Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Con cá” và “cần câu”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Con cá” và “cần câu”

Các nhân viên của Công ty dịch vụ du lịch và hàng không TransViet đang ca hát với các em bị nhiễm chất độc dioxin tại mái ấm Thiên Phước, TPHCM – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Bạn đọc thân mến, mấy hôm nay bên cạnh chuyện chợ tết nhộn nhịp, trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy rất nhiều những họat động từ thiện của doanh nghiệp, của các cơ quan nhà nước, của các cá nhân…

Lần này trong mục “Cùng ăn tết trực tuyến” chúng tôi xin nhường lời cho phóng viên Thanh Thương của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chuyên trách lĩnh vực xã hội.

“Người Việt Nam ta có thói quen cứ xuân đến, tết về, khi gia đình đầm ấm, hạnh phúc bên nhau thì nhớ đến những người đã khuất, những người có hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Những việc làm đó khiến ngày xuân luôn có một ý nghĩa thật đặc biệt.

Chiều 23 tháng Chạp, mấy người bạn cùng sinh hoạt trong một trang web rủ đi làm từ thiện. Họ đi tặng quần áo mới cho trẻ em nghèo, giúp các em đón xuân tươm tất và đầm ấm. Mấy chục thành viên, người ở xa, tận Canada, tận Mỹ cũng gửi tiền về đóng góp, người ở gần thì lục lọi tìm mua đồ bán sỉ, giá rẻ để có thể chia cho nhiều em. Còn lại số tiền ít ỏi thì mua chăn mền, tặng những người có hoàn cảnh khó khăn, không nhà, phải đón xuân trên vỉa hè giá lạnh…

Ngồi nói chuyện với một anh bạn là giáo viên dạy một trường cấp hai trong thành phố, anh bảo hôm qua vừa dẫn học sinh đi thăm hội bảo trợ trẻ em ở Gò Vấp, khi nhìn các bạn mồ côi có, khuyết tật có, nhiều em học sinh đã khóc… Anh bảo, có đứa năm ngoái trước khi đi còn quậy phá và nghịch ngợm lắm, sau khi thăm các bạn về thì như được cảm hóa, ngoan và chăm chỉ hơn…

Những đứa trẻ trong những ngôi nhà ấy, có nhiều em nào biết có mùa xuân ở trên đời, những dị tật bẩm sinh như bại não, rối loạn nhiễm sắc thể khiến các em sống mà như không sống. Còn những đứa trẻ bị bỏ rơi, chúng vẫn biết xuân về, nhưng xuân của chúng là sự thiếu thốn tình thương của gia đình…

Xuân, nhìn lịch hoạt động của một số cơ quan thấy phần lớn là đi thăm và tặng quà tết cho những gia đình nghèo. Những chuyến đi ấy không chỉ hướng về người nghèo mà cả thăm viếng những trại cai nghiện, những trung tâm phục hồi nhân phẩm, những nơi nuôi dưỡng bệnh nhân nhiễm HIV…

“Chia lửa” với người nghèo để đón xuân, đó là cử chỉ đẹp. Nhưng những món quà lớn nhỏ khác nhau suy cho cùng cũng như những “con cá” để người ta nhấm nháp ba ngày xuân, rồi khó khăn vẫn hoàn khó khăn ngay sau đó. Nếu nhìn vào danh sách những người nghèo khó được nhận quà xuân của năm ngoái và năm nay sẽ thấy hầu như là tương tự.

Chợt nghĩ về những dự án như trường dạy học cho trẻ em, dạy nghề và cho phụ nữ khó khăn vay vốn làm ăn, ngân hàng cho người nghèo vay tiền với lãi suất cực thấp để tạo động lực làm việc nơi người nghèo. Đó mới thật sự là những “cần câu” có ý nghĩa lâu dài.

Chúng tôi và có lẽ bạn đọc đều đồng ý và chia sẻ với suy nghĩ của phóng viên Thanh Thương. “Con cá” và “cần câu” đều hết sức cần thiết trong các họat động tương trợ giữa các thành viên trong xã hội.

Tuy vậy, rất tiếc cho đến nay những “cần câu” với ý nghĩa trợ giúp lâu dài vẫn chưa thật sự phổ biến, vẫn chưa được các phương tiện truyền thông và xã hội ghi nhận đầy đủ.

Ngày xuân, nhân đem tặng “con cá” cho người nghèo hãy nghĩ đến những “cần câu”.

THUẬN HOA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới