Còn nhiều cơ hội cho đầu tư xử lý nước sạch
Văn Nam
(TBKTSG Online) - Khả năng đầu tư để sinh lợi trong lĩnh vực xử lý nước sạch tại Việt Nam còn rất lớn bởi tỉ lệ cung cấp nước sạch tại khu vực đô thị và nông thôn hiện chỉ đạt 60%, phần còn lại chính là cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước.
![]() |
Ông Trương Khắc Hoành (trái), Tổng giám đốc Saigon Water và ông Gerardo C. Abalaza, Tổng giám đốc Manila Water, tại lễ ký kết hợp tác trong sáng nay (19-8) - Ảnh: Văn Nam |
>>> Manila Water rót thêm vốn vào xử lý nước
Đây là nhận định của ông Trương Khắc Hoành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water), qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại buổi lễ ký kết hợp giữa Saigon Water với Công ty Manila Water thuộc Tập đoàn Ayala Corpration của Philippines ngày 19-8.
Theo ông Hoành, lĩnh vực xử lý, phân phối nước sạch tại Việt Nam cũng đang cần rất nhiều vốn đầu tư, đòi hỏi nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính, chưa kể phải áp dụng công nghệ hiện đại, giải pháp giảm thất thoát nước hợp lý trong khâu phân phối mới hy vọng có lợi nhuận cao.
Với thương vụ bắt tay với Manila Water bằng việc phát hành 18,37 triệu cổ phiếu riêng lẻ trị giá 400 tỉ đồng cho Manila Water, Saigon Water kỳ vọng có thêm sức mạnh tài chính, kinh nghiệm phát triển các dự án xử lý nước tại Việt Nam. Hiện nay hai cổ đông lớn của Saigon Water là Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) và Manila Water.
Cụ thể, sắp tới Saigon Water sẽ triển hai dự án nhà máy nước Pleiku tại Gia Lai (công suất 30.000 m3/ngày) và nhà máy nước Du Long tại Ninh Thuận (công suất 15.000 m3/ngày) với tổng vốn đầu tư của hai dự án khoảng 400 tỉ đồng.
Ngoài ra, Saigon Water cũng đang chuẩn bị đầu tư thêm nhà máy nước Tân Hiệp 2 tại huyện Hóc Môn, TPHCM có công suất 300.000 m3/ngày. Theo ông Hoành, Saigon Water đã được UBND TPHCM cho phép triển khai dự án nhà máy nước Tân Hiệp 2, dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2014 và phát nước vào năm 2015.
Theo ông Gerardo C. Ablaza, Tổng giám đốc Công ty Manila Water thuộc Tập đoàn Ayala Corporation của Philippines, tính đến nay Manila Water đã đầu tư khoảng 100 triệu đô la Mỹ vào ngành xử lý nước tại Việt Nam, cụ thể là góp 49% vốn tại dự án nhà máy nước BOO Thủ Đức và 47% vốn tại dự án nhà máy nước Kênh Đông tại TPHCM.
Ông Ablaza cho biết, thông qua Saigon Water, Manila Water tiếp tục đầu tư vào các dự án xử lý sạch tại TPHCM. Ngoài ra, Manila Water cũng nhắm đến các dự án xử lý nước thải ở các tỉnh xung quanh TPHCM và các dự án cung cấp nước sạch tại các tỉnh miền Trung.
Còn theo ông Fernado Zobel De Ayala, Chủ tịch Tập đoàn Ayala Corporation, hiện nay việc đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước sạch tại Việt Nam đang là cơ hội rất lớn cho nhà đầu tư. Ayala Corporation sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này thông qua sự hợp tác với Saigon Water.
TPHCM cần 2,5 tỉ đô la Mỹ cho ngành cấp nước Theo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), nguồn cung cấp nước tại TPHCM hiện nay từ các nhà máy nước Thủ Đức, Bình An, Tân Hiệp, Trung An, Kênh Đông và nhà máy nước ngầm Tân Phú với tổng công suất gần 1,7 triệu m3/ngày. Sawaco đặt kế hoạch đến năm 2025 sẽ nâng tổng công suất lên 3,4 triệu m3/ngày, cải tạo hơn 1.500 km mạng lưới đường ống, xây dựng hệ thống quản lý cấp nước hợp lý, giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống còn 25%. Tuy nhiên, số vốn đầu tư cho các dự án trên cũng lên đến 2,5 tỉ đô la Mỹ, phần lớn từ nguồn vốn vay ODA. Hiện tại Sawaco đang xúc tiến đầu tư theo hình thức liên doanh với 5 nhà máy nước mới với tổng công suất 1,6 triệu m3/ngày; trong đó có nhà máy nước Thủ Đức 3 (300.000 m3/ngày), Tân Hiệp 2 (300.000 m3/ngày), Thủ Đức 4 (300.000 m3/ngày), Thủ Đức 5 (500.000 m3/ngày) và Tân Hiệp 3 (300.000 m3/ngày). |