(KTSG Online) - Thị trường dầu diesel thế giới một lần nữa xuất hiện những dấu hiệu hỗn loạn, đe dọa làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu hơn nữa với áp lực lạm phát mới. Dầu diesel được xem động cơ của nền kinh tế toàn cầu, khi giá dầu diesel tăng mạnh, mọi thứ từ chi phí sưởi ấm đến các sản phẩm hàng hóa đều tăng theo.
Là nhiên liệu cung cấp năng lượng cho xe tải, xe lửa và tàu bè, dầu diesel đang chứng kiến nhu cầu mua ngay với mức giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Bên cạnh sức ép cuộc đình công đòi lương của các công nhân tại các nhà máy lọc dầu của Pháp, đã kéo dài hơn ba tuần, châu Âu đang xoay sở để sẵn sàng ứng phó tác động từ lệnh cấm nhập khẩu dầu diesel từ Nga mà Liên minh châu Âu (EU) dự kiến áp dụng vào tháng 2-2023.
Pháp là nhà cung cấp nhiên liệu quan trọng cho châu Âu, với công suât chế biến 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Các cuộc đình công đã ảnh hưởng đến khoảng 2/3 năng lực lọc dầu của Pháp. Hai nhà máy lọc dầu lớn nhất đất nước do TotalEnergies và ExxonMobil quản lý, đang hoạt động dưới công suất.
Tại Mỹ, lượng tồn kho của dầu diesel theo mùa đang ở mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được theo dõi vào năm 1982. Trong bối cảnh giá cả năng lượng đang ở mức cao ngất ngưỡng, cơn hỗn loạn trên thị trường dầu diesel chắc chắn gây thêm áp lực lạm phát.
Chính phủ Mỹ đã thúc ép các nhà sản xuất nhiên liệu cắt giảm xuất khẩu ra nước ngoài và trừng phạt họ vì dự trữ dầu diesel thấp. Các thương nhân đang chuyển hướng các tàu chở dầu diesel từ châu Âu đến bờ Đông nước Mỹ khi hai khu vực tranh giành nguồn cung trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng và giá cả tăng vọt.
Theo các thương nhân và dữ liệu theo dõi tàu Refinitiv, ít nhất hai tàu chở dầu chở 90.000 tấn diesel và nhiên liệu máy bay đang đi từ châu Âu đến bờ Đông nước Mỹ. Hôm 13-10, tàu Thundercat, chở dầu diesel từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, đã thay đổi điểm đến từ cảng Rotterdam của Hà Lan thành cảng New York.
Trong những ngày gần đây, tàu chở dầu Proteus Jessica, hiện đang ở Đại Tây Dương, đã thay đổi điểm đến từ khu vực chờ Southwald ngoài khơi bờ biển phía đông nam nước Anh sang cảng New York.
Những quyết định chuyển hướng như vậy rất hiếm khi xảy ra ở châu Âu, nơi các nhà máy lọc dầu không sản xuất đủ dầu diesel để đáp ứng nhu cầu trong khu vực. Châu Âu thường nhập khẩu dầu thêm diesel từ Mỹ cũng như châu Á và Trung Đông.
Trong những tuần gần đây, biên lợi nhuận lọc dầu diesel của châu Âu đạt mức cao nhất lịch sử do tác động của các cuộc đình công ở Pháp. Nhưng đồng thời, tồn kho dầu diesel của Mỹ giảm mạnh cũng đẩy giá dầu dieselvà biên lợi nhuận lợi nhuận lọc dầu ở nước này lên mức cao hơn, mở ra cơ hội giao dịch chênh lệch giá, khuyến khích nhập khẩu dầu diesel từ châu Âu đến bờ Đông của Mỹ.
Gary Ros, nhà quản lý một quỹ phòng hộ tại Black Gold Investors, nói: “Thị trường dầu diesel đang cực kỳ căng thẳng với nguồn dự trữ của người dùng cuối ở mức rất thấp. Tôi không biết nguồn cung bổ sung sẽ đến từ đâu. Dầu diesel là sản phẩm công nghiệp của thế giới, vì vậy, tình hiện thị trường hiện nay không giúp ích cho một môi trường kinh tế vốn đã suy yếu”.
Trong tuần này, có thời điểm các nhà giao dịch đã trả tới 160 đô la/tấn, tương đương hơn 20 đô la/thùng để thuê sà lan chở diesel cho thị trường châu Âu. Đó là dấu hiệu của hàng tồn kho khan hiếm. Tháng trước, giá cước sà lan vận chuyển diesel ở khu vực này chỉ là 24 đô la/tấn. Ở New York, thị trường diesel vật chất cũng thắt chặt nên phí giao hàng ưu tiên cũng tăng vọt ở đó.
Dầu diesel được xem động cơ của nền kinh tế toàn cầu. Nó được sử dụng để vận chuyển, sưởi ấm và vận hành các quy trình công nghiệp. Điều này có nghĩa là khi giá dầu diesel tăng mạnh, mọi thứ từ chi phí sưởi ấm đến các sản phẩm hàng hóa đều tăng theo.
Mark Williams, Giám đốc nghiên cứu thị trường dầu ngắn hạn tại Công ty tư vấn năng lượng WoodMackenzie, nói: “Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, giá dầu cao hơn làm tăng lạm phát và giảm tăng trưởng kinh tế. Chi phí đang tăng lên của dầu diesel tác động đến mọi người vì giá dầu diesel ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sưởi ấm, vận chuyển và sản xuất. Khi giá dầu diesel tăng, chi phí hàng hóa tăng thêm nói chung được chuyển sang người tiêu dùng”.
Tình trạng thị trường dầu diesel hiện nay có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Berlin, Paris và thậm chí cả Moscow. Ngay cả trong tháng trước, châu Âu đã nhập khẩu 20% nhu cầu diesel từ Nga. Về phần mình, Nga tiếp tục cung cấp khoảng 80% sản lượng diesel xuất khẩu đến châu Âu.
Với sự thiếu hụt các tàu chở dầu phá băng chuyên dụng, có thể vận chuyển các lô hàng diesel từ các cảng ở Biển Baltic của Nga trong mùa đông, câu hỏi mà chuỗi cung ứng ngành dầu khí đang đối mặt là làm sao có thể dễ dàng đưa những nguồn cung đó đến các thị trường thay thế.
Thị trường dầu đã rơi vào tình trạng hỗn loạn ở nhiều cấp độ khác nhau kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, khiến dòng chảy diesel trở nên bất ổn. Nhưng với lệnh cấm nhập dầu dầu diesel của Nga sắp được EU triển khai, cuộc đình công của công nhân ngành lọc dầu ở Pháp không phải là điều mà thị trường cần.
Cuộc đình công bắt đầu diễn ra vào cuối tháng 9 và trở nên tồi tệ đến mức chính phủ Pháp ra lệnh trưng dụng để yêu cầu công nhân đình công đóng vai trò thiết yếu đối với hoạt động của các kho nhiên liệu thuộc Esso-ExxonMobil (chi nhánh của ExxonMobil tại Pháp) đi làm trở lại. Nếu không, họ có thể đối mặt với 6 tháng tù và khoản tiền phạt 10.000 euro.
Gần một phần ba số trạm xăng dầu của Pháp trải qua tình trạng thiếu hụt tại một thời điểm nhất định trong tuần này. Tình hình dịu lại vào hôm 14-10 khi hoạt động đình công đã giảm bớt. Công nhân tại các nhà máy lọc dâu ở Pháp của Exxon Mobil
đã tạm dừng đình công. Dù vậy, công nhân ở 5 nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu của TotalEnergies tiếp tục kéo dài cuộc đình công của họ. Helge Andre Martinsen, nhà phân tích dầu cấp cao tại Ngân hàng DNB Bank (Na Uy), nói: “Dầu diesel đang rất khan hiếm. Chúng ta có thể chứng kiến nguồn cung thắt chặt vào mùa đông”.
Theo Bloomberg, Reuters