(KTSG Online) - Tháng 2 sắp khép lại với một thống kê không vui. Đó là con số người chết vì tai nạn giao thông liên quan đến các chuyến xe khách liên tỉnh. Báo mạng vietnamnet hôm qua giật tít “Cục CSGT cảnh báo gấp sau loạt vụ tai nạn xe khách làm nhiều người chết”(*).
Có thể thấy thêm gì đằng sau câu chuyện buồn này?
Sáng sớm thứ Ba tuần này, một chiếc xe đò liên tỉnh gặp tai nạn khiến ba người chết, 13 người bị thương. Trước đó, rạng sáng ngày 14-2, một tai nạn khác xảy ra cũng trên một chiếc xe đò. Lần này, thiệt hại nhân mạng lớn hơn nhiều, hơn gấp ba lần: 10 người chết, cộng với 11 người bị thương.
Và đây không phải là các tai nạn xe khách gây chết người đầu tiên trong năm nay. Ba vụ tai nạn liên tiếp của ba chiếc xe khách chỉ trong vòng ba ngày, từ 16 đến 18 tháng 1, làm bảy người chết, 29 người bị thương.
Các vụ tai nạn nêu trên có chung ít nhất ba đặc điểm. Thứ nhất, tai nạn đều xảy ra với xe đò chở nhiều người. Thứ hai, chúng đều thảm khốc gây nhiều người chết, bị thương. Cuối cùng, tai nạn đều xảy ra vào thời điểm mà có báo gọi là “khung giờ đen”, từ nửa đêm đến rạng sáng.
Tại sao các tai nạn trên lại xảy ra trong “khung giờ đen”? Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho hiện tượng này, nhưng tựu trung gồm mấy lý do sau đây mà chắc ai cũng đồng ý.
Một, đây là giờ ngủ theo đồng hồ sinh học tự nhiên của con người; thế mà tài xế phải thức để lái xe; thêm nữa, sau nhiều giờ căng thẳng điều khiển chiếc xe, mệt mỏi là khó tránh khỏi. Hai, khi ai cũng ngủ, đường vắng ít xe cộ, tài xế có khuynh hướng tăng tốc. Người ta chạy nhanh hơn nghĩa là xác suất tai nạn cũng cao hơn. Ba, nhiều tài xế vừa chạy xe nhanh hơn, vừa bỏ qua các quy tắc an toàn giao thông, tín hiệu giao thông (ví dụ, nhiều người vượt đèn đỏ). Và cuối cùng, đêm tối nên quan sát của con người cũng kém hơn.
Nói gì thì nói, hơn ai hết, tuy cũng có trường hợp lỗi không hoàn toàn do xe mình gây ra, tài xế chính là người có thể giúp tránh tai nạn cho hành khách trên xe. Trước hết, các bác tài cần ý thức rõ rằng trên xe của mình là tính mạng của bao nhiêu con người. Không như các tai nạn giao thông khác, một vụ đụng xe đò chở nhiều người thường nghiêm trọng hơn bởi lẽ rất dễ gây thiệt hại nhân mạng.
Để giảm thiểu thiệt hại liên quan đến xe đò, mỗi bác tài chỉ được phép lái xe liên tục tối đa bốn tiếng đồng hồ và mỗi ngày chỉ ngồi trước vô lăng không quá 10 giờ đồng hồ. Chúng ta cũng biết với các xe đò, xe tải đường dài, cứ mỗi “ca” bốn tiếng đồng hồ là được khuyến cáo đổi tài. Có thể thấy thêm phần nào chuyện này qua thiết kế của các xe đầu kéo ở các nước phát triển. Đại thể, có hai loại xe đầu kéo: loại không có chỗ nghỉ cho các tài xế chuyên chạy ban ngày (day cab truck) và loại có chỗ nghỉ cho tài xế dùng chạy ban đêm (sleeper cab truck).
Về nguyên tắc, cơ quan chức năng có thể kiểm soát vấn đề đó thông qua các hộp đen trên xe. Nhưng việc kiểm định, kiểm tra hoạt động của các hộp đen này như thế nào trên thực tế là một vấn đề khác.
Đặc biệt, theo người viết, không chỉ tài xế trên xe có thể giúp tránh được tai nạn, có người tuy không cầm vô lăng cũng có thể làm được. Đó là các công ty, doanh nghiệp, chủ phương tiện. Người viết chưa thấy ghi nhận trường hợp nào tài xế xe đò ở Việt Nam phản đối người chủ của họ khi phải lái xe liên tục trên bốn tiếng. Người viết cũng không biết trách nhiệm của người chủ phương tiện đến đâu khi xe đò do họ sở hữu gây tai nạn nghiêm trọng nếu tài xế lái xe liên tục hơn bốn tiếng hay hơn 10 giờ một ngày.
Riêng về vấn đề này, pháp luật cần có thêm những điều khoản bổ sung hay áp dụng những điều khoản hiện hành nghiêm khắc hơn để ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện bên cạnh trách nhiệm của tài xế. Chủ phương tiện không thể vì lợi nhuận mà bỏ qua an toàn của hành khách. Nếu điều tra tai nạn giao thông phát hiện rằng chủ phương tiện (hay người có trách nhiệm) không tuân thủ quy tắc không quá bốn tiếng liên tục và 10 tiếng một ngày, người chủ đó phải cùng chịu trách nhiệm với tài xế và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể bị truy tố.
Người viết còn nhớ mấy chục năm trước, Việt Nam “nổi tiếng ngược” với người nước ngoài về tai nạn giao thông. Mấy chục năm đã trôi qua, nếu những chuyện buồn về tai nạn xe đò liên tỉnh như ở đầu bài vẫn tiếp diễn thì e rằng tiếng xấu đó vẫn còn nguyên.
---------------
Tất cả các tài xế đều muốn được nghỉ đủ để giữ sức khỏe, nhưng xin vào làm việc ở các công ty vận tải xe khách, xe tải đều bắt buộc phải chạy một ngày mười mấy tiếng đồng hồ kể cả đêm khuya . Chuyến xe được sắp xếp chạy theo ý của chủ xe, không có chuyến nào được quyền chạy theo ý muốn của tài xế ,các cơ quan chức năng cũng biết điều này nhưng chưa có biện pháp cụ thể. Bây giờ qui định nếu xảy ra tai nạn, tài xế bị phạt một thì chủ xe bị phạt gấp đôi kể cả bị phạt tù mới hy vọng việc cho tài xế được nghỉ đủ để dưỡng sức , qua đó tránh được tai nạn do tài xế bị thiếu ngủ gây ra