(KTSG Online) - Với chủ đề “Rộng mở, Kết nối và Cân bằng”, Hội nghị lần thứ 29 các nhà lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã thảo luận 3 định hướng ưu tiên của hợp tác APEC gồm: cởi mở với tất cả các cơ hội, kết nối trên mọi khía cạnh và cân bằng trên mọi phương diện, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với bền vững môi trường. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh mục tiêu coi người dân là trung tâm để tạo sự cân bằng trong mỗi nền kinh tế.
- APEC trước thách thức về tăng trưởng cân bằng, bền vững và toàn diện
- Chủ tịch nước thăm Thái Lan và dự Hội nghị APEC 2022
Tại diễn đàn lần này, các thành viên APEC thống nhất cần vượt qua khác biệt, tăng cường đối thoại, phối hợp hành động và tìm ra giải pháp vì lợi ích chung của cộng đồng, để bảo vệ những thành quả và giá trị của APEC trong 3 thập kỷ qua, đồng thời củng cố nền tảng cho hợp tác và phát triển trong tương lai.
TTXVN dẫn thông tin APEC Putrajaya 2022 cam kết về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai; khẳng định hợp tác APEC mang lại những giải pháp thiết thực đối với các thách thức chung và bổ trợ cho các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế giới đang chứng kiến những biến động sâu sắc, mang tính lịch sử với nhiều yếu tố bất định và khó lường. Diễn đàn APEC cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, vì vậy những gì các thành viên thống nhất trong nhận thức và hành động hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với APEC và cho nhiều thế hệ mai sau.
Tại phiên thảo luận về “Tăng trưởng bền vững, bao trùm và cân bằng", Chủ tịch nước nhận định châu Á - Thái Bình Dương bước sang giai đoạn phát triển mới, APEC cần đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công.
Theo đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh một số yếu tố “cân bằng” trong hợp tác như cần coi người dân là trung tâm để tạo sự cân bằng trong mỗi nền kinh tế giữa các lĩnh vực, giữa các thành phần xã hội, và cân bằng về lợi ích, trách nhiệm giữa các nền kinh tế, các khu vực.
Cần cân bằng giữa bảo đảm tính tự chủ, tự cường của mỗi nền kinh tế và chủ động mở cửa, hội nhập và liên kết kinh tế để vừa phát huy nội lực, phát huy lợi thế so sánh, vừa tăng thêm nguồn lực tạo ra sự phát triển lan toả giữa các vùng miền.
Cần cân bằng giữa đổi mới, chuyển đổi với bảo đảm sự ổn định. Quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải được thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao về kinh tế nhưng giảm thiểu tác động, xáo trộn đến an sinh xã hội, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh mạng – Chủ tịch nước khẳng định.