Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có thể xin miễn trừ áp thuế chống bán phá giá tạm thời đường nhập từ Thái Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có thể xin miễn trừ áp thuế chống bán phá giá tạm thời đường nhập từ Thái Lan

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Cục Phòng vệ Thương mại yêu cầu các doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối vối một số sản phầm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Vì sao doanh nghiệp chê hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2020?

Sẽ áp thuế trở về trước nếu nhập khẩu đường Thái Lan tăng đột biến

Đường nhập khẩu từ Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá hơn 33%

Có thể xin miễn trừ áp thuế chống bán phá giá tạm thời đường nhập từ Thái Lan
Nông dân thu hoạch mía ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh

Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương vừa có yêu cầu, các doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị miễn trừ áp thuế như nêu trên tới Cổng dịch vụ công trực tuyến (tại địa https://dichvucong.moit.gov.vn) hoặc gửi tới Cục Phòng vệ Thương mại trước 17 giờ ngày 26-3-2021.

Doanh nghiệp có quyền đề nghị xin miễn trừ như nêu trên, theo Cục Phòng vệ Thương mại, tại điều 10 thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29-11- 2019 của Bộ Công Thương (thông tư 37) quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại có quy định: Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo đó, hàng hoá nhập khẩu rơi vào một trong các trường hợp sau, có thể xem xét miễn trừ, bao gồm:

1. hàng hóa trong nước không sản xuất được.

2. hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được.

3. hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước.

4. hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường.

5. hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước.

6. hàng hóa nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ quy định từ khoản 1 đến khoản 5 điều này (điều 10 của thông tư 37 như nêu trên- PV) phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác.

Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, căn cứ điểm a khoản 1 điều 16 của thông tư 37, tức sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời (Bộ Công Thương đã ban hành quyết định này ngày 9-2-2021- PV), đơn vị này đề nghị các doanh nghiệp nhận thấy "có thể" đáp ứng các điều kiện được miễn trừ (như nêu ở trên- PV) nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Căn cứ khoản 3 điều 16 thông tư 37, tức trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan điều tra thông báo việc tiếp nhận hồ sơ miễn trừ (ngày 24-2-2021), các doanh nghiệp (tổ chức, cá nhân đề nghị miễn trừ – PV) gửi hồ sơ đề nghị miễn trừ tới hai địa chỉ trong thời hạn như đã nêu ở trên.

Trước đó, vào ngày 9-2- 2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%.

Tuy nhiên, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước (gồm cả tạo điều kiện về nguyên liệu cho sản xuất), người tiêu dùng; căn cứ trên thông tin thu thập, tính toán được trong quá trình điều tra, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bên liên quan khác, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế chống bán phá giá, chống trợ đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%.

Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào quí 2 năm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới