Chủ Nhật, 15/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Mỹ gặp khó khi người lao động lạm dụng trợ cấp thất nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Mỹ gặp khó khi người lao động lạm dụng trợ cấp thất nghiệp

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Một câu chuyện có vẻ nghịch lý nhưng đang diễn ra tại Mỹ: Mức trợ cấp thất nghiệp của nhiều người lao động đang cao hơn so với mức thu nhập mà họ kiếm được khi đi làm. Do vậy, một số người Mỹ chọn cách… tiếp tục thất nghiệp thay vì sốt sắng trở lại công việc.

Thực tế này đang gây cản trở cho các nỗ lực nối lại hoạt động của giới doanh nghiệp và có thể kìm hãm tiến trình hồi phục của nền kinh tế Mỹ.

Covid-19 tàn phá thị trường lao động Mỹ với 10 triệu người mất việc

Nông dân Mỹ cày bỏ những cánh đồng rau quả do nhu cầu giảm mạnh

Doanh nghiệp Mỹ gặp khó khi người lao động lạm dụng trợ cấp thất nghiệp
Ilona Luce-Fina, (phải) đi dạo cùng đứa con gái 16 tuổi của cô ở Ithaca, New York. Ảnh: WSJ

Trợ cấp thất nghiệp cao gấp đôi mức lương đi làm

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang rục rịch nối lại hoạt động kinh doanh sau khi một số bang ở Mỹ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa. Nhưng họ đang gặp phải một rào cản lớn: Một số người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không muốn đi làm việc trở lại.

Lý do đơn giản là mức trợ cấp thất nghiệp mà họ nhận được cao hơn mức thu nhập của họ khi đi làm. Bên cạnh đó, một số người Mỹ chưa muốn trở lại công việc vì lo ngại bị lây nhiễm Covid-19 hoặc lo không có ai chăm sóc con cái nhỏ khi mà phần lớn các trường học và trung tâm trông coi trẻ vẫn còn đóng cửa. Điều này có nghĩa là các nỗ lực tái mở cửa nền kinh tế của Mỹ có thể không diễn ra nhanh và suôn sẻ như kỳ vọng của một số chủ doanh nghiệp và các quan chức chính quyền.

Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 8-5 cho thấy trong tháng 4, giới chủ lao động ở Mỹ cắt giảm 20,5 triệu việc làm, tương đương gần tất cả 22 triệu việc làm mà họ tạo ra trong một thập kỷ qua.

Quá trình khôi phục số việc làm bị mất mát đó càng lâu thì cơn suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới do tác động của Covid-19 càng kéo dài.

“Tình trạng khôi phục việc làm chậm sẽ cản trở bất kỳ đà hồi phục kinh tế thực sự nào”, Douglas Holtz-Eakin, cựu Giám đốc Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ và nay là Chủ tịch Diễn đàn hành động Mỹ (AAF) nói.

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, mức trợ cấp thất nghiệp trung bình ở các bang của Mỹ là 387 đô la Mỹ/tuần và hầu hết các bang đều trợ cấp thất nghiệp lên đến 26 tuần cho những người mất việc. Năm ngoái, Bộ Lao động Mỹ cho biết trợ cấp thất nghiệp chỉ giúp bù đắp tạm thời 45% thu nhập của người lao động.

Tuy nhiên, gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỉ đô la (hay còn gọi là Đạo luật Đạo luật viện trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế – CARES) được Quốc hội Mỹ thông qua vào hồi tháng 3, tăng trợ cấp thất nghiệp thêm 600 đô la mỗi tuần cho người lao động bị mất việc đến cuối tháng 7. Số tiền tăng thêm này cộng thêm với định mức trợ cấp thất nghiệp ở các bang, lớn gấp đôi mức thu nhập hàng tuần của đại đa số lao động Mỹ làm việc trong các ngành có mức thu nhập thấp chẳng hạn như nhà hàng.

Tại Mỹ, lương trung bình của các công việc trong ngành dịch vụ thực phẩm vào năm 2019 là 11,65 đô la/giờ, tương đương 466 đô la cho mỗi tuần làm việc 40 giờ. Nhưng hiện nay, nhiều nhân viên phục vụ nhà hàng bị mất việc do tác động của dịch Covid-19 đang nhận mức trợ cấp thất nghiệp lên tới 800-1.000 đô la/tuần.

Ilona Luce-Fina, nhân viên pha chế làm việc ở một quán bar ở sân bay quốc tế Ithaca Tompkins tại Ithaca, New York, người bị cho nghỉ việc hồi tháng 3, hy vọng bà chủ không gọi cô đi làm sớm.

Cô nói: “Tôi đã khóc khi bị cho nghỉ việc nhưng rồi tôi cũng đã nhận được các khoản trợ cấp thất nghiệp. Tôi thầm nghĩ rằng: thật tuyệt, tôi đang nhận trợ cấp thất nghiệp cao hơn mức thu nhập từ công việc”.

Trước đây, Luce-Fina được trả  mức lương 12,5 đô la/giờ. Nhưng hiện nay, 600 đô la tăng thêm trong khoản trợ cấp thất nghiệp mà Luce-Fina nhận hàng tuần tương đương với mức thu nhập 15 đô la/giờ trong suốt 5 ngày làm việc trong tuần.

Cô cho biết cho đến nay có đã nhận được hai đợt thanh toán trợ cấp thất nghiệp với mỗi đợt là 816 đô la nhờ 600 đô la tăng thêm. Luce-Fina, đang sống với hai cô con gái tuổi thiếu niên, trả tiền thuê nhà 1.650 đô la/tháng. Cô cho hay cô ngại đi làm trở lại một phần là lo sợ rủi ro lây nhiễm Covid-19 nếu chẳng may tiếp xúc với những vị khách đang bị nhiễm bệnh.

Doanh nghiệp sốt sắng gọi nhân viên đi làm trở lại

Julie Crowley, chủ quán bar Triphammer Wines & Spirits ở Ithaca, New York. Ảnh: WSJ

Đối với các chủ doanh nghiệp Mỹ, áp lực đưa nhân viên trở lại làm việc đặc biệt căng thẳng vì nhiều người đã vay các khoản vay khẩn cấp từ Chương trình Bảo vệ lương người lao động (PPP) trong Đạo luật CARES để trả lương cho nhân viên.

Chương trình  PPP là một trong những nòng cốt của Đạo luật CARES, cho phép các doanh nghiệp nhỏ có 500 nhân viên trở xuống xin vay đến 10 triệu đô la để trang trải chi phí hoạt động (trả lương nhân viên, chi phí thuê mặt bằng…) trong 8 tuần.

Nếu doanh nghiệp sử dụng 75% khoản vay này để trả lương toàn bộ nhân viên làm việc toàn thời gian của họ trong thời hạn 8 tuần, họ sẽ được miễn trả nợ. Doanh nghiệp phải trả lại bất kỳ phần tiền nào của khoản vay từ PPP không được sử dụng trong thời hạn 8 tuần hoặc được sử dụng cho các khoản chi tiêu ngoài mục đích trang trải chi phí hoạt động trong vòng 2 năm với mức lãi suất 1%.

Đối với Julie Crowley, bà chủ của Luce-Fina, cuộc chạy đua với thời hạn 8 tuần đã bắt đầu. Crowley, chủ sở hữu quán bar Triphammer Wines & Spirits và đồng sở hữu nhà hàng Ithaca Coffee, đã nhận khoản vay hỗ trợ từ chương trình PPP. Bà cho biết trong vòng 7 tuần tới, bà cần phải gọi đi làm trở lại đối với tất cả 12 nhân viên bị cho nghỉ việc nếu muốn được miễn trả khoản vay từ PPP.

Bà nói rằng bà hiểu tâm lý của các nhân viên như Luce-Fina nhưng cũng lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra nếu không tuyển đầy đủ nhân viên đi làm trở lại trong vòng gần 2 tháng tới.

Crowley nói: “Liệu bạn có gọi nhân viên đi làm trở lại và mong đợi họ vui vẻ chấp nhận giảm lương? Họ sẽ làm tất cả những gì có lợi tốt nhất đối với họ. Trong khi đó, lợi ích tốt nhất của tôi là đưa họ sớm trở lại làm việc”. Nhiều chủ doanh nghiệp khác, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống cũng có cùng mối lo tương tự như Crowley.

Để giải tỏa nỗi lo này, trong tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ cho biết các chủ doanh nghiệp vay tiền hỗ trợ  từ chương trình PPP sẽ không mất quyền được miễn trả nợ nếu như nhân viên của họ không chịu đi làm trở lại sau khi được gọi.

Tháng trước, Sở Lao động bang Nam Dakota cảnh báo tình trạng gian lận để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp sau khi một số chủ doanh nghiệp cho biết các nhân viên của họ, những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, không chịu đi làm trở lại sau khi được gọi.

Một số thống đốc chẳng hạn như Kim Reynolds, Thống đốc bang Iowa và Pete Ricketts, Thống đốc bang Nebraska, cho biết những người lao động bị cho nghỉ việc không lương nhưng từ chối đi làm trở lại sau khi được gọi thì họ sẽ không được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới