Coi chừng lợi bất cập hại!
Phan Trọng Hiền
(TBKTSG) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện lên thêm từ 10-13% kể từ tháng 11-2011. Trước đó, từ ngày 1-3-2011, giá điện đã tăng hơn 15% (trung bình từ 1.058 đồng lên 1.220 đồng/kWh). Lý do tăng giá điện mà EVN đưa ra lần này là thua lỗ - khoảng 30.000 tỉ đồng (Người lao động, ngày 20-10-2011).
Tuy nhiên, số tiền “thua lỗ” này có chính xác hay không, nguyên nhân như thế nào thì chưa được làm rõ. Mặt khác, người ta vẫn còn nhớ cách đây chưa lâu EVN từng đề nghị trích thưởng cả ngàn tỉ đồng cho nội bộ ngành do “thành tích”... làm ra lãi lớn. Thật chẳng biết đâu mà lần!
Không riêng gì ngành điện, một số ngành độc quyền khác như kinh doanh xăng dầu, mỗi khi giá thế giới nhích lên thì lập tức tăng theo ồ ạt nhưng khi giá thế giới giảm mạnh thì doanh nghiệp lại không muốn giảm, hoặc chỉ giảm nhỏ giọt. Sự việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, người dân dẫu bức xúc cũng chẳng biết kêu ai.
Ngành y tế và giáo dục mặc dù thuộc lĩnh vực phúc lợi xã hội, cũng thường xuyên đòi tăng viện phí, học phí... để “có đủ kinh phí” hoạt động. Do đây là những nhu cầu thiết yếu, liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người và sự nghiệp, tương lai của con cái, nên ai cũng phải ráng chạy vạy để đáp ứng yêu cầu. Điều này hoàn toàn đi ngược với xu thế tiến bộ trên thế giới là miễn phí một phần, tiến tới toàn phần chi phí giáo dục và y tế cho người dân.
Nhiều năm nay, năm nào chính quyền và các tổ chức xã hội cũng vận động quyên góp cứu trợ nạn nhân bị bão, lụt... Tuy nhiên, lòng tốt của người dân có vẻ như đang bị lạm dụng, dẫn đến sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
Lũ lụt xảy ra lần sau gây thiệt hại nặng hơn lần trước, nguyên nhân do thiên tai thì ít, mà “nhân tai” thì nhiều. Đó là nạn phá rừng bừa bãi trước sự bất lực, làm ngơ của các cơ quan chức năng hoặc tình trạng “phá rừng có phép” của các doanh nghiệp kinh doanh thủy điện. Lợi ích mang lại từ những việc làm này chắc chắn chẳng là bao so với thiệt hại do môi trường bị tàn phá.
Lợi - hại rõ ràng là thế, nhưng nhiều người vẫn thích làm thủy điện, bởi lợi ích cục bộ của một vài cá nhân, doanh nghiệp; còn thiệt hại thì nhân dân gánh chịu! Chẳng phải là bất công sao, khi công nhân, viên chức phải bỏ ra ít nhất một ngày lương đóng góp “cứu trợ lũ lụt”, trong khi những kẻ phá rừng để làm giàu thì chẳng phải chịu trách nhiệm gì?
Sức dân bao giờ cũng có hạn, cần nuôi dưỡng, bồi bổ để dân khỏe, dân giàu, rồi sẽ làm nghĩa vụ nuôi lại nhà nước. Ngược lại, nếu không chăm lo cho dân mà còn muốn chắt bóp, cố “ép dầu ra mỡ” thì lợi bất cập hại bởi lòng dân không yên!