Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Còn 8 bộ, ngành chưa giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài tính đến hết ngày 15-5 của các bộ, ngành đạt khoảng 8,6% vốn kế hoạch giao. Một thông tin nữa là còn 8 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.

Tính đến hết ngày 15-5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt gần 8,6% kế hoạch vốn được giao. Ảnh minh họa: Nhân Tâm

Theo TTXVN đưa tin, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị bàn về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài trong các tháng đầu năm 2024 để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn. Đại diện bộ này cho biết, tính đến hết ngày 15-5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt gần 8,6% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tỷ lệ giải ngân trên 10%.

Bên cạnh đó, còn 8 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024. Một số đơn vị này là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM.

Dự kiến đến hết tháng 6, tỷ lệ giải ngân vốn của các bộ, ngành có thể đạt từ 15-17%. Đây là mức giải ngân trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2023.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã xác định nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm. Chẳng hạn như các khâu về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thiết kế kỹ thuật còn chậm. Bên cạnh đó, một số dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay. Một số nguyên nhân khác như bộ, ngành vẫn tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2023 kéo dài; chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ đối với các hồ sơ…

Các đại biểu cũng thống nhất nhiều giải pháp liên quan đến giám sát tiến độ, tập trung thực hiện các dự án đã xong công tác chuẩn bị đầu tư. Các cấp quản lý tiếp tục rà soát để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hoặc cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kịp thời hạn. Với những vướng mắc giải phóng mặt bằng và các vướng mắc khác trong phạm vi thẩm quyền, các đơn vị cần xử lý kịp thời. Nếu các kiến nghị giải pháp vượt thẩm quyền thì các bộ, ngành tổng hợp, gửi báo cáo cấp trên để xem xét giải quyết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới