Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cơn sốt AI đã qua?

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lúc OpenAI tung ra chương trình trí tuệ nhân tạo ChatGPT, một dạng AI tạo sinh, miệng nói liến thoắng, chuyện gì cũng rành, kể cả chuyện nó bịa, cả thế giới như lên cơn sốt. Những lời khen nức nở được đưa ra; các doanh nghiệp công nghệ lớn dồn hết sức cho cuộc đua AI - Google cho ra đời Bard, Microsoft thì có Bing... Nhưng nay chưa đầy một năm sau, dường như mối quan tâm của mọi người đã cạn.

Trước hết, phải thừa nhận báo chí vẫn đăng tải tin tức về AI, nhưng chủ yếu là các cảnh báo chúng sẽ lấy hết việc làm của nhiều ngành nghề, chúng gây xáo trộn cho ngành giáo dục, lập trình, viết lách. Nhiều chuyên gia cảnh báo mối nguy AI sẽ đem lại cho nhân loại; nhiều người khác cãi, làm gì có chuyện đó. Tin tức cũng tập trung vào nỗ lực của các chính phủ muốn quản lý việc phát triển AI tạo sinh rồi các vụ kiện AI vi phạm bản quyền của nhiều giới, từ nhà văn đến họa sĩ, từ diễn viên đến ca sĩ.

Tuy nhiên, cơn sốt AI, đo lường qua mức độ công chúng quan tâm và sử dụng chúng, đã đạt đỉnh và đang giảm dần. Theo tờ Washington Post, người dùng vào trang ChatGPT từ máy tính để bàn và điện thoại di động đã giảm 9,7% vào tháng 6-2023 so với tháng trước, mức giảm đầu tiên kể từ khi chương trình phần mềm này ra đời vào tháng 11 năm ngoái. Lượng người dùng tháng 7-2023 còn giảm hơn thế, giảm đến 12%.

Tương tự như thế ứng dụng ChatGPT cho iPhone, ra mắt vào tháng 5-2023, có lượng tải về tăng lên mức cao nhất vào tháng 6 rồi nay bắt đầu giảm đều. Tính theo con số tuyệt đối, lượng người dùng tính theo tháng giảm dần từ 1,9 tỉ vào tháng 5, xuống còn 1,7 tỉ vào tháng 6 và 1,5 tỉ lượt người vào tháng 7, chưa tính lượng người truy cập bằng điện thoại di động và qua API.

Trên thực tế, người ta dùng ChatGPT ban đầu vì tò mò, sau đó thì để kiểm tra các điều đã biết xem ChatGPT nói có đúng không. Người dùng vừa ấn tượng trước khả năng của chương trình AI tạo sinh này nhưng cũng bất an trước các thông tin sai lệch nó đưa ra, nhất là khi trộn lẫn giữa đúng và sai. Như thế dùng ChatGPT để giải trí, coi cho biết thì có nhưng dựa hẳn vào nó để giải quyết công việc thì ít ai dám giao phó sự đúng sai cho một chương trình “nói dối như Cuội”. Khi các đợt tò mò lắng xuống, người sử dụng ChatGPT sẽ giảm theo.

Khi Microsoft tích hợp AI tạo sinh vào chương trình tìm kiếm Bing của họ, những tưởng Bing sẽ nhanh chóng vượt lên, tranh đua với Google Search. Chính Microsoft cũng kỳ vọng Bing sẽ đem về thêm 2 tỉ đô la cho họ nếu nó giành được thêm 1 điểm phần trăm người dùng từ Google.

Thực tế đến tháng 7-2023 số người dùng Bing toàn cầu vẫn ở mức 3% thị phần, giữ nguyên so với tháng 1-2023. Còn so với Google thì Bing có số người dùng hàng tháng bằng 1% số người dùng Google vào tháng 7, không tăng cũng không giảm so với hồi đầu năm. Tuy nhiên Microsoft vẫn cho rằng Bing thành công và số liệu thống kê nói trên không tính đến lượng người vào thẳng trang đối thoại với AI của Bing.

Thêm một yếu tố nữa giải thích vì sao lượng người dùng AI tạo sinh lại giảm: theo nhiều người dùng, độ chính xác của GPT-4 nói riêng và AI tạo sinh nói chung ngày càng giảm, không biết vì sao. Có thể do mô hình ngôn ngữ lớn loại này luôn thay đổi, tạo ra những khác biệt lớn ở kết quả đầu ra. Cũng có thể do nhiều nơi hạn chế, không cho các mô hình này quét thông tin để tích hợp vào kho kiến thức của chúng.

Thử nghiệm của hai tờ báo CNET và Gizmodo cho thấy nếu dùng AI tạo sinh để viết các bài báo, trước sau gì chúng cũng mắc các lỗi nặng, gây thiệt hại đến uy tín tờ báo. Sử dụng người để biên tập, rà soát độ chính xác của các bài do AI viết thì tốn kém công sức hơn tuyển dụng phóng viên bằng xương bằng thịt.

Trước đây OpenAI dự kiến năm 2023 sẽ có doanh thu vào khoảng 200 triệu đô la; con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 1 tỉ đô la vào năm 2024. Nhưng nay với số lượng người dùng giảm dần, mục tiêu này e khó đạt được. Hiện nay mức lỗ của OpenAI lên chừng 540 triệu đô la kể từ khi họ bắt đầu phát triển ChatGPT và chi phí duy trì hoạt động của ChatGPT là vào khoảng 700.000 đô la mỗi ngày. Với tình hình như hiện nay, nếu OpenAI không tìm ra nguồn tài trợ mới, nhiều báo cáo cho rằng doanh nghiệp này sẽ đối diện nguy cơ phá sản vào cuối năm 2024.

Nhìn chung sự quan tâm của công chúng đối với AI tạo sinh không chỉ giảm sút, họ còn có một mong muốn đối với các doanh nghiệp đang cạnh tranh phát triển các mô hình AI: hãy chậm lại. Trong một khảo sát của hãng phân tích dữ liệu YouGov, đến 72% người trả lời mong muốn các hãng giảm tốc độ phát triển AI, so với chỉ 8% muốn tăng tốc. Có lẽ họ lấy kinh nghiệm đã trải qua với các mạng xã hội để bày tỏ mong muốn này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới