đề nên bệnh tôm luôn luôn rình rập người nuôi. Đây là quy luật mà nhiều quốc gia khác cũng gặp phải. Bên cạnh những vấn đề lớn mà chúng ta vẫn thường nói là thực thi quy hoạch, phát triển thủy lợi phục vụ nghề nuôi tôm… thì nhiều biện pháp khác cũng cần được tiến hành.

Tôi xin có vài đề xuất: Một, thường xuyên điều tra về dịch tễ học bệnh tôm để có những giải pháp quản lý dịch bệnh hiệu quả và kịp thời. Hai, có nguồn tài chính thường xuyên cho một số đơn vị có năng lực chuyên môn để có thể phản ứng nhanh với sự xuất hiện bệnh, từ đó có thể đưa ra giải pháp khắc phục hay kiểm soát kịp thời nhằm tránh lây lan; tránh việc có tôm chết rồi mới tiến hành khảo sát nhanh để đưa ra kết luận hay nhận định. Ba, cần tiếp tục phát triển mạng lưới các phòng thí nghiệm về bệnh tôm/cá; có thể là ở những cấp độ chuyên sâu khác nhau nhưng các phòng này phải được đánh giá chéo thường xuyên để đảm bảo độ chính xác. Bốn, tiếp tục đầu tư cho các nghiên cứu chuyên sâu về bệnh tôm nhất là các bệnh mới. Năm, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về kỹ thuật nuôi, nhất là về quản lý môi trường ao nuôi tôm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới