Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Còn nhiều việc phải làm trước ‘giờ G’

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nếu được Quốc hội thông qua, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 tới đây, sớm hơn năm tháng so với quyết định trước đó. Trước “giờ G”, nhiều việc còn khá ngổn ngang, nhất là về điều kiện bảo đảm thi hành luật.

Việc sửa đổi hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024 sớm hơn năm tháng sẽ tạo áp lực rất lớn về tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật. Ảnh: H.P

Trong đợt họp thứ 2 của kỳ họp thứ 7 (từ ngày 17 đến 29-6-2024), Chính phủ sẽ trình và Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật các tổ chức tín dụng năm 2024.

Theo đó, Chính phủ đề xuất thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng bắt đầu từ ngày 1-8-2024, thay vì từ ngày 1-1-2025 như Quốc hội đã quyết định trước đó.

Có thể nói đây là nỗ lực và tinh thần trách nhiệm rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Việc nhanh chóng đưa các chính sách mới về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản từ nghị trường Quốc hội đi vào cuộc sống sẽ tạo sự đồng bộ trong hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn hiện hữu; đồng thời tạo ra không gian mới, động lực mới cho sự phát triển của đất nước cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 (quy định về chuyển nhượng dự án là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…) đều có dẫn chiếu tới việc áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023. Nếu thời điểm có hiệu lực của khoản 2 này không được đẩy lên ngày 1-8 -2024 mà giữ nguyên như Quốc hội đã thông qua là ngày 1-1-2025 thì sẽ dẫn đến khoảng trống pháp lý trong triển khai, thực hiện.

Dẫu còn ngổn ngang song khả năng cao là Quốc hội sẽ thông qua đề xuất của Chính phủ với điều kiện Chính phủ cam kết sẽ bảo đảm các điều kiện thi hành và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật.

Trong 7-8 tháng qua, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chi tiết bốn văn bản luật này với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Vậy nhưng đến nay, các điều kiện bảo đảm thi hành vẫn còn khá ngổn ngang.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này vào giữa tuần trước (13-6), tính đến ngày 13-6 mới có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai năm 2024 được ban hành; bảy văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở năm 2023 và bốn văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đều chưa được ban hành. Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 (trừ khoản 2, điều 209 nêu trên) nhưng cả bảy văn bản quy định chi tiết và chín văn bản hướng dẫn thi hành đều chưa được ban hành.

Đối với các văn bản của các địa phương quy định chi tiết nội dung được giao trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Tờ trình của Chính phủ chưa báo cáo rõ kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế, trong khi khối lượng văn bản giao các địa phương ban hành này khá lớn, gồm 20 nội dung đối với Luật Đất đai năm 2024, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở năm 2023. Cũng chưa rõ ngoài những văn bản mà các địa phương phải ban hành theo yêu cầu của các luật này thì còn có những văn bản nào khác địa phương phải ban hành căn cứ vào các nghị định, thông tư, quyết định sắp được ban hành.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 đã sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan và theo đó có hai nội dung Chính phủ cần hướng dẫn thi hành là: quy định chi tiết điểm 4a, khoản 4, điều 25 của Luật Quy hoạch và quy định tiêu chí các dự án cấp thiết được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác của Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, hai nội dung cần hướng dẫn này cũng chưa được ban hành.

Như vậy, việc sửa đổi hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm hơn năm tháng sẽ tạo áp lực rất lớn về tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật. Các địa phương cũng chỉ có khoảng hai tháng để xây dựng, ban hành các văn bản được giao.

Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai luật, nhất là Luật Đất đai, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương (ví dụ quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, xây dựng bảng giá đất hàng năm...).

Dẫu còn ngổn ngang song khả năng cao là Quốc hội sẽ thông qua đề xuất của Chính phủ với điều kiện Chính phủ cam kết sẽ bảo đảm các điều kiện thi hành và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật.

Việc triển khai những văn bản luật quan trọng với sự phát triển của đất nước này sớm hơn năm tháng rất đáng hoan nghênh nhưng chất lượng các văn bản hướng dẫn thi hành là điều không thể nhân nhượng.

Trường hợp được Quốc hội ủng hộ, trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung mọi nguồn lực để ban hành các văn bản hướng dẫn với chất lượng cao nhất, không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm, lợi ích nhóm; không gây vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp địa phương…

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi. Trong tiến trình này, rất cần sự vào cuộc giám sát của các cơ quan dân cử để các chính sách, quy định mới phát huy tối đa hiệu quả trong thực tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới