Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Có thêm đơn hàng sản xuất nhờ… siêng ‘đi chợ’

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với những người làm xuất khẩu, “đi chợ” quốc tế được xem là một trong những giải pháp mang tính "cứu tinh" để tìm kiếm đơn hàng và mở rộng thị trường, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam đang liên tục sụt giảm.

Việc thường xuyên tham gia các hội chợ quốc tế không chỉ giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm được khách hàng và thị trường mới mà còn có thể học hỏi được những kinh nghiệm thực tế từ các nhà sản xuất, nhà thương mại khắp nơi trên thế giới...

Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, ông Phan Minh Thông (áo đen) đang trao đổi với khách tham quan tại Hội chợ cà phê lớn trên thế giới World of Coffee Athens 2023 vừa diễn ra ở thành phố Athens -Hy Lạp. Ảnh minh họa: DNCC

Khi gian hàng triển lãm là nơi chốt đơn

Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, ông Phan Minh Thông, cho biết tại Hội chợ cà phê lớn trên thế giới World of Coffee Athens 2023 vừa diễn ra ở thành phố Athens (Hy Lạp) vào cuối tháng 6 vừa qua, Phúc Sinh đã chốt được đơn hàng trị giá 50.000 đô la Mỹ với một khách hàng tại ngay gian hàng. Doanh nghiệp Hy Lạp này tiếp tục nối dài danh sách khách hàng ở thị trường khu vực châu Âu của tập đoàn cà phê và tiêu hàng đầu Việt Nam này.

Không chỉ tại hội chợ kể trên, theo chia sẻ ông Thông, thông qua việc tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành ở các nước và khu vực mà trong 6 tháng đầu năm nay Phúc Sinh có thêm một loạt khách hàng và thị trường mới như ở Manta, NaUy, Colombia, và cả Ả rập Saudi.

Trong khi đó, Công ty Khánh Hà Food đang bận rộn trong khâu sản xuất cũng như các thủ tục xuất khẩu để có thể đưa lô hàng các sản phẩm bánh hỏi, bún, phở khô đầu tiên của doanh nghiệp mình đến thị trường Nhật Bản.

Chia sẻ với KTSG Online, bà Trương Thị Hồng Hà, Giám đốc Công ty Khánh Hà Food, cho biết lô hàng hóa 20 tấn này dự kiến sẽ đến thị trường Nhật Bản vào 1-2 tháng tới và phía đối tác sẽ đưa những sản phẩm này kinh doanh trên quầy kệ của hệ thống siêu thị ở xứ mặt trời mọc.

Thành quả bước chân vào thị trường Nhật Bản này có được sau khi Khánh Hà Food có cơ hội tham gia Hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống quốc tế Thaifex 2023 tại Thái Lan hồi cuối tháng 5 vừa qua.

"Sau khi tận mắt xem và dùng thử các sản phẩm tại Thaifex 2023 đúng như các sản phẩm cần tìm, liền ngay sau đó phía đối tác Nhật Bản đã cử người phụ trách đến nhà máy sản xuất của chúng tôi khảo sát rồi đã đề nghị được nhập khẩu sản phẩm", bà Hà chia sẻ.

Cũng theo bà Giám đốc Khánh Hà Food, chỉ 2 ngày sau khi hội chợ kết thúc, một khách hàng Ấn Độ sống tại Thái Lan đã tìm đến công ty và ký đơn hàng đầu tiên xuất đi Ấn Độ với 1 container.

Tại Thaifex 2023, Khánh Hà Food đã tiếp cận được gần 40 đối tác tiềm năng có thể tiến tới sự hợp tác trong tương lai. Kết quả này đã giúp Khánh Hà Food có thêm các khách hàng mới đến từ Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản… bên cạnh những khách hàng truyền thống từ châu Âu.

Cũng theo bà Hà, hiện dây chuyền sản xuất của công ty đã chạy hết công suất nên bà đang chờ tín hiệu của các khách hàng tiềm năng mà tính toàn để có thể tiếp tục nâng công suất sản xuất.

Tương tự, ông Phạm Đình Ngãi, CEO Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), cho biết vừa xuất khẩu thành công 1 lô hàng nước tương mật hoa dừa đi thị trường Đức. Khách hàng này kết nối với Sokfarm từ Hội chợ Thương mại hữu cơ quốc tế Biofach 2023 diễn ra tại Đức hồi đầu năm nay.

Khách hàng mới này mua nước tương mật hoa dừa của Sokfarm sau đó bán lại cho các nhà hàng phục vụ khách châu Âu tại Đức. Điều này mở ra cánh cửa cho Sokfarm tiến vào thị trường Đức nói riêng cũng như mở rộng thị trường châu Âu nói chung.

Như vậy, thông qua các hội chợ thương mại quốc tế mà chỉ trong vòng 2 năm qua mà Sokfarm đã kết nối được 4 khách hàng quốc tế mới. Nhờ liên tục gia tăng đơn hàng sản xuất mà trong nửa đầu năm nay, đơn hàng xuất khẩu tại Sokfarm tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Siêng năng "đi chợ” để kiếm đơn hàng

Ông Phạm Đình Ngãi cho rằng việc chủ động đi khai thác thị trường bên ngoài và tìm hiểu khách hàng ở các hội chợ quốc tế không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận khách hàng, hiểu được nhu cầu của khách hàng và đáng chú ý là cơ hội tìm được khách hàng mới từ đây rất cao.

Theo ông Ngãi, ngoài khách hàng đã “chốt đơn” kể trên, Sokfarm còn thu thập được trên 10 khách hàng tiềm năng khác tại Biofach 2023. Bên cạnh hội chợ Biofach, tháng 5 vừa qua Sokfarm cũng tham gia Hội chợ Thaifex và ghi nhận kết quả tích cực với khoảng trên 10 khách hàng tiềm năng, có đánh giá rất cao về chất lượng cũng như khả năng thương mại các sản phẩm của Sokfarm.

Nhiều nhà mua hàng quốc tế tiếp tục tăng cường tìm nhà cung cấp Việt Nam. Ảnh minh họa: L.H

Người đứng đầu dẫn dắt Sokfarm cũng mới trở về Việt Nam sau chuyến công tác từ Đài Loan và đã lên kế hoạch tham gia hội chợ quốc tế ở Trung Quốc vào tháng 11 tới để tìm kiếm thêm khách hàng tại thị trường tỉ dân này.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, theo các doanh nghiệp, việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để tiếp cận khách hàng là một trong những giải pháp thiết thực để có cơ hội gia tăng đơn hàng sản xuất. Đáng chú ý là trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường chính của doanh nghiệp Việt Nam như Mỹ, châu Âu... liên tục bị sụt giảm mạnh thì việc "đi chợ" các nước hoặc tham gia triển lãm càng phải làm nhiều hơn.

Theo bà Huỳnh Thị Phương Vi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long, sau VIFA EXPO 2023, công ty có thêm 20% lượng khách mới hoàn toàn, một số khách bắt đầu đặt hàng đồ gỗ của công ty, phần lớn là đến từ châu Âu và Úc.

“Việc tham gia những hội chợ quốc tế để tìm kiếm khách hàng rất quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp tiếp cận được với các khách hàng mới mà từ trước tới giờ chưa có, nhất là trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh do khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay”, bà Vi chia sẻ, và cho biết Hiệp Long sẽ tiếp tục tham gia các hội chợ triển lãm, chuyên ngành khác để tiếp cận khách hàng mới nhằm bù đắp sụt giảm đơn hàng của những khách hàng truyền thống.

Có thể nói doanh nghiệp ngành đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nặng nề khi cầu thế giới bị sụt giảm mạnh. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), với những người làm xuất khẩu, “đi chợ” là cách tốt nhất để tìm kiếm đơn hàng.

Theo ông Phương, muốn có đơn hàng, doanh nghiệp cần siêng đi “chợ”. Từ hội chợ triển lãm đình đám High Point Market, hội chợ Las Vegas của Mỹ, hội chợ của Canada đến hội chợ Dubai của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, của Ấn Độ… tất cả các sự kiện kết nối giao thương này đều hàm chứa cơ hội trong đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam biết chủ động tiếp cận.

Thực tế cũng đã chứng minh tại Phúc Sinh Group, nhờ những chuyến "đi chợ" quốc tế liên tục nối tiếp nhau đã mang lại nhiều hợp đồng, khách hàng mới từ nhiều vùng đất xa xôi. Nhờ vậy mà trong lúc khó khăn bủa vây chung nền kinh tế toàn cầu, hầu hết doanh nghiệp bị giảm mạnh đơn hàng thì trong 6 tháng đầu năm nay, Phúc Sinh Group vẫn tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số doanh nghiệp đồ gỗ có thêm khách hàng mới nhờ chăm tham gia hội chợ quốc tế. Ảnh minhh họa: Lê Hoàng

Theo ông Phan Minh Thông, việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để tìm hiểu, khảo sát thị trường, tiếp cận khách hàng, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm,...hơn 20 năm qua bản thân ông luôn chủ động tìm những triển lãm uy tín, quy mô lớn trên thế giới để tiếp cận. Và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy khó khăn này thì ông càng đẩy mạnh tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại hơn nữa.

Đơn cử chỉ trong nửa đầu năm nay người dẫn dắt tập đoàn Phúc Sinh Group đã có 4 tháng ở nước ngoài. Từ châu Âu đến châu Phi, Trung Đông và riêng thị trường Mỹ ông Thông cũng đã có 4 chuyến đi... "Những chuyến đi để gặp gỡ trực tiếp với khách hàng, ăn bữa cơm để cùng nhau nói chuyện, bù đắp cho quãng thời gian khoảng 3 năm qua kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra rất cần thiết", ông Thông nói, và cho rằng cũng nhờ các chuyến đi và gặp gỡ này, ông mới tận mắt thấy nhiều đối tác giảm bớt nhân viên; giá hàng hóa, dịch vụ nhiều nơi đã tăng cao so với trước dịch, lượng người vô gia cư cũng nhiều hơn trước dù ở những quốc gia có nền kinh tế rất phát triển…

Từ đó ông mới hiểu được khách hàng cần gì, mong muốn gì cũng như xu hướng tiêu dùng sắp tới của thế giới là như thế nào. Quan trọng là khó khăn, thách thức của đối tác là đang diễn ra trên toàn cầu. Ông Thông cũng sẽ hiểu được công ty mình cần phải làm gì để có thể tiếp tục vượt qua khó khăn và đi lên.

Qủa thực, bên cạnh hiệu quả mang lại trong công tác tiếp cận khách hàng, mở rộng kênh xuất khẩu, việc nắm bắt thông tin, tìm hiểu thị trường cũng như học tập kinh nghiệm từ nhà bán hàng các nước cũng là mục tiêu được nhiều doanh nghiệp hướng tới khi tham gia các hội chợ quốc tế.

Theo các chuyên gia, các sự kiện kết nối giao thương này đều hàm chứa cơ hội, nếu doanh nghiệp Việt Nam biết chủ động tiếp cận.

Tuy nhiên, việc lựa chọn hội chợ quốc tế đúng lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động và có chất lượng là rất cần thiết. Mặt khác, với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có nhiều kinh nghiệm "đi chợ" lớn trên thế giới thì việc tìm đối tác hỗ trợ, hướng dẫn... rất quan trọng.

Ông Phạm Đình Ngãi, CEO Sokfarm cũng cho rằng tham gia chợ quốc tế là cơ hội để Sokfarm gặp gỡ và kết nối với các đối tác, khách hàng cũng như hiểu biết và học hỏi các nhà kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, chi phí các chuyến đi xúc tiến thương mại này cũng khá tốn kém, nên doanh nghiệp cần phải gói gém và biết kết hợp để giảm tối đa chi phí cho mỗi chuyến đi.

"Tất nhiên, việc tham gia các hội chợ sẽ không thể giải quyết ngay lập tức câu chuyện thiếu đơn hàng hiện nay của các doanh nghiệp nhưng nó là nền tảng tăng trưởng lâu dài. Từ việc kết nối, đàm phán đến phát triển mẫu, hoàn thiện mẫu… là một quy trình có thể lên đến 6 tháng", ông Phương nói, và cho rằng: "Có ngay đơn hàng phần lớn là việc phụ thuộc vào may mắn. Doanh nghiệp “đi chợ” bây giờ là để có đơn hàng cho năm sau và các năm sau nữa".

Tại hai hội chợ Quốc tế ngành gỗ ở Việt Nam diễn ra gần đây, theo ông Phương, số lượng nhà mua hàng đến tham quan, kết nối không hề nhỏ. "Khách đã đến nhà và bây giờ là lúc doanh nghiệp mạnh dạn bước ra thế giới. Tôi tin, đây là nước cờ, là khâu chuẩn bị cần thiết và mang tính chủ động để giải quyết bài toán kinh doanh lâu dài cho doanh nghiệp lẫn cho ngành", ông Phương gợi mở.

1 BÌNH LUẬN

  1. Không phải Doanh nghiệp không muốn “đi chợ”, mà tiền đâu để đi?! Chi phí để tham gia Hội chợ, Triển lãm quốc tế không phải nhỏ. Đa phần các Doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và vừa (SME), họ phải cân đo đong đếm các chi phí.

    Điểm mấu chốt của Thương mại quốc tế là LÒNG TIN, SỰ TIN CẬY, SỰ TÍN NHIỆM (TRUST), vì đối tác ở xa nửa vòng trái đất, họ không biết bạn là ai, công ty bạn quy mô như thế nào, bạn sử dụng công nghệ sản xuất, máy móc nào, v.v. nên họ mới muốn gặp mặt trực tiếp để “đánh giá uy tín” của bạn!

    Nếu bạn là 1 doanh nghiệp SME và không có nhiều chi phí cho các hoạt động Hội chợ, Triển lãm, bạn vẫn có thể TẠO NIỀM TIN BẰNG CÁCH MINH BẠCH TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN về công ty bạn, về nguồn gốc nguyên vật liệu, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm được kiểm định bởi bên thứ 3 như SGS, BV, TUV, v.v.), hình ảnh nhà máy, trang thiết bị v.v., và bạn sẵn sàng gửi miễn phí mẫu để đối tác kiểm tra chất lượng sản phẩm.

    Thêm vào đó, tăng cường hoạt động online marketing, luôn cập nhật thông tin trên Website, LinkedIn, Facebook của công ty.

    Hình thật, người thật, việc thật, và sẽ có đơn hàng thật!!!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới