(KTSG) - Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do Bộ Tài chính trình thay mặt cho Chính phủ, đã không thể được thông qua tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, nói đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng dự thảo luật “vẫn can thiệp hành chính vào công việc quản trị của doanh nghiệp”.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát toàn bộ dự thảo luật để thể hiện nhất quán tư tưởng của Nghị quyết 12 của Trung ương Đảng khóa XII, đó là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp.
- Không thể đồng nhất tài sản của doanh nghiệp là vốn nhà nước
- Ban hành kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Đáng chú ý là trong dự thảo tờ trình về dự án luật của Chính phủ cũng nhấn mạnh phải giải quyết những bất cập do các quy định mang tính hành chính can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt. Thế nhưng, khi quan điểm đó được cụ thể hóa thành những điều khoản của dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì lại rất khác.
Một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói đến nhiều nhất là điều 25 của dự luật này. Điều 25 quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương.
Cụ thể, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn từ 20.000 tỉ đồng trở lên; Thủ tướng Chính phủ quyết định các trường hợp còn lại. Nghĩa là việc đầu tư bổ sung vốn hoặc rút vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, cho dù là chỉ 1 đồng, doanh nghiệp cũng phải xin.
Điều đáng nói là định nghĩa về doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư theo dự thảo này là rất rộng, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp. Do vậy, số doanh nghiệp chịu tác động của các quy định của dự luật này, nếu không thay đổi, là không nhỏ.
Trên thực tế, yêu cầu doanh nghiệp có vốn nhà nước khi thực hiện đầu tư phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chỉ là quy định mang tính thủ tục, vì hơn ai hết chính doanh nghiệp và cổ đông của doanh nghiệp mới là những người hiểu rõ nhất nên đầu tư vào đâu và đầu tư như thế nào.
Nhưng quy định thuần tính thủ tục đó lại gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí là cản trở cơ hội phát triển của họ. Một ví dụ được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là sự chật vật tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước. Họ rất khó phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược cũng như áp dụng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dù vẫn nắm trong tay nguồn lợi nhuận sau thuế rất lớn. Hậu quả là quy mô của nhiều ngân hàng thương mại nhà nước bị các ngân hàng tư nhân vượt mặt, và hệ số an toàn vốn (CAR) cũng ngày càng tụt hậu.
Ngoài ra, quy định như trên cũng sẽ làm hạn chế tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp có vốn nhà nước qua việc đầu tư vốn vào các doanh nghiệp khác. Vì sẽ chẳng ai muốn nhận khoản đầu tư của một doanh nghiệp để rồi sau đó mỗi quyết định đầu tư, dù lớn hay nhỏ, cũng phải được Quốc hội hay Thủ tướng chấp thuận thì mới được làm.
Đó là chưa kể những rắc rối liên quan đến quyền biểu quyết, vì một khi chủ trương đầu tư không được cấp có thẩm quyền chấp nhận thì cho dù đại đa số cổ đông của doanh nghiệp có muốn cũng không thực hiện được. Đây rõ ràng là sợi dây trói cần được tháo bỏ để tạo cơ hội cho doanh nghiệp có vốn của Nhà nước đầu tư phát triển.
Cởi trói trước hết là tư duy quản lý, cần xem DNNN trước hết là doanh nghiệp, với đầy đủ chức năng và vai trò vốn có của DN trong nền kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh, tự do phát triển trong khuôn khổ pháp luật chung. Cởi trói thứ hai là cơ chế quản lý, bãi bỏ mọi hình thức xin cho/ cho xin trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, trả lại quyền tự chủ tối đa cho DNNN và cho những người lãnh đạo đứng đầu DN. Cởi trói cuối cùng là lựa chọn đúng đắn tiêu chí để phân biệt DNNN với những DN khác, không gắn quá nhiều chỉ tiêu/ nhiệm vụ chính trị… làm phát sinh những rào cản gây vướng mắc trong hoạt động SXKD. Đặc biệt là vấn đề nhân sự và tài chính.