Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con đường công nghiệp hóa còn xa 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con đường công nghiệp hóa còn xa 

Mộng Bình

Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành trình bày về kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tại buổi hội thảo tại TPHCM ngày 12-9 – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Việt Nam cần xác định các biện pháp cụ thể trong các năm tới để có thể cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.

Chuyên gia tư vấn của Quỹ châu Á (The Asia Foundation), ông Nick J. Freeman đã đưa ra ý kiến trên tại buổi hội thảo khoa học do Trường Đại học Quốc gia tổ chức tại TPHCM hôm nay 12-9 bàn về báo cáo sơ khởi kết quả nghiên cứu đề tài “Xây dựng các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020”.  

Công nghiệp hóa không là mục tiêu cuối cùng

Chuyên gia Freeman cho rằng điều quan trọng là Việt Nam phải xác định được tầm nhìn và mục đích đạt được vào năm 2020; từ đó có thể đưa ra những quyết định phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra của một quốc gia có nền công nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý không nên xem công nghiệp hoá là mục tiêu cuối cùng mà phải xem đây là phương tiện để đưa nền kinh tế của Việt Nam lên một giai đoạn phát triển cao hơn. Cần phải chú trọng vào chất lượng tăng trưởng, tính bền vững của tăng trưởng và các vấn đề về sự bình đẳng xã hội trong quá trình phát triển kinh tế. Không nên đạt tăng trưởng bằng bất cứ giá nào, ông Freeman đã nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sau buổi hội thảo.

Chia sẻ ý kiến của ông Freeman, chủ tọa của hội thảo – tiến sĩ Nguyễn Văn Luân – cho rằng Việt Nam không thể trở thành một nước công nghiệp bằng việc nhập các công nghệ, thiết bị lạc hậu từ các nước khác.

Việt Nam đang gặt hái những kết quả tốt từ cải cách kinh tế và toàn cầu hóa cùng việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới, và điều này được thể hiện qua việc xuất khẩu được đẩy mạnh và thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn 10 năm qua.

Tuy nhiên, ông Freeman nhận định thời gian 10 năm tới có thể sẽ khó khăn khi nhiều quốc gia đang cạnh tranh và cùng khai thác những nguồn tài nguyên có hạn của thế giới. Không có gì đảm bảo toàn cầu hóa sẽ tiếp tục diễn ra theo chiều hướng tốt cho kinh tế Việt Nam vào năm 2020. 

Chuyên gia này cũng nhận xét Việt Nam đã nhận ra rằng tăng trưởng kinh tế cao không phải là ưu tiên duy nhất mà bên cạnh đó những vấn đề về môi trường và bình đẳng xã hội đang ngày càng được quan tâm. Hiện tại, một số quốc gia không đặt trọng tâm vào tăng trưởng GDP mà điều quan trọng là chỉ số tăng trưởng về sự hài lòng, mức độ hạnh phúc của người dân, ông nói.

Con đường còn xa

Trong phần trình bày các tiêu chí để Việt Nam có thể cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, tiến sĩ Nguyễn Thị Cành đã nêu 7 tiêu chí mà Việt Nam khó có thể đáp ứng, liên quan đến GDP bình quân/người, tỷ trọng lao động nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, chênh lệch phân hóa giàu nghèo, tỷ lệ hàng xuất khẩu chế biến/tổng xuất khẩu, ô nhiễm môi trường đô thị và tỷ lệ tăng dân số.

Là chủ nhiệm của đề tài nghiên cứu, bà Cành cho rằng GDP bình quân/người ở Việt Nam năm 2008 là 1.047 đô la Mỹ nhưng theo chuẩn công nghiệp hóa phải là trên 3.000 đô la Mỹ. Bên cạnh đó, tỷ trọng lao động nông nghiệp của Việt Nam là 50,2% trong khi tại nước công nghiệp là dưới 30%, còn tỷ lệ đô thị hóa của nước ta là 29,4% trong khi tiêu chí của nước công nghiệp hóa là trên 50%.

Hiện Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng ở dạng thô và do vậy tỷ lệ hàng xuất khẩu chế biến/tổng xuất khẩu mới chỉ đạt 52,7% trong khi chuẩn công nghiệp hoá phải là 80%.

Về tiêu chí môi trường, một tiêu chí quan trọng đối với chất lượng cuộc sống người dân, Việt Nam cũng khó đáp ứng được. Bà Cành cho biết theo chuẩn công nghiệp hóa thì tỷ lệ ô nhiễm môi trường đô thị phải giảm 1%/năm trong khi ở nước ta ngày càng tăng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới