Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con đường chiếm lĩnh dịch vụ số của mạng xã hội

Trương Trọng Hiểu (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Quyết định áp dụng chính sách miễn phí gần như tất cả các loại dịch vụ trên ngân hàng số từ ngày 1-1-2022 mới đây của Vietcombank cho thấy ngân hàng này đang cố gắng định vị lại chiến lược kinh doanh của mình. Điều này hé lộ câu chuyện gì trong cuộc chiến cạnh tranh về mô hình kinh doanh dịch vụ tài chính số hiện nay ở Việt Nam?

Wechat Pay đã “nhảy vọt” như thế nào?

Đến nay Wechat không còn là cái tên xa lạ không chỉ với người dùng ở Trung Quốc mà ở nhiều thị trường khác trên thế giới nơi ứng dụng (app) này đặt chân đến. Thậm chí, Wechat còn trở thành một trong những hình ảnh đại diện tiêu biểu cho sự thành công về ứng dụng mạng xã hội lẫn thương mại điện tử của Trung Quốc, nơi mà các ứng dụng tin nhắn và giao tiếp khác không dễ dàng gì tiếp cận.

Có nhiều lý do lý giải thích cho sự thành công nhanh chóng và vượt bậc của ứng dụng này, như mức độ đầu tư vào công nghệ, việc triển khai dự án thần tốc và đặc biệt là những dự báo chuẩn xác về xu hướng vận động và phát triển của thị trường di động, đặc biệt là điện thoại thông minh.

Kết quả là, Wechat đã không khó để đạt được dấu mốc 100 triệu người dùng chỉ sau một năm ra mắt chính thức vào năm 2011. Đặc biệt, số lượng người dùng mỗi tháng đã nhanh chóng chạm mốc một tỉ vào năm 2019, chưa đầy mười năm ứng dụng được tung ra thị trường và liên tục được cải tiến. Thành quả này đã đưa giá trị vốn hóa của Tencent, ông chủ của Wechat, tăng trưởng vượt trội, tăng hơn mười lần trong khoảng sau năm năm khai thác thành công ứng dụng.

Điều đáng nói là, Wechat đến nay còn được xem là biểu tượng của một “siêu ứng dụng” (super app) khi không dừng lại ở các tính năng và dịch vụ của một ứng dụng mạng xã hội đơn thuần như các sản phẩm cạnh tranh khác trên toàn cầu.

Tiêu biểu, để có thể trở thành tên tuổi tiên phong cho hướng phát triển đó, năm 2013 Wechat bổ sung chức năng thanh toán (Wechat Pay) và đặc biệt là năm 2014 thêm các hoạt động thương mại điện tử đầy đủ (commerce). Hay nói cách khác, với một siêu ứng dụng như vậy, Wechat đã có thể “cột” chặt người sử dụng trong hệ sinh thái của mình: Chỉ với một Wechat, người dùng gần như có thể có mọi kết nối và thỏa mãn hầu hết các nhu cầu đa dạng.

Tại sao Wechat có thể làm được điều đó? Xin tạm gác câu trả lời để tiếp tục câu chuyện với Zalo và Zalo Pay.

Zalo tương thanh tương ứng

Mặc dù thành công như vậy, Wechat và Wechat Pay vẫn không “có cửa” ở Việt Nam vì nó chưa được cấp phép. Đơn giản, bản thân Wechat không phải là ngân hàng. Mặc dù có thể cung cấp nhiều tính năng và phương thức thanh toán đa dạng, việc kết nối với tài khoản ngân hàng của người dùng lẫn ngân hàng chấp nhận thanh toán là rất quan trọng đối với mọi ứng dụng thanh toán trực tuyến hay ví điện tử.

Giữ chân và phát triển số lượng người dùng là tiền đề mang tính tiên quyết trước khi nói đến chuyện phát triển dịch vụ tài chính của mình, hay xa hơn là biến các ngân hàng số thành các ứng dụng đa dịch vụ hay là siêu ứng dụng.

Trong bối cảnh đó, Zalo Pay có thể tương thanh hô ứng trên mặt trận này ở Việt Nam. Đương nhiên, ứng dụng thanh toán trực tuyến và các ví điện tử ở Việt Nam không phải chỉ có tên tuổi này, nhưng rõ ràng Zalo Pay đã là điển hình trong số đó cho việc cung cấp dịch vụ thông qua đường hướng phát triển đi lên từ một ứng dụng mạng xã hội. Ở vài khía cạnh nào đó, rõ ràng sự thắng thế của Zalo Pay ở Việt Nam phản ánh con đường thành công của Wechat Pay ở Trung Quốc và các thị trường khác.

Cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, sự thành công trong hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng ở mảng dịch vụ này, có một điều khá thú vị là tại sao từ một ứng dụng mạng xã hội mà cả Wechat lẫn Zalo lại thành công ở hoạt động cung cấp dịch vụ… tài chính? Như vừa nói, câu trả lời sẽ có nhiều, nhưng chắc chắn một trong những nhân tố quan trọng là cả Wechat và Zalo Pay có một lợi thế rất lớn chính là họ có một lượng lớn người dùng đang tham gia mạng xã hội của họ.

Quan sát thực tế, có thể nhận thấy Wechat Pay và Zalo Pay chỉ xuất hiện sau khi cả Wechat và Zalo đã phát triển đến một mức tạm gọi là có số lượng người dùng đủ lớn. Và đương nhiên, ngay cả khi tung ra tính năng mới rồi thì chiến lược phát triển số lượng và mạng lưới người dùng vẫn phải tiếp tục.

Thậm chí, nếu xem người dùng là yếu tố “cần” cho sự thành công trong quá trình phát triển hệ sinh thái thì chiến lược thu hút đối tượng khách hàng cũng được đẩy lên mục tiêu ưu tiên, và không khó để lý giải vì sao cả Wechat và Zalo đều cho phép mọi người sử dụng ứng dụng của mình miễn phí.

Như vậy, từ một mạng xã hội, Wechat và Zalo đã xem số lượng người dùng mà mình phát triển được là khách hàng tiềm năng và tìm cách đáp ứng “tại chỗ” nhu cầu đa dạng của họ thông qua việc kéo các đối tác của mình tham gia (như các ngân hàng hay các kênh bán hàng khác) cùng cung cấp dịch vụ bổ sung tại chính ngôi nhà của mình. Điều đó vừa biến các ứng dụng này thành các siêu ứng dụng để rồi “cột” chặt người dùng vào hệ sinh thái cung cấp trọn gói dịch vụ như đã nói ở trên.

Đến lượt các ngân hàng số

Câu chuyện phát triển mạng lưới người dùng của các mạng xã hội nói trên có thể hé lộ sách lược quan trọng để các ngân hàng số mới vừa ra mắt ở Việt Nam tìm hướng đi cho mình. Ngay cả với các ngân hàng lớn, có số lượng khách hàng đông đảo thì khả năng một phần trong số đó vẫn có thể… bỏ ra đi nếu các đơn vị này ỷ lại để rồi tiến hành thu nhiều khoản phí giao dịch khác nhau.

Hay chí ít, vì các khoản phí giao dịch đó, các chủ tài khoản có thể dùng tài khoản ngân hàng để đăng ký các ứng dụng thanh toán trung gian khác như Zalo Pay, Momo, Grab Moca… để thanh toán ở… bên ngoài ngân hàng “chính chủ”. Khốc liệt hơn, xu hướng này đã thể hiện rõ khi các ngân hàng khác miễn phí giao dịch và các ví thanh toán điện tử thì liên tục tung ra các gói khuyến mãi.

Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến chuyện thất bại của Sfone trong nhiều năm trước. Vì nghĩ rằng có thể dễ dàng cột chặt khách hàng vào dịch vụ của mình nên nhà mạng này đã triển khai dịch vụ (và cũng là công nghệ) sim số kèm điện thoại. Có nghĩa, một người muốn dùng dịch vụ của Sfone phải vừa mua điện thoại vừa mua sim số của Sfone vì nếu thiếu một trong hai thì thiết bị còn lại vô tác dụng. Kết quả, Sfone… biến mất, vì người tiêu dùng không dại gì đâm đầu vào đá khi có thể mua điện thoại tự do và mua sim của các nhà mạng khác để sử dụng các dịch vụ viễn thông khác.

Cũng tương tự như vậy, khi mạng lưới người dùng của mình chưa đủ lớn để tạo lợi thế và đặc biệt là khi số lượng người dùng đó còn có thể sụt giảm do cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt từ các ngân hàng số khác thì phương án thả con tép để bắt con tôm là việc các ngân hàng cần phải nghĩ đến.

Rõ ràng, sau bao nhiêu lâu Nhà nước thúc đẩy chính sách phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đặc biệt là thanh toán điện tử và ngân hàng số, các ngân hàng truyền thống đã lần lượt trở thành kẻ bị bỏ lại phía sau để nhường ngôi cho các ứng dụng ví điện tử mà bản thân các ứng dụng đó không phải là… ngân hàng.

Cho nên, có thể nói, việc Vietcombank và một vài ngân hàng mới đây quyết định dừng thu một số khoản phí giao dịch qua ứng dụng ngân hàng số của mình cho thấy có sự định vị lại các chiến lược kinh doanh của các đơn vị này. Đương nhiên, sẽ có nhiều cách lý giải khác khau về các quyết định đó. Ở cách tiếp cận của bài viết này, rõ ràng có thể nhận thấy, giữ chân và phát triển số lượng người dùng là tiền đề mang tính tiên quyết trước khi nói đến chuyện phát triển dịch vụ tài chính của mình, hay xa hơn là biến các ngân hàng số thành các ứng dụng đa dịch vụ hay là siêu ứng dụng.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới