Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơn sốt gạo – cơ hội để nhìn lại  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơn sốt gạo – cơ hội để nhìn lại  

Chen lấn mua gạo ở chợ đầu mối gạo Trần Chánh Chiếu trưa ngày 25-4 – Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG Online) – Cơn sốt gạo vừa qua đã cho thấy tác động khá mạnh của nó đến sự ổn định đời sống xã hội. Nhưng mặt khác, cũng là dịp để cơ quan quản lý nhà nước nhìn lại công tác quản lý, điều hành thị trường.

Đã hai mươi năm qua mới lại có cảnh người chân chen lấn, xô đẩy, thậm chí là giành nhau mua từng bao gạo. Đây cũng có thể là lần đầu tiên sau năm 1989 – thời điểm mà nông dân cả nước áp dụng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị giúp cởi trói cho sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, người dân mới lại phải xếp hàng mua gạo, hình ảnh thường xảy ra ở thời bao cấp.  

Nhưng cơn sốt gạo cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước tự nhìn lại trong khâu quản lý, điều tiết thị trường gạo trong nước. Kể từ năm 1989, Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo và xuất nhiều tới mức đứng hàng thứ hai, thứ ba trên thế giới, trong nước thì thừa gạo nên chẳng ai, chẳng cơ quan nào quan tâm tới hạt gạo cho từng bữa ăn của từng gia đình.  

Khi cơn sốt xảy ra, dù dưới bất kỳ nguyên nhân nào, cũng làm các quan chức, các cơ quan quản lý giật mình, lúng túng trong điều hành, vì ai cũng có quan niệm: “Việt Nam làm gì thiếu gạo!”.

Không thiếu nhưng vẫn sốt đó mới là chuyện đáng nói.  

Bây giờ, khi cơn sốt đã qua, người ta mới bắt đầu mổ xẻ chi tiết cơn sốt gạo và đa phần quy cho tin đồn, rồi đổ lỗi cho giới đầu cơ và tâm lý của người tiêu dùng là ba thứ tạo nên cơn sốt gạo.  

Cả ba nguyên nhân trên đều đúng, nhưng cái quan trọng là tại sao ba nguyên nhân đó lại tạo nên một cơn sốt ở một đất nước có 35 triệu tấn lúa và xuất khẩu 4,5 – 5 triệu tấn gạo mỗi năm, thậm chí viện trợ gạo cho một vài nước.  

Khi cơn sốt gạo xảy ra, người ta mới nói rằng kho chứa gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, được xem là hệ thống phân phối lẻ có uy tín nhất hiện nay ở TPHCM, chỉ có 200 tấn gạo, một lượng gạo quá nhỏ nhoi nếu so với nhu cầu tiêu thụ của thành phố. Cũng khi cơn sốt gạo nổ ra, người ta mới bàn đến chuyện Tổng công ty Lương thực miền Nam, nhà xuất khẩu chiếm 60% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước, có các công ty hầu hết ở các tỉnh, thành phía Nam, có nên tổ chức mạng lưới phân phối gạo hay không.  

Còn tin đồn, hai tháng qua, hàng ngày mở tờ báo, xem ti vi, thông tin khủng hoảng gạo trên thế giới đầy rẫy, cảnh tượng người dân các nước xếp hàng mua gạo, học sinh nghỉ học xếp hàng mua gạo, thậm chí có cả cảnh binh lính tham gia giữ trật tự ở nơi bán gạo thì làm sao mà ở trong nước người dân không có tin đồn? Tâm lý người tiêu dùng cũng tương tự.  

Tâm lý chủ quan, cứ nghĩ thế giới họ khác, họ thiếu gạo, còn mình thừa gạo nên “bình chân như vại” trước tình hình thế giới đang khủng hoảng lương thực, cũng là nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng người dân ùn ùn đổ nhau đi mua gạo dự trữ trong khi giá gạo tăng vọt trong những ngày vừa qua. Nhưng nguyên nhân sâu xa của hiện tượng trên chính là việc các cơ quan quản lý nhiều năm qua không quan tâm tới thị trường gạo trong nước, ít quan tâm đầu tư cho sản xuất lúa của nông dân.  

Trước năm 2000, trong báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng hay cả năm của xã, huyện hay tỉnh nào cũng đều có đề cập tới chỉ tiêu “bình quân lương thực đầu người”, mà thực chất là sản lượng tính trên đầu người. Chỉ tiêu này không chỉ thể hiện tình hình phát triển nông nghiệp của địa phương mà còn thể hiện tới đời sống, cái ăn của người dân. Không hiểu sao, gần 8 năm qua, chỉ tiêu nói trên tự dưng biến mất, thay vào đó là các chỉ tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, hay xã có bao nhiêu nhà máy, huyện có mấy khu công nghiệp.  

Có lẽ chỉ tiêu này mất đi cũng bắt nguồn từ tâm lý Việt Nam thừa gạo ăn, đất nước qua cái thời lo “ăn no mặc ấm”, chuyển qua “ăn ngon mặc đẹp”.  

Ở huyện, có nhà đầu tư nào tới thì phải chọn đất làm nhà máy có điều kiện giao thông thuận lợi mới dễ bề làm ăn, khổ nỗi ở nông thôn, các vùng sản xuất lúa, đất tốt lại chính ở những nơi đường sá đi lại thuận tiện. Bên cạnh đó, trong tư tưởng của quan chức, đất lúa là đất của nhà nước, dễ đền bù giải tỏa, còn đất thổ cư là đất của dân, dù đất nào cũng có sổ đỏ. Cho nên, đất lúa thường dễ được giao để làm dự án. 

Cơn sốt gạo vừa rồi có thể sẽ làm các cơ quan chức năng giật mình nhìn lại. Không thể chủ quan nghĩ rằng Việt Nam là nước thừa gạo, xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, vì với cái đà diện tích đất nông nghiệp đang suy giảm nhanh chóng như hiện nay, biết đâu chục năm tới, Việt Nam phải nhập khẩu gạo không chừng.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới