Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ mở rộng thanh toán số dựa trên giao dịch bằng giọng nói

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ấn Độ sẽ triển khai cách thực hiện thanh toán số ngoại tuyến, dựa trên giọng nói để thu hẹp khoảng cách công nghệ thanh toán ngày càng lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Trong những tháng tới, hệ thống thanh toán UPI của Ấn Độ sẽ bao gồm chức năng thanh toán bằng giọng nói, cho phép thực hiện các giao dịch không cần kết nối internet. Dịch vụ thanh toán mới hứa hẹn sẽ thu hẹp khoảng cách công nghệ thanh toán giữa các khu vực thành thị và nông thôn của Ấn Độ, nơi có tỷ lệ người mù chữ cao và thiếu kết nối internet. Ảnh: Money Control

Sự phát triển của Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) là một phần quan trọng trong tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán số của Ấn Độ và đưa quốc gia đông dân nhất thế giới lên thế giới trực tuyến.

UPI cho phép người dùng thực hiện giao dịch thanh toán ngang hàng và giữa cá nhân với người bán theo thời gian thực. Hệ thống UPI được cài đặt trên thiết bị di động để chuyển tiền ngay lập tức giữa hai tài khoản ngân hàng.

Kể từ khi UPI được ra mắt vào năm 2016, hoạt động giao dịch thanh toán số phát triển bùng nổ ở Ấn Độ. Hiện có khoảng 350 triệu người dân của nước này sử dụng UPI để thanh toán hàng hóa và dịch vụ hoặc chuyển tiền ngay lập tức. Hệ thống này ghi nhận gần 10 tỉ đô la giao dịch trong tháng 7, cao hơn 50% so với cùng tháng của năm ngoái.

Tuy nhiên, sự xâm nhập của UPI vào các vùng nông thôn nghèo hơn của Ấn Độ bị cản trở do mạng lưới internet chưa phổ cập và tỷ lệ người dân biết chữ thấp hơn so với các khu vực thành thị.

Để lấp khoảng cách công nghệ thanh toán giữa nông thôn và thành thị, trong tháng này, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) công bố kế hoạch triển khai phương thức thanh toán qua “đàm thoại”. Người dùng UPI có thể thực hiện các lệnh chuyển khoản bằng lời nói trên điện thoại di động của họ. Mệnh lệnh yêu cầu giao dịch của họ sẽ được xử lý bằng nhận công nghệ nhận dạng giọng nói dựa vào trí tuệ nhân tạo ( AI)

Dịch vụ thanh toán mới sẽ sử dụng các công cụ ngôn ngữ AI mã nguồn mở do Viện Công nghệ Ấn Độ Madras phát triển. Ban đầu, dịch vụ sẽ vận hành dựa bằng tiếng Anh và tiếng Hindi trước khi mở rộng sang các ngôn ngữ khác.

Người dùng cũng có thể thực hiện các giao dịch bằng giọng nói mà không cần kết nối internet. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng công nghệ “giao tiếp trường gần” (NFC), một hệ thống sử dụng phổ biến trong các giao dịch thẻ không tiếp xúc, sử dụng kết nối giữa hai điện thoại đặt gần nhau. RBI cho biết điều này sẽ “cho phép thanh toán số bán lẻ trong các tình huống mà kết nối internet yếu hoặc không khả dụng”.

Dilip Asbe, người đứng đầu Tập đoàn thanh toán quốc gia Ấn Độ (NPCI), đơn vị được nhà nước hậu thuẫn và đang quản lý UPI, cho biết, các biện pháp cụ thể cho dịch vụ thanh toán bằng giọng nói sẽ được công bố trong những tháng tới. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán số ở các khu vực bên ngoài các thành phố lớn nhất của Ấn Độ.

“Các biện pháp này giúp chúng tôi mở rộng và tạo ra trường hợp sử dụng mới để tiếp cận với nhiều người dùng hơn và nhiều tiểu thương hơn”, ông nói với Financial Times.

Chính phủ của Thủ tướng Modi đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như một phần của dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số India Stack, được thiết kế để đưa nền kinh tế dựa trên tiền mặt rộng lớn và không bị kiểm soát của đất nước vào hệ thống tài chính chính thức.

Hệ thống UPI cũng là trọng tâm trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của ông Modi, với các công ty bao gồm Google và PhonePe thuộc sở hữu của tập đoàn bán lẻ Walmart đang vận hành các ứng dụng thanh toán phổ biến kết nối với UPI. Các quốc gia như Singapore và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng đã tích hợp các yếu tố của cơ sở hạ tầng thanh toán của Ấn Độ với cơ sở hạ tầng thanh toán của họ.

Vijay Shekhar Sharma, người sáng lập nền tảng thanh toán Paytm (Ấn Độ), nhận định chức năng thanh toán ngoại tuyến bằng giọng nói của UPI có thể là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi”.

Tuy nhiên, kế hoạch trên cũng đối mặt với những thách thức đáng kể. Các nhà phân tích cảnh báo, việc tiếp cận các công cụ kỹ thuật số ở Ấn Độ vẫn còn rất bất bình đẳng. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chưa đến một nửa số dân người Ấn Độ sử dụng internet, trong khi chỉ 15% hộ gia đình nông thôn truy cập internet. Ấn Độ cũng là nơi có số lượng người trưởng thành mù chữ lớn nhất thế giới, vào khoảng 300 triệu người.

Asbe của NPCI thừa nhận, nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số ở Ấn Độ sẽ là một thách thức, nhưng có thể tạo ra giá trị về lâu dài.

Những tổ chức bảo vệ quyền dân sự cũng cảnh báo, sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Ấn Độ không đi đôi với các pháp bảo vệ dữ liệu người dùng, dẫn đến một loạt vụ vi phạm nghiêm trọng. Tuần trước, New Delhi đã thông qua một dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân mang tính bước ngoặt. Dù vậy, có nhiều ý kiến chỉ trích dự luật không đặt ra các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư mạnh mẽ.

Jayanth Kolla, đồng sáng lập Công ty tư vấn công nghệ Convergence Catalyst, nhận định việc triển khai chức năng thanh toán qua giọng nói trên quy mô lớn sẽ khó khăn do Ấn Độ có hàng chục ngôn ngữ khác nhau.

Ông nói: “Để hệ thống nhận diện tất cả ngôn ngữ và hoạt động trên khắp của đất nước có thể là một vấn đề lớn”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới