Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Còn nhiều vướng mắc khiến nhà ở cho công nhân vẫn khó khăn

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – 122 dự án nhà ở với diện tích 2,7 triệu m2 được thực hiện trong giai đoạn 2016-2021 mới đáp ứng 40% nhu cầu nhà ở của công nhân trên cả nước, theo Bộ Xây dựng. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn còn vướng bởi nhiều quy định.

Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân sáng 12-6, ông Nguyễn Đình Biên – công nhân thuộc Công ty TNHH Woosin Vina, tỉnh Nghệ An – cho biết công nhân hiện gặp khó khăn về nhà ở và trường học cho trẻ em, khiến nhiều người không an tâm làm việc.

“Hiện có nhiều doanh nghiệp và tổ chức công đoàn muốn đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân của mình thuê, thậm chí ở miễn phí nhưng chưa có cơ chế. Còn bản thân chúng tôi phải đi thuê những căn nhà chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thấp, giá đắt đỏ và xa nơi làm việc”, ông Biên nói và đề nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo việc quy hoạch triển khai xây dựng nhà ở, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi văn nghệ cho công nhân, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ xây dựng – cho biết các cơ quan quản lý đã thực hiện 122 dự án nhà ở cho công nhân với diện tích 2,7 triệu m2 trên cả nước trong giai đoạn 2016-2021, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân.

“Đây là hạn chế trong thời gian qua, chưa đạt được mục tiêu đề ra trong chương tình phát triển nhà ở cho công nhân”, ông Sinh nói.

Một khu nhà ở cho công nhân ở Bình Dương. Ảnh: H.P

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết việc xây dựng nhà ở cho công nhân còn vướng một số quy định của các luật như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, việc thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân cũng rất khó khăn.

Với Luật Đất đai, ông Khang cho rằng các quy định của luật này cho phép giao đất giải phóng mặt bằng để làm nhà ở xã hội, nhưng để thực hiện sẽ vướng về thủ tục khi doanh nghiệp, đơn vị đầu tư xây dựng phải đấu thầu.

Với Luật Kinh doanh bất động sản, ông Khang cho rằng vướng mắc thuộc các quy định liên quan đến vận hành nhà sau khi xây dựng xong.

Còn ông Phạm Văn Lực - chủ đầu tư nhà ở công nhân Khu công nghiệp Vân Chung, tỉnh Bắc Giang – cho biết hiện phải đối mặt với một số vướng mắc về xác định đối tượng thuê, giá bán, giá cho thuê.

Ông Hoàng Văn Thái - Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang – cho biết vấn đề lớn nhất với các doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân là quy định tại Nghị định 100/2015 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, đơn vị đầu tư, xây dựng nhà ở phải ký hợp đồng trực tiếp với công nhân (người thuê nhà – PV) theo quy định về thuê, thuê lại nhà ở.

“Nếu một doanh nghiệp có 10 ha, giải quyết cho khoảng 20.000 công nhân có nhà ở, mà doanh nghiệp ký từng hợp đồng với từng công nhân, tức là phải có tới 20.000 hợp đồng. Cùng với đó là việc công nhân ở không ổn định, có người thay đổi công việc, trong vòng 6 tháng, 1 năm lại di chuyển chỗ khác, nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện”, ông Thái nói.

Ông Thái cũng cho biết các bộ, ngành chưa có hướng dẫn cụ thể về xác định giá thuê nhà. Ngoài ra, còn có một số vướng mắc khi thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Đầu tư công.

Để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Thủ tướng đã giao bộ hoàn thiện thể chế, cơ chế khuyến khích đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội. Theo đó, các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở công nhân, khu công nghiệp phải dành 2% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

“Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh tùy tình hình thực tế bố trí các quỹ đất đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”, ông Sinh nói.

Ngoài ra, Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng một số chính sách gồm miễn tiền sử dụng đất với chủ đầu tư, miễn giảm 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ một phần hạ tầng kỹ thuật, xã hội với các dự án đầu tư nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lựa chọn nhóm được hưởng ưu đãi tham gia nhà ở xã hội, hỗ trợ vay vốn cho chủ đầu tư.

"Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng cùng bộ, ngành liên quan, các địa phương đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội. Theo báo cáo các địa phương, gần 120 dự án đang được triển khai", ông Sinh nói.

Bên cạnh hoàn thiện các thể chế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết đã phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động thực hiện dự án về thiết chế công đoàn, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn tham gia các hoạt động đầu tư nhà ở công nhân, đặc biệt là đầu tư các cơ sở như nhà trẻ, bệnh viện, siêu thị để phục vụ cho đời sống công nhân.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị để đôn đốc các địa phương thực hiện triển khai.

“Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế- xã hội với quy mô hỗ trợ 350.000 tỉ đồng, nhóm đầu tư nhà ở xã hội và nhà ở công nhân đã nằm trong chương trình này”, ông Sinh nói.

Theo đó, có 2 nhóm chính sách được bổ sung hỗ trợ. Thứ nhất, hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án, tham gia đầu tư các nhà ở xã hội được vay vốn với quy mô 40.000 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất 2%.

Thứ hai, hỗ trợ người lao động, công nhân trong khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỉ đồng, lãi suất 4,8%. Thời hạn cho vay là 25 năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân. Với một số vướng mắc tại Nghị định 49/2021 và 100/2015 - thuộc thẩm quyền của Chính phủ - thì tiến hành sửa đổi ngay. Với vấn đề gì liên quan đến luật pháp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp, rồi phối hợp các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Câu chuyện này quá cũ rồi. Nhà hoạch định chính sách đừng bao giờ hành động theo kiểu “nghe cho nhiều, nói cho hay, làm thì cứ … lần lữa”, chưa bao giờ có bài bản, chiến lược, quốc sách hẳn hoi. Như câu chuyện bảo vệ môi trường sinh thái. Cũng nghe và nói mãi, nhưng môi trường thì ngày càng có nguy cơ tận diệt. Mới đây, VTV cho công luận biết chuyện rừng san hô ở Khánh hòa sắp tuyệt diệt. Các nhà máy tiểu thủ công nghiệp ở Bắc Ninh đang phá hủy môi trường sống của hàng ngàn hộ dân bằng những nguồn nước chết, nhiễm độc chất hóa học tràn lan… Những câu chuyện vẫn nói, cứ bàn mãi, không giải quyết được. Bộ TN-MT đã và đang làm gì ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới