Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Con dốc’ 44 tỉ đô xuất khẩu đầy thách thức của ngành dệt may

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau nhiều nỗ lực của doanh nghiệp, khép lại quí 1-2024, dệt may xuất khẩu được gần 10 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên để đạt 44 tỉ đô la kim ngạch đặt ra cho cả năm thì đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực nhiều hơn nữa vì khó khăn phía trước rất nhiều.

Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp thường xuyên bám sát diễn biến thị trường, có giải pháp ứng phó linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ tối ưu sản xuất và "xanh hóa" quy trình là rất quan trọng, nhưng đây cũng là thách thức lớn với nhiều doanh nghiệp.

Đơn hàng dệt may đang trở lại nhưng chưa chắc chắn, giá cả còn thấp... Ảnh minh họa: H. Lê

Có đơn hàng đến giữa năm và...

Báo cáo với tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 mới đây, lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (sàn HOSE: TCM) chia sẻ, trong quí đầu năm, ước đạt doanh thu 39 triệu đô la Mỹ, lợi nhuận 2,5 triệu đô la, tăng tương ứng 6% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình đơn hàng, theo lãnh đạo công ty, hiện đơn hàng quí 2, TCM đã xác nhận được 85%, quí 3 nhận được 80%. Với tình hình này, công ty kỳ vọng hoàn thành mục tiêu năm 2024 là đạt hơn 3.707 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 161,2 tỉ đồng, tăng lần lượt 12% và 21% so với thực hiện của năm ngoái.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG) công bố tài liệu họp cổ đông thường niên dự kiến diễn ra vào 21-4 tới. Trong năm nay, Dệt may TNG có mục tiêu doanh thu 7.500 tỉ đồng và lãi sau thuế đạt 311 tỉ đồng, lần lượt tăng 6% và 42% so với năm 2023. Trong năm nay, TNG có thể tiếp tục đạt mức kỷ lục mới khi doanh nghiệp này đã kín đơn hàng trong nửa đầu năm ngay từ những tháng đầu năm.

TNG cũng cho biết, trong năm nay, dự kiến sẽ nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân, bắt đầu từ tháng 3-2024.

Phần lớn các doanh nghiệp dệt may quy mô vừa và lớn cho biết họ đã có đơn hàng sản xuất đến hết quí 2, một số đã có đơn hàng đến quí 3. Thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng cho cả năm.

Đơn cử như tại Công ty Sakurai Việt Nam nhờ có thêm các khách hàng mới nên hiện đã có đơn hàng cho khoảng 12.000 công nhân sản xuất đến hết năm. Để đảm bảo các đơn hàng cho đối tác, Công ty đã đưa vào hoạt động thêm nhà xưởng mới.

Trao đổi với KTSG Online, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (VITAS), cũng cho hay sau khi bị sụt giảm hơn 9% vào năm ngoái, xuất khẩu dệt may trong quí đầu năm đang ấm dần lên. Các nhãn hàng đã quay trở lại đặt hàng khi tồn kho giảm nhiều.

Quí 1-2024, xuất khẩu toàn ngành ước đạt gần 10 tỉ đô la, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. “Những tín hiệu này cho thấy là hiệu ứng thị trường dệt may toàn cầu đã khởi sắc và ấm lên", ông Giang nói và cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội trên thế giới, bởi chúng ta là một nước mở cửa toàn diện.

Cụ thể Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có 16 FTA đã thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán và là quốc gia duy nhất ký kết hiệp định thương mại tự do với tất cả đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu, như: Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga…

 

Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất với khoảng 40% kim ngạch cũng đã chính thức trở thành Đối tác chiến lược toàn diện với nền kinh tế hơn 100 triệu dân vào tháng 9-2023.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất; nâng cao trình độ tay nghề; chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm…

Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, người đứng đầu VITAS tin tưởng toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ đô la Mỹ.

“Con dốc” mục tiêu nhiều thách thức

Những thuận lợi của nền kinh tế hơn 100 triệu dân cũng lý giải vì sao Triển lãm chuyên ngành dệt may SaigonTex & SaigonFabric 2024 đang diễn ra tại TPHCM thu hút hơn 1.000 nhà triển lãm trong nước và 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

Để cạnh tranh và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần cải tiến công nghệ và sản xuất xanh. Nhiều công nghệ mới giới thiệu tại SaigonTex & SaigonFabric 2024. Ảnh: Hùng Lê

Đáng chú ý, theo ông Chủ tịch VITAS, dù Ban tổ chức đã sử dụng hết không gian nhà triển lãm và cả diện tích ngoài sân của Trung tâm SECC với khoảng 30.000 m2, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tham gia của nhiều nhà triển lãm quốc tế.

Dù vậy, ông Vũ Đức Giang, cho rằng tình hình vẫn còn nhiều khó khăn do căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang và diễn biến phức tạp. Cùng với đó các tiêu chuẩn về xanh, bền vững, tuần hoàn sản phẩm... của các khách hàng đối với ngành dệt may ngày càng khắt khe hơn.

Đơn cử trong quá trình thực hiện đầu tư chuyển đổi xanh, khó khăn lớn nhất là có nhiều tổ chức đánh giá đưa ra các tiêu chuẩn khác nhau, không thống nhất. Mỗi nhãn hàng đặt ra một yêu cầu khác nhau gây khó khăn trong việc thực hiện của các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, mỗi thị trường xuất khẩu lại có tiêu chuẩn, yêu cầu, quy định kỹ thuật khác nhau. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất phải luôn kịp thời cập nhật để thích ứng tình hình.

Nếu như trước đây, Công ty may Vạn Lợi chỉ chuyên sản xuất hàng Âu, Mỹ thì những tháng đầu năm nay, toàn bộ hàng hóa của công ty xuất đi thị trường Nhật Bản. Theo lãnh đạo công ty, mỗi khách hàng có yêu cầu khác nhau, khách hàng Nhật Bản thì lưu trình một sản phẩm thông qua kiểm trên chuyền, kiểm 1, kiểm 2 tại nhà máy, rồi qua kiểm 4 của đối tác. Như vậy một sản phẩm của Vạn Lợi qua 4 công đoạn kiểm tra và 100% các sản phẩm đều phải kiểm tra hết.

Đáng chú ý, dù yêu cầu khó khăn và tăng nhiều chi phí nhưng giá thành sản phẩm lại cạnh tranh gắt gao, đơn hàng nhỏ lẻ, giá thấp dẫn đến lợi nhuận rất thấp.

Lãnh đạo May 10 cũng đánh giá thị trường còn nhiều khó khăn, diễn biến khó lường và giá chưa cải thiện, thậm chí nhiều dòng hàng giá dự kiến trong nửa cuối năm còn thấp hơn mức năm 2023. Việc yêu cầu về tiến độ sản xuất và giao hàng cũng đang dần bị rút ngắn lại.

Ảnh minh họa: TL

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jean (VitaJean), cũng cho biết khác với năm ngoái khó dự báo được thị trường thì những tháng đầu năm 2024 đã thấy khả quan hơn. Ví như kiểu dáng, màu sắc sản phẩm... cho đơn hàng đã rõ ràng hơn để doanh nghiệp chủ động nguyên phụ liệu trong vòng 45 ngày thay vì năm ngoái nhà sản xuất cứ nhập nguyên phụ liệu và làm theo cách "chạy theo" thị trường.

Dù vậy, tốc độ giao hàng hiện nay phải nhanh hơn. Điều này xuất phát từ chính yêu cầu của thị trường, khi hành vi mua hàng tiêu dùng đã có sự thay đổi: Từ thời trang nhanh chuyển sang thời trang phát triển bền vững.

Để đạt được kế hoạch đề ra trong năm nay, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, vào “luật chơi” của toàn cầu. Và để làm được việc này đòi hỏi công ty phải tái cơ cấu, sắp xếp lại quy trình sản xuất, bổ sung dây chuyền công nghệ nhằm sản xuất đơn hàng nhỏ lẻ... kịp thời thích ứng cho các nhà mua hàng.

Không riêng tại VitaJean, theo ông Việt, người cũng đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TPHCM, phần lớn doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đã dần thích ứng đơn hàng nhỏ lẻ theo xu hướng và yêu cầu mới của nhãn hàng. Theo đó, lợi nhuận trên sản phẩm của nhà sản xuất cũng thấp hơn khá nhiều.

Tương tự, theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex, dù đơn hàng về các doanh nghiệp đã khá lên, nhưng mặt bằng giá chưa thực sự tốt, các thị trường chưa có sự điều chỉnh về giá.

Có thể thấy, dù thị trường những tháng đầu năm có tín hiệu khả quan hơn, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đối hoạt động xuất khẩu. Do đó lãnh đạo VITAS và các doanh nghiệp dệt may lớn nhìn nhận rằng, phải thường xuyên bám sát diễn biến của thị trường, có các giải pháp ứng phó linh hoạt để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao chất lượng và tiết giảm chi phí, và đặc biệt khâu sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường là hướng đi bền vững cũng là lợi thế để được nhãn hàng thế giới ưu tiên chọn lựa hiện nay.

Không còn đơn thuần là gia công công đoạn (CMT), lợi nhuận thấp, bị ép giá mà phải chuyển đổi sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng).

Theo ông Việt, một trong những chìa khóa để thay đổi là ứng dụng chuyển đổi số. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều công nghệ mới được ứng dụng trong ngành dệt may nhằm sử dụng tối ưu nguồn nguyên liệu và năng lượng, giảm phát thải đến môi trường.

Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, đầu tư cho công nghệ, quy trình sản xuất "xanh" hay xây dựng thương hiệu riêng không dễ dàng, giá thành cũng không rẻ, doanh nghiệp cần có nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp trong ngành là quy mô nhỏ.

Ngoài ra, dệt may có khó khăn nữa là ngành sản xuất nguyên liệu, vì vậy cần có chính sách để thu hút đầu tư và vốn vay để ngành phát triển bền vững hơn.

Trước đó, theo phân tích của Chứng khoán SSI Research, “không chắc chắn” là từ để mô tả cảm giác của các thương hiệu thời trang và nhà cung cấp cho năm 2024. Các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, trong đó bao gồm nhu cầu tiêu dùng thấp và cạnh tranh gia tăng...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới