Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà ở một số khu vực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà ở một số khu vực

Lê Anh

(KTSG Online) – TPHCM hiện có 13-14 triệu dân nên việc lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân thành phố là không khả thi. Vì vậy, lực lượng chức năng cố gắng làm sao để đánh giá, khoanh vùng trúng mục tiêu để lấy mẫu xét nghiệm từng khu vực, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC).

Có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà ở một số khu vực
Một con hẻm ở quận Bình Thạnh bị phong tỏa do có người nhiễm Covid-19 – Ảnh: Phong Vũ

Chiều tối 14-6, Sở Y tế TPHCM phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền thành phố vừa quyết định giãn cách theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa.

Tại buổi họp báo, câu hỏi được đặt ra là người dân tự lấy mẫu test nhanh Covid-19 có được không? Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC cho biết, việc test nhanh Covid-19 không khó về mặt kỹ thuật nhưng phải được hướng dẫn của cơ quan y tế. Hiện nay, Bộ Y tế chỉ mới khuyến cáo nhưng chưa có chỉ đạo để người dân tự làm test nhanh.

Trả lời vấn đề có thể lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân thành phố hay không, ông Nguyễn Trí Dũng cho biết TPHCM hiện có 13-14 triệu dân nên việc xét nghiệm trên diện rộng để tầm soát không đơn giản. Do vậy lực lượng chức năng cố gắng làm sao để đánh giá, khoanh vùng trúng mục tiêu để lấy mẫu xét nghiệm, còn lấy mẫu hết người dân thành phố là không khả thi.

Các phóng viên cũng đặt câu hỏi về việc ngành y tế có nghiên cứu cách ly F1 tại nhà hay không? Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho rằng người cách ly tại nhà có yếu tố thuận lợi trong sinh hoạt và tâm lý thoải mái hơn ở nơi cách ly tập trung. Bên cạnh đó, việc cách ly tại nhà F1 thì Nhà nước đỡ phải lo việc tổ chức cách ly tập trung khi số lượng ca F1 tăng cao.

Tuy nhiên, theo ông Hưng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để cách ly. “Quan điểm của Sở Y tế là có thể thí điểm cách ly F1 ở một số khu vực trước khi nhân rộng. Ngành y tế đang tính đến biện pháp sử dụng công nghệ để giám sát mà không vi phạm quyền của người dân” ông Hưng cho biết.

Thông tin tại buổi họp báo, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, việc giãn cách 2 tuần tiếp theo là rất cần thiết để các lực lượng chức năng có thể khoanh vùng, truy vết, giải quyết căn cơ được các chuỗi lây nhiễm.

Ông Hưng khuyến cáo người dân thành phố cần tuân thủ để hợp tác với ngành y tế, chính quyền địa phương thực hiện biện pháp 5K, mang khẩu trang, khử khuẩn để quyết tâm dập dịch trong 2 tuần tiếp theo.  Đặc  biệt, người dân nên hạn chế tiếp xúc với người khác, tốt nhất chỉ nên tiếp xúc với người trong nhà, hạn chế di chuyển, nếu di chuyển, tiếp xúc thì nên ghi lại lịch trình để khi cần khai báo y tế.

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng khuyến cáo trong thời gian này, người dân mắc bệnh nếu chưa cần thiết thì nên hạn chế đến các cơ sở y tế. Đối với các công ty nên quản lý lịch trình đi lại của nhân viên, khi làm việc trong môi trường kín hết sức chú ý đến việc đảm bảo phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hai tuần nữa thành phố có dập triệt để dịch hay không, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, mầm bệnh là đang âm thầm lây lan trong cộng đồng nên chưa biết chính xác 2 tuần hay bao lâu sẽ dập được dịch.

Ông Dũng cho rằng, 2 tuần giãn cách tiếp theo là rất cần thiết vì đây là thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2. “Mặc dù TPHCM quyết định giãn cách thêm 2 tuần, tuy nhiên sau một tuần thành phố sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để quyết định tăng cấp, giữ cấp hay giảm cấp ở một số khu vực” ông nói.

Trước đó, tại cuộc họp sáng 14-6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn địa bàn thành phố theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần. Riêng đối với quận Gò Vấp và quận 12 chuyển từ giãn cách theo chỉ thị 16 sang chỉ thị 15, tùy mức độ, một số khu vực có thể chuyển sang chỉ thị 16 hoặc sang chỉ thị 19.

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tổng số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng từ 18-5 đến 13-6 là 821 ca tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Trong đó, các quận huyện có số ca bệnh nhiều nhất gồm: Gò Vấp (115 ca), quận 12 (72 ca), Bình Thạnh (66 ca), Tân Bình (63 ca), Bình Tân (61 ca), Tân Phú (51 ca).

Theo Sở Y tế, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta (chủng Ấn Độ) gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố.

Các ổ dịch cộng đồng lớn tại thành phố ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận, huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Ngoài ra, đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

 

Mời xem thêm:

Chủ tịch TPHCM yêu cầu giãn cách xã hội từ ngày 31-5

TPHCM giãn cách xã hội, các dịch vụ nào được hoạt động?

Lãnh đạo TPHCM: tính đến giãn cách xã hội nếu dịch tiếp tục lây lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới