Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cồn ‘xịt kiến không chết’

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Không giống với các năm khác, Giỗ tổ Hùng Vương năm nay sát với Ngày Thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế lao động giúp chúng ta có được năm ngày nghỉ liên tục. Nhiều người xem đây là cơ hội có được một kỳ nghỉ dài dành cho vui chơi giải trí, tái tạo sức lao động

Nhưng cũng giống với những kỳ nghỉ chính trên toàn quốc, nhiều khách du lịch Việt trong dịp này lại phải đối mặt với nỗi lo bị tính tiền quá giá, thường gọi nôm na là “chặt chém”, ngay trên đất nước mình.

Đây tuy là chuyện không mới, lại kéo dài dai dẳng. Nạn “chặt chém” chỉ mang lại lợi ích nhất thời cho một số người, trong khi tác hại lâu dài của nó lên nguồn lợi từ du khách của một địa phương có thể rất lớn. Vì vậy, đặt ra vấn đề này ngay trong các bên cung cấp dịch vụ, đặc biệt là người tại chỗ, chính là một kế sách dài hơi nhằm đưa môi trường du lịch Việt Nam trở nên thân thiện hơn.

Kỳ nghỉ toàn quốc dịp này còn có thêm một “chỉ số phụ” – số ca nhiễm Covid-19 với các biến thể mới có xu hướng tăng lên. Ở TPHCM, “chỉ số phụ” này còn được “đánh dấu” bởi các điểm tiêm chủng hoạt động xuyên lễ nhằm tăng cường sức đề kháng cho những người dân cần nhất.

Trước khi người lao động toàn quốc bước vào kỳ nghỉ lễ lần này, báo chí cũng đã kịp đăng tải phản ảnh của một số cử tri về vụ “kit test Việt Á”. Ngày 28-4, báo mạng VietNamNet tường thuật như sau: trong báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ tư và kỳ họp bất thường thứ hai, Quốc hội khóa XV, cử tri cho rằng vấn đề tham nhũng trong vụ “kit test Việt Á” cần đươc giải quyết thỏa đáng(1). Theo đó, mặc dù người vi phạm đang được xử lý, “quyền lợi của người dân thì chưa được đề cập”(2).

Bài báo không nói rõ “quyền lợi của người dân” là gì, nhưng chắc hẳn điều đó liên quan phần nào đến những thiệt hại về tài chính người dân phải gánh chịu trong vụ án này.

Công tâm mà nói, đây là một vấn đề vô cùng phức tạp với các mối liên hệ chằng chịt không dễ gì bóc tách để đưa ra những kết luận rạch ròi. Tuy vậy, vẫn hy vọng rằng các bên hữu quan sẽ đưa ra phương án tuy có thể chưa hoàn hảo, vẫn khả thi trong một chừng mực nào đó nhằm đáp ứng được mong mỏi của cử tri.

Ở đây, xin bàn thêm một vấn đề mà bản chất cũng không khác Việt Á là bao – dù không “kinh khủng” bằng – khi tác động tiêu cực của nó lên sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như những đợt sóng ngầm. Đó là nạn kẻ xấu đưa ra thị trường thuốc giả và các sản phẩm, vật tư, thiết bị y tế giả hay kém chất lượng giữa lúc người dân đang lao đao vì đại dịch.

Trong thời dịch giã, thuốc men nào cũng thiếu, cũng tăng giá lên trời. Ấy vậy, dù đã bỏ nhiều tiền hơn để mua một loại dược phẩm cần thiết nào đó, người mua lại nhận thêm một kết quả đáng buồn.

Chẳng hạn, nhân cơ hội ra ngoài đi chích ngừa giữa một đợi phong tỏa, người viết mua được một bình cồn y tế để sát khuẩn từ một hiệu thuốc trên đường về. Về nhà đem ra dùng mới tá hỏa vì cồn sát khuẩn mà bôi vào vết thương không thấy rát chút nào. Đem xịt kiến, kiến cũng không chết! Chỉ còn cách đem bỏ.

Dám đoan chắc, cồn y tế không phải là mặt hàng duy nhất bị làm giả bằng cách pha nhiều nước đến nỗi không còn tác dụng sát khuẩn. Nhiều mặt hàng khác, kể cả thuốc men, cũng bị làm giả như vậy.

Trong một chừng mực nào đó, nạn tăng giá thuốc và sản phẩm y tế kém chất lượng cũng là một loại “chặt chém” tương tự như chuyện lấy quá giá đối với du khách. Hai vấn nạn này giống nhau ở chỗ khi nhu cầu tăng lên, kẻ xấu lại biến khách hàng thành nạn nhân.

Bây giờ nhìn lại, liệu chúng ta có thể làm khác đi trong tương lai hay không?

Thiết nghĩ, xử lý triệt để và nghiêm minh vụ Việt Á để làm gương răn đe là một trong những tiền đề để đất nước chúng ta có thể làm khác đi trong thời gian tới. Nhưng nếu chỉ xử một mình Việt Á e rằng chưa đủ. Cần truy đến gốc những “nhà sản xuất” cồn y tế “xịt kiến không chết” hay các sản phẩm y tế giả, kém chất lượng tương tự. Trong trường hợp này, phải áp dụng tính hồi tố vào những “vụ án” như vậy.

Hơn nữa, ngoài “bàn tay sắt”, cần hướng đến tăng cường đạo đức trong xã hội để mọi người, dù ở đâu hay làm nghề gì, cũng không nỡ ra tay “chặt chém” đồng bào mình – mặc cho lợi nhuận có lớn đến đâu.

—————-

(1), (2)https://vietnamnet.vn/dai-an-viet-a-moi-xu-ly-vi-pham-con-quyen-loi-cua-nguoi-dan-chua-duoc-de-cap-2137785.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Trên đời này thứ gì mà không thể giả được. Ngay cả con người là giới tinh hoa nhất, cũng không tránh khỏi. Đạo đức giả, học hành giả, tri thức giả, chuyên gia dỏm… Nhưng điều đáng lo sợ nhất chưa phải là đồ giả. Nguy cơ nhất chính là thái độ mặc nhiên chấp nhận, kể cả tôn vinh đồ giả.

  2. Điều quan trọng ở đây là người chấp pháp có xử lý nghiêm minh, công chính theo luật hay không, nếu không xử lý nghiêm minh thì nhiều sự việc vi phạm pháp luật sẽ còn tiếp diễn dài dài . Thí dụ như đối với ăn cướp, ăn trộm, ăn cắp nếu chỉ xử lý bằng cách phê bình nghiêm khắc, xử lý nội bộ, rút kinh nghiệm v.v thì liệu có ngăn ngừa được tội phạm hay không.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới