Thứ Ba, 20/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Còn nhiều việc phải làm để có thể thu hút dòng vốn FDI chất lượng

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Để không bỏ lỡ cơ hội thu hút các dự án sản xuất chất lượng và cần thu hút đầu tư, bên cạnh việc sẵn sàng mặt bằng sản xuất, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách cần hỗ trợ và nâng tầm doanh nghiệp nội địa để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất.

Sản xuất của một doanh nghiệp có vốn FDI tại TPHCM. Ảnh: QUỐC HÙNG

Gỡ khó mặt bằng sản xuất

Năm 2022, lần đầu tiên trong nhiều năm qua tỉnh Đồng Nai rớt khỏi nhóm 5 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trên thực tế, với lợi thế nằm gần TPHCM, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và có sân bay quốc tế Long Thành tương lai gần,… nhiều doanh nghiệp FDI đã đến tỉnh tìm cơ hội đặt nhà máy nhưng rồi đành phải đến địa phương khác. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do quỹ đất sản xuất công nghiệp dần cạn kiệt, dẫn tới không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp muốn đầu tư, nhất là những tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia… cần mặt bằng sản xuất lớn.

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, cho biết quỹ đất các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lấp đầy khoảng 86%. Phần diện tích còn lại khoảng 300 héc ta, nhưng lại nằm rải rác nên rất khó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cần mặt bằng diện tích lớn.

Theo quy hoạch các KCN được Chính phủ phê duyệt thì Đồng Nai sẽ có thêm 8 KCN với tổng diện tích hơn 8.200 héc ta. Tuy nhiên các dự án KCN này đều gặp một số vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu… Trong đó, đa số các vấn đề bị vướng thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ ngành và Chính phủ. Vì vậy, 8.200 héc ta này vẫn nằm trên giấy.

Khó khăn lớn nhất của các KCN tại TPHCM là quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư lớn. Trên lý thuyết, quỹ đất sạch có thể cho thuê được là 351 héc ta. Tuy nhiên, nhiều khu đất chưa chuẩn bị được mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật. “Trong năm 2023, cập nhật mới nhất chỉ có khoảng 41 héc ta có thể cho thuê ngay được”.

Tương tự, do cạn quỹ đất công nghiệp, trong những năm qua, TPHCM xác định sẽ không còn dư địa cho những dự án kiểu cũ. Với lợi thế của mình, thành phố ưu tiên những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị sản phẩm lớn nhưng ít tiêu tốn mặt bằng, năng lượng, nhân công, đồng thời có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách…

Dù vậy, để thu hút những dự án quy mô lớn và chất lượng từ các tập đoàn lớn cũng đòi hỏi phải có mặt bằng sản xuất và hạ tầng tốt. Vấn đề này ở TPHCM còn khó hơn. Cụ thể, theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất – KCN TPHCM (Hepza), trong quí 1-2023, vốn đầu tư cấp mới giảm mạnh, đặc biệt vốn FDI không có dự án lớn, không có dự án mang tính dẫn đầu, lan tỏa. Các doanh nghiệp FDI được cấp giấy phép mới tập trung ngành chế biến, chế tạo và 100% dự án thuê lại nhà xưởng có sẵn trong các KCN.

Khó khăn lớn nhất của các KCN tại TPHCM là quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư lớn. Trên lý thuyết, quỹ đất sạch có thể cho thuê được là 351 héc ta. Tuy nhiên, nhiều khu đất chưa chuẩn bị được mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật. “Trong năm 2023, cập nhật mới nhất chỉ có khoảng 41 héc ta có thể cho thuê ngay được

Số đất này cũng rải rác, không tập trung và có diện tích nhỏ, chỉ từ 5.000-10.000 mét vuông. Điều này là một trong những khó khăn cho thành phố trong thu hút các dự án đầu tư lớn, đại diện Hepza thông tin.

Cải thiện môi trường đầu tư, “nâng cấp” doanh nghiệp nội địa…

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết đến nay Việt Nam vẫn dùng hai công cụ ưu đãi về thuế và giá đất để thu hút dòng vốn đầu tư. Trong đó ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp quan trọng và tác động nhiều đến nhà đầu tư. Tuy nhiên, các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang áp dụng sẽ không còn giá trị vào đầu năm 2024, thời điểm thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức có hiệu lực ở hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo ông Lịch, cần sớm có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, cùng với đó là ban hành những chính sách mới trong thu hút FDI.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cũng lưu ý, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất 15% sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Việt Nam. Điều này có thể gây xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia.

Đề xuất thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI chất lượng cao, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho rằng cần bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút FDI, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Thay vào đó là cần tập trung đầu tư vốn nhân lực, nâng chất cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh…

Cùng quan điểm, ông Phan Vũ Hoàng của Deloitte Việt Nam nhận định, chất lượng môi trường đầu tư quan trọng hơn cả những ưu đãi. Do đó, cần tăng chất lượng hấp dẫn bằng hạ tầng, sự minh bạch trong quyết định…

Một số ý kiến từ các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cảng, hạ tầng giao thông vận tải và năng lực của ngành logistics để duy trì tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, sự phụ thuộc của Việt Nam vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới nỗ lực đa dạng hóa của các doanh nghiệp do sản xuất có thể bị gián đoạn nếu nguồn cung từ Trung Quốc bị suy giảm hoặc gián đoạn.

Đã đến lúc Việt Nam cần nhìn lại chiến lược thu hút FDI để chuyển mình, thích nghi với bối cảnh mới. Theo ông Cường, một trong những chiến lược ứng phó là Việt Nam cần chuyển nhanh trên bước thang giá trị trong chuỗi sản xuất. Nếu không chuyển mình nhanh chóng sang những ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, Việt Nam sẽ tụt hậu trong quá trình tái cấu trúc dòng vốn đang diễn ra mạnh mẽ.

Ông Cường cho rằng, bài toán cần giải quyết lúc này là xây dựng khối kinh tế tư nhân với những doanh nghiệp vừa, đủ sức đồng hành cùng doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị. “Hai khu vực này phải đi song song cùng nhau. Hình thành khối tư nhân lớn mạnh, đặc biệt doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện, trở thành môi trường hấp dẫn thu hút và giữ chân dòng vốn FDI”, ông Cường nhấn mạnh.

Góp ý về cải cách thủ tục hành chính, theo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), 100% doanh nghiệp FDI phản hồi, cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới.

Nhà nước cần thống nhất các quy định trước khi ban hành để tránh việc gây ra các quy định chồng chéo, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới