Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Còn nhiều kẽ hở luật trong kiểm soát tài sản khu vực tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn nhiều kẽ hở luật trong kiểm soát tài sản khu vực tư

Lan Nhi

(TBKTSG Online) - Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi sẽ thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, theo nhận xét của một số đại biểu Quốc hội, có quá nhiều kẽ hở khi Nhà nước muốn kiểm soát tài sản khu vực tư bằng Luật PCTN.

Còn nhiều kẽ hở luật trong kiểm soát tài sản khu vực tư
Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean Bank bị kết án tử hình vì tội nhận hối lộ Ảnh:TL

Hai vấn đề nổi cộm, gây tranh cãi nhất trong Luật PCTN (sửa đổi) là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh dự luật ra khỏi khu vực ngoài nhà nước và mức xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản không giải trình được nguồn gốc.

Rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận hội trường ngày 13-6 cho rằng việc kiểm soát tài sản khu vực tư như cách luật này đề xuất còn nhiều vấn đề có thể dẫn đến lạm quyền. Ông Bế Minh Đức (Cao Bằng) nói việc quy định về thanh, kiểm tra thực hiện pháp luật PCTN đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước cần hết sức thận trọng để tránh nguy cơ lạm quyền. Việc giao cho các cơ quan có thẩm quyền thanh, kiểm tra hoạt động các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội mà không có cơ chế giám sát hiệu quả thì khả năng lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền là có thể xảy ra, gây tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, giao dịch dân sự, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Ông Đức muốn thu hẹp phạm vi thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, đồng thời quy định chặt chẽ căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra để tránh bị lạm dụng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc hội cũng e ngại về việc giao trách nhiệm cho các cơ quan thanh tra các cấp tiến hành thanh tra doanh nghiệp mà căn cứ thanh tra lại do doanh nghiệp tự ban hành như dự thảo luật là mâu thuẫn với điều ba của Luật Thanh tra hiện hành (căn cứ để thanh tra là các quy định của pháp luật). “Thực tế sẽ phát sinh nhiều khó khăn bởi ngay các cơ quan thanh tra cũng không biết dựa vào đâu để kết luận quy định do doanh nghiệp ban hành là phù hợp hay không phù hợp với Luật phòng, chống tham nhũng”, bà Thủy nói.

Với cách quy định không chặt chẽ như dự thảo, không chỉ ra được các nghĩa vụ cụ thể mà doanh nghiệp phải thực hiện thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhũng nhiễu doanh nghiệp, điều mà Chính phủ đang phải tiến hành tháo bỏ.

Bà Thủy cũng không đồng thuận về cách và mức độ kê khai tài sản. Theo bà, dự thảo giao trách nhiệm cho khu vực tư phải căn cứ vào các quy định về kê khai tài sản đối với các công chức để ban hành quy định về kê khai tài sản đối với người quản lý doanh nghiệp mình. Theo đó, những người này phải kê khai cả tài sản của vợ, chồng, con chưa thành niên. Khi có thu nhập trong năm tăng từ 300 triệu trở lên thì phải kê khai bổ sung và giải trình nguồn gốc tài sản như áp dụng đối với công chức là hết sức phi lý.

“Đây là hai diện chủ thể hoàn toàn khác nhau”, bà nói. Một bên là công chức, những người đưqợc giao sử dụng quyền lực công và quản lý nguồn lực công với một bên là các doanh nhân, các nhà kinh doanh trong khu vực tư lại đang được Dự thảo ứng xử như nhau, đều phải thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản và giải trình tài sản. Bà yêu cầu ban soạn thảo phải đánh giá kỹ lại quy định này vì thiếu công bằng và khả thi.

Mặc khác, theo dự thảo sẽ có 1.800 công ty đại chúng và 128 tổ chức tín dụng ngoài nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, trong đó sẽ có rất nhiều công ty đại chúng có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, 57 ngân hàng và chi nhánh là 100% vốn của nước ngoài. “Vấn đề đặt ra là khi các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu kê khai không trung thực thì liệu doanh nghiệp có phải ra nước ngoài để xác minh tài sản của họ hay không? Kinh phí ở đâu để chi trả cho việc này hay hạch toán vào kinh phí của doanh nghiệp?”. Hay việc xác minh tài sản của vợ, con họ tại nước ngoài liệu có được pháp luật quốc gia đó cho phép hay không? Nếu doanh nghiệp không ra nước ngoài để xác minh tài sản thì trách nhiệm của doanh nghiệp trước pháp luật sẽ như thế nào đều chưa được dự thảo làm rõ.

Đặc biệt, bà nhấn mạnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước cũng quy định phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhưng cho đến nay chưa có pháp luật của nước nào quy định người quản lý doanh nghiệp tư phải kê khai tài sản và bị xử lý tài sản, nếu kê khai không trung thực.

Đặc biệt, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên, tại Điều 12 quy định sáu biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư cũng không đặt ra các trách nhiệm và nghĩa vụ này đối với doanh nghiệp.

Đại biểu này yêu cầu thanh tra, kiểm tra với khu vực tư phải thiên về các biện pháp kinh tế, các biện pháp thị trường, chứ không phải là các biện pháp hành chính như áp dụng đối với các cơ quan nhà nước.

Tịch thu tài sản theo cách nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói với Quốc hội rằng ban đầu ông đồng ý với phương án xử phạt thu thuế 45% tài sản bất hợp pháp như quy định của dự luật. Song khi về nghiên cứu ông ông thấy những quy định như vậy không đúng pháp luật. Vì Bộ Luật hình sự quy định nếu trốn thuế 100 triệu trở lên là truy tố hình sự. Bên cạnh truy tố còn xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức thì cớ gì tài sản phát hiện không rõ nguồn gốc qua thanh tra PCTN lại chỉ chịu thu thuế 45% trở lên?

Rồi tính hợp pháp của tài sản cũng có nhiều cách nhìn nhận khác nhau gây tranh cãi. Theo đại biểu Mùa A Vàng (Điện Biên), trong trường hợp người phải kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản theo 8 trường hợp đã quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu tại Điều 221 của Bộ luật Dân sự 2015 và cơ quan kiểm soát tài sản chứng minh được tài sản do phạm tội mà có thì áp dụng quy định chấm dứt quyền sở hữu tài sản theo Điều 237 của Bộ luật Dân sư. Như vậy, phương án hoàn toàn không để lọt tội phạm, để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất với các luật liên quan.

Ông đề nghị Luật PCTN quy định thêm trường hợp chấm dứt quyền sở hữu tài sản của người kê khai tài sản khi bản thân họ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hình thành tài sản có giá trị lớn và có dấu hiệu phạm tội mà có.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nói rằng các đại biểu không nên sợ tài sản không do tham nhũng mà có lại bị nghi oan là tài sản tham nhũng vì thực tế rất dễ chứng minh. Hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay từ các nguồn đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân. “Vậy tại sao chúng ta không yêu cầu có thêm một điều kiện phải khai thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng hàng năm bổ sung vào Điều 38 dự thảo luật?”, ông Mùa A Vàng đề nghị.  Và cho rằng, nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng có thể dễ dàng giám sát, theo dõi và công khai cho tất cả cử tri cũng như cơ quan giám sát được biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới