Thứ tư, 20/11/2024
25.6 C
Ho Chi Minh City

Cơn suy thoái của công việc ‘cổ cồn trắng’

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trước đây, đối với nhiều thế hệ người Mỹ, công việc văn phòng là con đường dẫn đến sự nghiệp ổn định và cuộc sống no ấm. Hiện tại, điều đó không còn đúng nữa. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và áp lực hoạt động hiệu quả hơn khiến giới doanh nghiệp Mỹ cho biết nhiều công việc văn phòng mất mát trong làn sóng sa thải gần đây có thể không bao giờ quay trở lại.

Xu hướng làm việc từ xa cộng với đợt sa thải gần đây khiến trụ sở của Meta, công ty mẹ của Facebook ở Menlo Park, bang California, Mỹ trở nên vắng vẻ. Ảnh: Getty

AI sẽ làm giảm nhu cầu lao động tri thức

Giới doanh nghiệp Mỹ đang xem xét lại giá trị của nhiều vai trò “cổ cồn trắng”. Việc này được nhiều chuyên gia dự đoán là sẽ dẫn đến sự thay đổi vĩnh viễn về nhu cầu lao động và gây xáo trộn công việc của hàng triệu người Mỹ, những người sẽ bị mất việc, giảm bớt  hoặc thay đổi công việc thông qua việc sử dụng AI.

“Chúng ta có thể đang ở đỉnh điểm của nhu cầu về lao động tri thức. Chúng ta chỉ cần ít người hơn để làm những công việc tương tự như bấy lâu nay”, Atif Rafiq, cựu giám đốc kỹ thuật số của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's và hãng xe Volvo nhận định.

Rất lâu sau khi robot bắt đầu tiến vào sàn làm việc của các nhà máy và đảm nhận các công việc sản xuất, công nghệ AI hiện xâm nhập vào các vai trò công việc cao cấp hơn như kế toán, lập trình viên phần mềm, chuyên gia nhân sự và luật sư. Điều này diễn ra đồng thời với áp lực không ngừng buộc các công ty phải hoạt động hiệu quả hơn.

Mark Zuckerberg, CEO của Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook đã nói với các nhân viên sau đợt sa thải mới nhất rằng, nhiều công việc sẽ không quay trở lại vì các công nghệ mới sẽ cho phép Meta hoạt động hiệu quả hơn.

Arvind Krishna, CEO của International Business Machines (IBM), cho biết công ty có thể tạm dừng một số hoạt động tuyển dụng để xem loại công việc hỗ trợ nào có thể được thực hiện dựa vào AI.

Các nhà lãnh đạo trong nhiều ngành cũng kỳ vọng công nghệ mới sẽ bổ trợ cho một số vai trò hiện tại và thay đổi cách mọi người làm việc. Rafiq, tác giả của một cuốn sách mới về quản lý, nhận định AI có thể cho phép nhân viên đóng góp tốt hơn cho doanh nghiệp bằng cách chuyển những người này sang những công việc có ý nghĩa hơn.

Trong năm kết thúc vào tháng 3, số lượng nhân viên văn phòng thất nghiệp ở Mỹ tăng thêm khoảng 150.000 người, theo phân tích của Employ America. Con số này bao gồm người lao động trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp, quản lý, máy tính, kỹ thuật và khoa học.

“Tôi có thể nghĩ ra rất nhiều công việc sẽ bị ảnh hưởng bởi AI”,  Rodney McMullen, CEO của chuỗi siêu thị thực phẩm Kroger, có khoảng 430.000 nhân viên nói.

Các đánh giá lại về công việc càng cấp bách hơn sau khi giới doanh nghiệp chạy đua tuyển dụng quá mức trong những năm gần đây. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, công ty trở nên trì trệ với các lớp quản lý cồng kềnh làm chậm quá trình ra quyết định.

Chia sẻ với các nhà đầu tư trong tháng này, CEO của hãng gọi xe Lyft, David Risher, cho biết công ty đã cắt giảm số lượng cấp quản lý từ 8 xuống còn 5. Risher giải thích, cấu trúc công ty phẳng hơn sẽ giúp Lyft “có thể đổi mới nhanh hơn”.

Sa thải “cổ cồn trắng”, giữ chân “cổ cồn xanh”

Trong các cơn suy thoái kinh tế trước đây, giới lãnh đạo doanh nghiệp cam kết thực hiện các nỗ lực tinh giản bộ máy nhưng sau đó lại tăng cường tuyển dụng khi điều kiện kinh doanh được cải thiện. Hiện tại, nhiều lãnh đạo cho biết, các chuyển động hiện nay cho thấy đợt sa thải lần này có sự khác biệt.

Trong những giai đoạn trước, khi lãi suất tăng cao hơn và khiến kinh tế Mỹ suy thoái, làn sóng sa thải chủ yếu diễn ra ở các ngành nhạy cảm nhất với thay đổi lãi suất gây ra như sản xuất và xây dựng.

“Có vẻ như hiện tại, chúng ta không nhìn thấy điều đó. Có thể là cấu trúc của nền kinh tế đã thay đổi”, Preston Mui, nhà kinh tế học của Employ America, người đã nghiên cứu về tình trạng mất việc làm của giới văn phòng nói.

Một câu hỏi lớn là khi Fed tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế, làn sóng sa thải sẽ tập trung ở đâu? Theo Preston Mui, bằng chứng hiện nay chỉ ra rằng đó là lĩnh vực công việc văn phòng.

Sau 14 tháng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, cơ hội việc làm trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm. Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng sa thải trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã tăng 88% trong tháng 3 so với một năm trước đó và tăng 55% trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm. Đối với sản xuất, số lượng sa thải chỉ tăng 25% so với cùng kỳ.

Theo nhiều nhà kinh tế và chuyên gia nhân sự, giới doanh nghiệp đang tập trung vào việc giữ chân nhân viên “cổ cồn xanh”. Đó là người phục vụ nhà hàng, nhân viên kho hàng, tài xế và những người làm công việc tay chân khác, vốn vẫn đang thiếu hụt.

Chuỗi cửa hàng thực phẩm Whole Foods và tập đoàn truyền thông giải trí Disney đã tuyên bố sa thải nhân viên trong những tuần gần đây. Quyết định sa thải chủ yếu ảnh hưởng đến nhân viên văn phòng trong khi đó, các vị trí phục vụ khách hàng trực tiếp như nhân viên bán hàng và nhân viên phục vụ công viên giải trí được giữ lại.

Theo mạng xã hội việc LinkedIn, nhân viên bán lẻ, bao gồm các vị trí bán hàng và thu ngân nhằm trong nhóm công việc có nhu cầu cao nhất trong quí đầu tiên của năm nay, cùng với y tá và tài xế.

Thu hẹp bất bình đẳng thu nhập

Trong những năm qua, nhu cầu cao hơn đối với nhân viên có kỹ năng cao và mức trả lương cao hơn cho người lao động có trình độ đại học đã làm gia tăng khoảng cách thu nhập của họ với với nhân viên “cổ cồn xanh”. Tuy nhiên, sau thời kỳ cao trào của đại dịch Covid-19, tiền lương của những người có thu nhập thấp tăng nhanh nhất, thu hẹp khoảng 25% mức chênh lệch tiền lương giữa nhóm “cổ cồn trắng” và “cổ cồn xanh”kể từ năm 1980, theo một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts

Dữ liệu bảng lương từ hơn 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ cho thấy tiền lương cho nhân viên mới nhìn chung đã giảm trong tháng 4 so với một năm trước. Tuy nhiên, mức giảm nhanh nhất diễ ra các ngành nghề văn phòng, chẳng hạn như tài chính và bảo hiểm, theo Gusto, công ty cung cấp phần mềm quản lý nhân sự, phúc lợi và bảng lương. Gusto nhận thấy doanh nghiệp tăng lương nhanh nhất trong các ngành dịch vụ và công nghiệp “cổ cồn xanh” như du lịch, xây dựng và giải trí.

Bộ Lao động Mỹ dự báo trong số 20 ngành nghề sẽ tạo ra nhiều việc làm nhất cho đến năm 2031, khoảng 2/3 là các công việc “cổ cồn xanh” với mức lương khoảng 32.000 đô la Mỹ/năm, bao gồm đầu bếp nhà hàng, nhân viên cửa hàng bán đồ ăn, công nhân thực phẩm, nhân viên phục vụ và vận chuyển hàng hóa.

Một số doanh nghiệp đã tính toán chính xác số lượng nhân viên văn phòng cần có sẽ ít hơn trong tương lai. Scott McIntyre, CEO của hãng tư vấn doanh nghiệp và chính quyền Guidehouse ở bang Virginia đã dự kiến tăng gấp ba số lượng nhân viên trong những năm tới từ khoảng 16.500 người hiện nay. Kế hoạch này nhằm giúp hãng đạt được mục tiêu tăng gần gấp ba doanh thu lên 10 tỉ đô la.

Tuy nhiên, giờ đây, McIntyre kỳ vọng,  với sự hỗ trợ của AI và nỗ lực tăng cường tự động hóa, Guidehouse có thể cần tuyển thêm 40.000 người  thay vì 50.000 người để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Colton Pace, CEO của Ownwell, một công ty phân tích thuế bất động sản có trụ sở ở bang Texas, cho biết đã tuyển dụng nhiều lao động tạm thời để mang lại sự linh hoạt cho công ty trong một nền kinh tế không chắc chắn.

Một năm trước, khoảng 15% nhân sự của Ownwell là các lao động tạm thời hoặc thời vụ. Nhóm nhân viên này hiện chiếm 25% nhân sự của lực lượng lao động 85 người của Ownwell. Pace cho biết, ông có thể nhận thấy AI và các công cụ khác rốt cục sẽ đảm nhận phần lớn công việc hỗ trợ khách hàng, vận hành và bán hàng của Ownwell.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới