(KTSG Online) – Nguyên liệu từ cỏ năn tượng hiện tại được người dân vùng bán đảo Cà Mau sử dụng cho việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, giúp “chinh phục” thành công thị trường Úc, Mỹ. Đặc biệt, qua hoạt động này không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho người dân, mà còn giúp lan tỏa tinh thần vượt khó và nghĩa tình cộng đồng.
Song song với việc hình thành và nhân rộng mô hình trồng cây năn tượng để khôi phục môi trường cho vùng Bán bán đảo Cà Mau, thì đầu ra của loại sản phẩm này cũng được chú trọng tìm kiếm trong nhiều năm qua...
Làm hàng thủ công mỹ nghệ... "xuất ngoại"
Theo TS Dương Văn Ni, Chuyên gia về đa dạng sinh học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Chủ tịch Quỹ hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL (MCF), từ năm 2005, nguyên liệu của cây năn tượng được giới thiệu đến rất nhiều công ty, xí nghiệp nhằm tìm kiếm thị trường, nhưng không đơn vị nào chịu “gật đầu”.
“Thị trường không chấp nhận vì nhiều yếu tố: (1) có thể tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp khi họ chuyển đổi sang nguyên liệu khác; (2) người ta chưa biết nguyên liệu này như thế nào, thành thử không chấp nhận; (3) doanh nghiệp đang làm tốt với nguyên liệu lục bình, thì không có lý do gì tìm nguyên liệu khác để thay thế”, ông Ni giải thích.
Tuy nhiên, trong đợt hạn mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015-2016, làm hàng loạt con sông ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn, khiến nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ là lục bình bị khan hiếm (lục bình chết do bị xâm nhập mặn - PV), cho nên, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chú ý đến cây năn tượng. “Nhờ đó, cộng với sự hỗ trợ của những người làm nghiên cứu đã giúp doanh nghiệp thấy được tiềm năng của nguồn nguyên liệu này”, ông nhấn mạnh.
Được biết, Công ty cổ phần Vietnam Housewares (Bình Dương) là đơn vị đã tiên phong quyết định mạo hiểm chọn nguyên liệu từ cây năn tượng để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đã xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ, Úc.
Nếu Vietnam Housewares giữ vai trò xuất khẩu trực tiếp, thì Công ty cổ phần MCF Việt Nam có vai trò là trung tâm điều phối sản xuất và cung ứng nguồn hàng theo yêu cầu (cả về mẫu mã và kế hoạch số lượng đơn hàng - PV) được Vietnam Housewares “vạch ra”.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Hai, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần MCF Việt Nam cho biết, đơn vị này hiện quản lý và điều phối trên 20 tổ hợp tác và hai hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây năn tượng.
Theo đó, cơ chế vận hành hoạt động sản xuất là MCF Việt Nam sẽ cung cấp mẫu mã và nguồn nguyên liệu đến các tổ hợp tác và hợp tác xã trực tiếp quản lý. Từ đây, các hợp tác xã và tổ hợp tác sẽ điều phối sản xuất tiếp xuống bên dưới và thành phẩm sau đó được thu gom chuyển ngược lại trung tâm điều phối (Công ty cổ phần MCF Việt Nam).
“Tại đây, nguồn hàng được vận chuyển về Vietnam Housewares ở Bình Dương để xử lý những khâu cuối cùng (kiểm tra, dán nhãn, đóng gói - PV) và xuất khẩu 100% đi Mỹ, Úc”, ông Hai cho biết.
Theo ông Hai, dù MCF Việt Nam mới được thành lập vào ngày 20-2-2021, nhưng lượng hàng được đơn vị này cung cấp cho Vietnam Housewares để xuất khẩu trong năm 2022 đã đạt đến con số khoảng 30.000-40.000 sản phẩm/tháng, tức đã có hàng trăm nghìn sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ nguyên liệu cây năn tượng đã xuất đi Mỹ, Úc trong năm ngoái.
Ông Hai cho biết, định hướng sắp tới sẽ đi theo con đường "xây dựng đơn hàng đi theo nhu cầu của khách hàng", tức quy mô thị trường mở rộng tới đâu, thì đơn vị này sẽ điều phối tổ chức sản xuất gia tăng đến đó. “Tất cả các bước đi mình phải thật cẩn trọng, chứ không phải tự phát để rồi có thể sẽ khó khăn”, ông cho biết.
“Kết nối” tình làng nghĩa xóm
Tuy nhiên, để đưa thành công cây năn tượng sang Mỹ, Úc, thì việc xây dựng các tổ nhóm sản xuất đã được các đơn vị, tổ chức liên quan chú trọng triển khai từ trước. “Cách làm của chúng tôi là hỗ trợ cho đoàn thể địa phương gầy dựng ra những tổ nhóm sản xuất”, ông Ni nhấn mạnh và cho rằng, khi các tổ nhóm lớn mạnh, có thể tự chủ được về mặt tài chính, có đủ năng lực quản lý sẽ cho thành lập hợp tác xã thuộc hệ thống điều phối của MCF Việt Nam. “Khi hợp tác xã đủ mạnh chúng tôi sẽ tách ra cho hình thành doanh nghiệp, có khả năng đàm phán ký kết hợp đồng. Lộ trình chúng tôi đi là vậy”, ông nhấn mạnh.
Điều quan trọng hơn, đó là khi đẩy mạnh chương trình phát triển làng nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ gắn với nguyên liệu từ cây năn tượng đã giúp kết nối tình đoàn kết của người dân trong xóm làng tốt hơn. “Từ việc người dân hình thành các tổ nhóm sản xuất để cùng ngồi làm việc với nhau, rồi người này chỉ dạy người kia, người kia chỉ dạy người nọ đã trở thành "chất xúc tác" giúp gắn kết người dân lại với nhau”, ông Ni nhấn mạnh.
Từ cách làm như vậy, bà Trần Hồng Ni, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến thời điểm hiện tại, tức sau khoảng 4 tháng kể từ ngày tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đầu tiên của địa phương được thành lập, đã nhân rộng lên 27 tổ với khoảng 200 thợ đan lát.
"Hằng tuần, 27 tổ này sản xuất được 700 bộ (2 cái/bộ) sản phẩm”, bà thông tin và cho rằng, mô hình này không chỉ “kéo” người dân lại gần với nhau hơn, mà còn tạo thêm thu nhập lúc nhàn rỗi cho chị em phụ nữ. “Chị em nào đan giỏi có thể thu nhập được khoảng 500.000 đồng/tuần”, bà Trần Hồng Ni chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Hợp tác xã MCF Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, đơn vị này đang có kế hoạch liên kết với chi hội phụ nữ ở các xã của những huyện thuộc tỉnh Bạc Liêu (nằm tiếp giáp tỉnh Sóc Trăng - PV) để liên kết mở rộng sản xuất.
“Chính vì vậy, chúng tôi đã mở các lớp dạy nghề đan lát cho chi hội trưởng chi hội phụ nữ ở các xã, ấp. Từ đó, họ sẽ tập trung dạy lại cho người dân có nhu cầu ở địa phương, tiến đến hình thành các tổ nhóm sản xuất”, ông Toàn cho biết và nói rằng, quá trình này, hợp tác xã sẽ hỗ trợ thêm đội kỹ thuật cũng như đem mẫu mã xuống triển khai cho người dân.
Với cách thức triển khai như trên, ông Toàn kỳ vọng, mô hình đưa cây năn tượng xuống ruộng kết hợp phục vụ nguyên liệu phát triển hàng thủ công mỹ nghệ sẽ giúp môi trường sống được khôi phục bền vững hơn, nâng cao đời sống kinh tế người dân, đặc biệt đoàn kết tình làng nghĩa xóm sẽ ngày càng bền chặt.
Năm tiêu chí đánh giá mô hình cây năn tượng
Năm tiêu chí đánh giá mô hình phát triển cây năn tượng kết hợp nuôi tôm cua và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được ông Dương Văn Ni nêu ra, đó là: (1) phải tăng cường được uy tín của chính quyền đoàn thể địa phương với người dân; (2) phải tăng cường và củng cố được tình làng nghĩa xóm hay nói đúng hơn là văn hoá bản địa, tức người dân ở đó có thể chia sẻ, sống hài hoà với mô hình sản xuất; (3) không làm ô nhiễm và kiệt quệ tài nghiên thiên nhiên; (4) phải giảm bớt sự cực nhọc cho phụ nữ và cuối cùng là phải có hiệu quả kinh tế.
Rất xuất sắc. Mừng cho bà con Cà Mau. Thay vì ngồi nhìn và than vãn mãi tình trạng biển xâm thực. Thay vì chờ đợi các bộ ngành vẫn đang mãi nghiên cứu cách chống chọi với tự nhiên. Nông dân Cà Mau đến nay bước đầu đã có giải pháp góp phần đổi đời, đổi vận, nâng cao đời sống kinh tế. Đề nghị sớm trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho những cá nhân/ tập thể đã có thành tích nổi bật trong cuộc chiến vì dân, cùng với dân biết thích nghi và chung sống hòa bình với biển cả vĩ đại.