Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con cái với Internet

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con cái với Internet

Thiếu niên tham gia nấu bánh chưng tặng người già neo đơn dịp Tết Tân Mão. Hướng giới trẻ vào những hoạt động xã hội là một cách giúp các em sống cân bằng trong thời đại internet. Ảnh: Thanh Hương.

(TBKTSG) – LTS: Mùa hè mới bắt đầu, không khí ở các tiệm dịch vụ Internet đã nhộn nhịp hẳn lên. Các ông bố, bà mẹ có con mê vào mạng càng thêm lo lắng khi chứng nghiện Internet đang được cảnh báo có nguy cơ dẫn đến tình trạng thoái hóa thể chất lẫn tinh thần nơi giới trẻ. Dưới đây là một số ý kiến chia sẻ với những người trong cuộc.

Quỳnh Anh (Đà Nẵng): Khi con vào mạng

Lâu nay, tôi chỉ quen nhìn con trai sử dụng máy vi tính để xem đĩa hoạt hình, phim siêu nhân, chơi game. Máy tính bàn không nối mạng, không lo con sa đà vào game online, không sợ cu cậu vô tình truy cập vào những trang web xấu, xem như miễn nhiễm với các “dịch bệnh” từ Internet. Đó là lúc con trai học lớp 3.

Con vào lớp 4, thỉnh thoảng lại mượn laptop của ba mẹ (dùng mạng wireless) để chơi game. Đôi khi, con lại nhờ mẹ vào mạng tìm những thông tin về khảo cổ, về thần thoại Hy Lạp… Vậy là con trai đã bắt đầu không thỏa mãn với những thông tin từ sách, báo. Mỗi lần tìm thông tin qua mạng, tôi lại len lén không cho con thấy chiếc “chìa khóa vàng” mở “cánh cửa thông tin”.

Một hôm, thấy con đọc truyện tranh Doremon trên mạng, tôi ngạc nhiên hỏi thì được con bày vẽ: “Mẹ muốn tìm gì, cứ vào trang Google gõ chữ mẹ cần tìm là ra ngay. Bạn con bày cách cho con đó”. Vậy là “bức tường chắn” đã bị phá vỡ tự bao giờ. Suy đi nghĩ lại, không thể dùng cái cách “quản lý không được thì cấm”, con trai mẹ cũng không thể đi sau về muộn trong thời đại công nghệ thông tin này, nhưng lòng tôi vẫn không an khi thấy con làm bạn với thế giới ảo.

Con có vẻ vui sướng khi chỉ cần một cú nhấp chuột là cả thế giới bày ra trước mắt. Song ai dám chắc khi bước vào tuổi 13, 14 – tuổi thích nổi loạn, con trai lại không nghe lời bạn bè vào tìm hiểu những trang web “kinh dị”? Tôi tự nhủ chắc phải cùng con vào mạng tìm hiểu những gì con thích, để con có người cùng bàn luận, cùng chia sẻ.

Nhưng tôi vẫn hoang mang, không chắc lắm về những dự định bảo vệ con trước làn sóng mạng…

Mai Lĩnh (TPHCM): Thế giới ảo không đáng sợ

Cách tốt để quản lý “con, máy tính và mạng” là phải hiểu được nhu cầu sử dụng máy tính của con thực sự cần thiết đến đâu và như thế nào. Sẽ rất thuận lợi cho việc kiểm soát nếu phụ huynh cùng con cái sử dụng chung các chương trình ứng dụng (phần mềm).Đối với trẻ dưới 10 tuổi, không nên cho sờ vào máy tính, trước hết là để bảo vệ đôi mắt cho trẻ. Trẻ ở độ tuổi 10-14, phụ huynh nên cho con em làm quen với máy tính và giải trí với những trò chơi đơn giản (không kết nối Internet), có sự kiểm soát về thời gian để tránh ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ.

Khi trẻ bước vào ngưỡng cửa trung học phổ thông, các bậc phụ huynh không nên (và cũng không thể) ngăn cản con em sử dụng máy tính nối mạng Internet. Thời kỳ này, sự háo hức khai phá cuộc sống chung quanh và khả năng tiếp thu kiến thức, hấp thụ văn hóa ở các em rất mạnh mẽ, đồng thời là sự bộc lộ năng khiếu, sở thích và dần hình thành tính cách, nhân cách. Sẽ rất sai lầm nếu phụ huynh dùng quyền lực để áp đặt lối sống và suy nghĩ cho con em mình.

Phụ huynh nên đồng hành, chia sẻ sở thích của con em, kể cả việc cùng tham gia các mạng xã hội. Có như thế, phụ huynh mới gần gũi và hiểu con em mình, động viên những suy nghĩ và hành vi tích cực; phát hiện, ngăn chặn, uốn nắn những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, lệch lạc.

Cách tốt là phụ huynh nên dùng chung máy tính ở nhà với con em. Trẻ em ở độ tuổi dưới 18 chưa cần trang bị máy tính đặt trong phòng riêng mà nên đặt ở vị trí sinh hoạt chung của gia đình. Phụ huynh có thể kín đáo theo dõi “bước chân” trên mạng của con em mình bằng cách thường xuyên mở mục “history” trên trình duyệt web để biết đã có những địa chỉ trang web nào được truy cập (trong vài ngày trước cho đến hàng tháng trước); mở “favorites” để biết những trang web nào đã được quan tâm, sẽ biết con em mình đã vào mạng làm gì. Vấn đề là cách thức “nói chuyện” với trẻ sau đó, sao cho đừng để trẻ tìm cách “lách”, xóa mọi dấu vết mỗi khi chúng vào những trang web xấu.

Để giáo dục con cái, chúng ta cần hiểu và biết cách gần gũi, giúp đỡ chúng hòa nhập cuộc sống (trong xã hội thực cũng như xã hội ảo). Thế giới ảo do con người tạo ra, nó phản ảnh thực trạng xã hội chúng ta đang sống. Chẳng lẽ bạn nghĩ rằng trên mạng nhiều hình ảnh đồi trụy, nhiều cạm bẫy lừa lọc và đáng sợ hơn cái xã hội “thực” chúng ta đang sống sao?

Thanh Ý (Huế): Giải pháp ngoài mạng!

Cũng như nhiều ông bố, bà mẹ ưu tư khác, tôi rất lo lắng khi con mình có dấu hiệu nghiện chơi game khi mới 9-10 tuổi, và càng sợ hơn nữa khi thấy cậu bé vốn trong sáng và ngây thơ bước sang tuổi 11-12 đã bắt đầu biết truy cập các trang web có hình ảnh các cô gái khoe thân thể…

Nhưng lo lắng, theo dõi, cấm đoán hay giảng giải dường như không ích lợi gì lắm mà còn làm con trở nên nói dối “chuyên nghiệp” hơn. Tôi nhận ra ở tuổi này, trẻ không dễ bị “dọa” như thuở còn bé nữa. Chúng biết so sánh rằng không phải ai chơi game giỏi cũng học dốt và giết người. Chúng biết cách lập “account” riêng trong máy tính và thay đổi mật khẩu, biết cách xóa “history” để người lớn không biết mình đã truy cập những trang web nào, chúng biết tranh thủ những thời gian trống giữa các buổi học để chạy ra tiệm Internet với số tiền nhịn ăn sáng mà cha mẹ không thể biết…

Tôi cũng nhận ra rằng, lứa tuổi này, trẻ đang phát triển rất nhanh về cơ thể, tâm tính lẫn tư duy. Dường như trong chúng là nhu cầu khám phá thế giới xung quanh và nguồn năng lượng rất dồi dào mà những bài giảng giải và sự lo lắng của cha mẹ không giúp kìm giữ được. Đó là chưa kể “áp lực bạn bè” khiến chúng không thể ngơ ngác trước những gì chúng bạn đồng lứa đang bàn tán, tìm hiểu, và cả thực hành, trong đó có game, sex và nhiều thứ vốn xuất phát từ Internet.Tôi thay đổi “chiến thuật”, cố gắng hướng con vào những say mê khác của nó như học và chơi cờ vua, mua sách hướng dẫn và thực hành làm ảo thuật, gấp giấy origami, hay làm các thí nghiệm vật lý… Tôi bớt nhiều cảm giác bất an khi biết phần lớn nguồn năng lượng, sự tò mò và say mê của tuổi mới lớn của con đã được giải phóng cùng với những mối quan tâm lành mạnh khác.

Biết con thích đi xem phim ở rạp, tôi ra bài tập mỗi tuần nếu con đọc một cuốn sách (tự chọn trong tủ sách nhà mình) và kể về một nhân vật hay sự kiện trong cuốn sách đó một cách thuyết phục, mẹ sẽ thưởng bằng cách cùng con đi xem phim. Ban đầu, nó chỉ cố gắng làm để được xem phim. Dần dần, nó trở nên thích thú hơn với việc đọc sách, khám phá tủ sách, và trao đổi với mẹ về những ý nghĩa đọc được từ sách cho tới cuộc sống, điều mà trước đây khó mà mơ nó thực sự muốn làm.

Tôi biết hình như con vẫn không hẳn là không quan tâm đến game hay không bao giờ lén xem những trang web “hấp dẫn” nữa nhưng tôi cứ để con có những khoảng bí mật riêng tư đó. Điều làm tôi yên lòng là con đang học cách sẻ chia, và đang có những suy ngẫm của riêng mình…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới