(KTSG Online) – Theo Nghị định 31/2022 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ngày 20-5, Chính phủ công bố gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp.
- Thúc đẩy triển khai đầy đủ chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
- Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó: cần chính sách tài khóa, tiền tệ mang tính đột phá
Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định. Ngân hàng sẽ thực hiện giảm số lãi tiền vay.
Điều kiện để hỗ trợ là khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Khoản vay được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian 1-1-2022 đến 31-12-2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.
Theo Nghị định, đối tượng được vay là có mục đích sử dụng vốn thuộc các ngành như hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, Lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin.
Các ngành có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế cũng sẽ được hỗ trợ, nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên sẽ hỗ trợ dự án dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.
Đáng chú ý là khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong trường hợp dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và, hoặc số dư lãi chậm trả. Ngoài ra, khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.
Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (20-5-2022) đến ngày 31-12-2023.
Ngân hàng thương mại dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31-12-2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được thông báo, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Nghị định nêu rõ, Ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho khách hàng. Việc hỗ trợ lãi suất phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách.
Gói hỗ trợ lãi suất có quy mô 40.000 tỉ đồng, nằm trong chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội được phê duyệt hồi đầu năm với nhiều giải pháp, hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực với tổng quy mô gần 350.000 tỉ đồng.
Chính sách hỗ trợ lãi suất là một trong những nội dung tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ được ban hành tại Quyết định số 422/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).Việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.
Hỗ trợ lãi suất chỉ là điều kiện cần, tiếp sức thêm để doanh nghiệp phục hồi. Quan trọng là chính sách cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ cần được tiếp tục gia hạn một thời gian nữa, ít nhất là 01 năm, đó mới là điều kiện đủ, giúp cho dòng tiền hoạt động các lĩnh vực SXKD bị ảnh hưởng nặng nền bởi Covid quay trở lại trạng thái bình thường.
Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất 11 trang (không kể mẫu biểu kèm theo). Trong đó 3 trang quy định đối tượng/ điều kiện/ phương thức hỗ trợ có liên quan đến KH vay vốn và NH. Còn lại gần 8 trang liên quan đến các thủ tục hành chính như đăng ký kế hoạch hỗ trợ/ ghi kế hoạch đầu tư công/ kiểm toán/ báo cáo thống kê các loại… khá là rắc rối, phức tạp. Nên đơn giản hóa cách làm để tạo điều kiện cho NH và KH dễ dàng nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ. Cần lưu ý, việc cấp phát ngân sách bù lãi suất cho các NHTM vốn dĩ thường rất chậm chạp, nhiêu khê. Riêng gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn chưa quyết toán xong, khiến nhiều NH rất ngán ngẩm.