Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Còn hơn 600 thủ tục hành chính chưa phân cấp để giải quyết

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ đã phê duyệt phương án về phân cấp thẩm quyền để giải quyết 699 thủ tục hành chính (thuộc phạm vi chức năng quản lý của 21 bộ, cơ quan ngang bộ). Trong đó, còn hơn 600 thủ tục hành chính chưa thực hiện việc phân cấp, tập trung ở lĩnh vực y tế, thông tin và truyền thông, nội vụ, giao thông vận tải.

Người dân đang làm thủ tục hành chính. Ảnh: TL

Theo baochinhphu.vn, việc phân cấp để giải quyết thủ tục hành chính này đang thực hiện theo theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg về phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong đó, cơ quan chức năng đã phân cấp cho 81 thủ tục hành chính tại 15 văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có nhiều thủ tục nhất với 34 thủ tục (tại 6 văn bản). Tiếp đến là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 20 thủ tục, Bộ Tài nguyên và Môi trường với 13 thủ tục hành chính…

Như vậy, vẫn còn 618 thủ tục hành chính chưa thực thi phương án phân cấp, chủ yếu là các thủ tục thuộc phạm vi của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giao thông vận tải, Nội vụ, Công an, Công Thương, Tài chính. Mỗi bộ có khoảng từ 45-69 thủ tục hành chính cần giải quyết.

Trong số 618 thủ tục hành chính chưa thực thi nói trên, số thủ tục đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và còn thời hạn để thực thi phương án phân cấp là 568 thủ tục. Còn 50 thủ tục hành chính đã quá thời hạn giải quyết, tập trung trong các lĩnh vực gồm công an, kế hoạch và đầu tư, văn hóa, thể thao và du lịch, xây dựng, y tế, thanh tra. Riêng Bộ Y tế đang có 28 thủ tục quá hạn.

Theo TTXVN, trước đó, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1015 ngày 30-8-2022 phê duyệt về phương án phân cấp thẩm quyền và giải quyết 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực thuộc cấp quản lý nhà nước.

Lộ trình để thực thi các phương án này là trong giai đoạn 2022-2025. Các phương án phân cấp mà cần sửa đổi, bổ sung quy nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư thì triển khai trong giai đoạn 2022-2023. Còn các phương án phân cấp mà cần sửa đổi, bổ sung luật thì triển khai trong giai đoạn 2022-2025. Mục đích hướng đến là đảm bảo tính khả thi, sớm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Theo đó, các phương án phân cấp được xây dựng trên cơ sở đã tổng hợp ý kiến từ các bộ, cơ quan ngang bộ, đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của địa phương và cơ quan thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng phối hợp với đơn vị liên quan để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định liên quan theo thẩm quyền; báo cáo đến cấp thẩm quyền về việc áp dụng hình thức mới như một văn bản sửa nhiều văn bản hoặc lồng ghép nội dung phương án phân cấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới