Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ chuột!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghệ chuột!

Hệ thống buôn bán chuột được hình thành rất chuyên nghiệp. Muốn mua chuột ngon phải đi xuống vùng Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng -Ảnh: ĐỨC TUYÊN

(TBKTSG Online) – Để đáp ứng món thịt chuột đồng cho thực khách tại nhiều nhà hàng, quán ăn, chuyện săn lùng, mua bán, giết mổ chuột đồng giờ đây đã trở thành một ngành kinh doanh. Có cả một con đường vận chuyển buôn bán chuột khắp miệt ĐBSCL hoạt động sôi nổi.

6 giờ tối, chợ chuột thị xã Ngã Bảy (Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nhộn nhạo hẳn. Từng chiếc xe tải chở ken đầy chuột từ khắp nơi đổ về chợ. Tiếng chí chóe của chuột bị nhốt trong lồng, tiếng người cười nói, trả giá, cân chuột, tính tiền, hòa cùng tiếng đập chuột bình bịch, tiếng phầm phập những nhát dao chặt chuột trên thớt…  

Chúng tôi len lỏi giữa những nông dân buôn bán chuột để hiểu hơn về đời sống của người và chuột nơi miệt đồng bằng này….

Con đường “chuột”

Chợ chuột thị xã Ngã Bảy có quy mô thuộc loại lớn nhất trong những chợ chuột thuột vùng đất miền tây Nam bộ. Theo quốc lộ 1A, từ thành phố Cần Thơ chạy về miệt Sóc Trăng, Cà Mau độ chừng 15km là chúng ta đã thấy hai bên đường những lồng chuột xếp hàng hàng chờ khách. Tuy nhiên, bạn phải đi thêm một đoạn nữa, tới đầu ấp Sẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, mới bắt đầu là khu tấp nập nhất của chợ chuột. Nào là chuột nhắt, chuột nhỡ, chuột béo, chuột gầy, chuột cống nhum… được đựng trong lồng chất cao trước nhà dân.

Anh Lê Hoàng Nam, một trong những người đầu tiên buôn bán chuột tại đây, nói: “Nguyên khu vực ấp Sẻo Vông C, hàng ngày có 7-8 xe tải (trên 2,5 tấn/xe) kìn kìn chở chuột từ khắp các tỉnh miệt ĐBSCL về chợ. Nhà tui cũng có một chiếc xe tải hơn 1 tấn, mỗi ngày thằng con chạy hai chuyến mà vẫn không đủ chuột cung cấp cho bạn hàng. Chỉ tính riêng tại đây với hơn 20 hộ chuyên kinh doanh buôn bán, một ngày cung cấp cho thị trường gần 15 tấn thịt chuột.”

Hàng năm, bắt đầu từ tháng 3, khi lúa ngoài đồng chín vàng rộn, ấy cũng là lúc mùa chuột vào “chính vụ”. Chuột từ khắp các tỉnh thành ĐBSCL đổ về chợ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm các “lái chuột”, muốn mua chuột ngon phải đánh xe xuống vùng Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Hệ thống buôn bán chuột cũng được hình thành rất chuyên nghiệp. Nông dân bắt chuột bán cho “đại lý cấp xóm”. Đại lý xóm bán cho “đại lý cấp ấp”. “Đại lý cấp xã” mua gom về bán cho cấp huyện. Và mỗi “lái chuột” luôn có trong tay khoảng 20 “đại lý vệ tinh cấp huyện”. Một luật bất thành văn là “lái chuột” luôn phải giao dịch “tiền tươi thóc thật” khi bắt chuột vì đa số người săn chuột đều nghèo. Họ cần tiền ngay để đong gạo ăn trong ngày.

“Lái chuột” Lê Hoàng Trinh (phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy), cho biết, hàng ngày, khoảng 7 giờ sáng, bà ôm bọc tiền, đánh chiếc xe tải hơn tấn xuống các địa điểm những đại lý đã tập trung chuột sẵn để ăn hàng. Gom hàng xong, đích thân chủ xe hàng phải bơm nước tưới một lượt lên khắp các lồng chuột, cho xe chạy một mạch về chợ. “Bữa nào xui xẻo xe hư giữa đường là méo mặt liền bởi chỉ cần xe dừng 30 phút là chuột chết như ngả rạ. Khi ấy chuột chỉ còn biết bán cho những hộ nuôi trăn, cầm chắc lỗ”, bà Trinh nói.

Mùa buôn bán chuột đồng kéo dài tới khoảng cuối tháng 9 thì hàng dần khan hiếm. Khoảng giữa tháng 10, khi con nước lé đé lên đồng, chuột kéo nhau hàng bầy “di cư” sang Campuchia. Các “lái chuột” đành tập trung đến An Giang để mua gom chuột được các đại lý nhập về từ Campuchia.

Già trẻ lớn bé đều có thể tham gia “dây chuyền” giết mổ chuột – Ảnh: ĐỨC TUYÊN

Anh Nguyễn Lân (ấp Sẻo Vông C) giải thích: Dân Campuchia tranh thủ đặt lưới đánh bắt chuột ngay đường biên giới và bán cho các “đại lý chuột” của Việt Nam. Thời điểm này, tại An Giang, những chợ chuột cũng được hình thành nhưng đa phần là bán chuột sống cho những “lò mổ” tại chợ chuột Ngã Bảy. Chuột đem về chợ Ngã Bảy cũng được phân ra hai loại: Chuột gầy, yếu, chết, dị tật, chuột nhắt… là hàng dạt bán cho những hộ nuôi trăn. Còn lại những con chuột mập ú ụ, chắc thịt được đưa vào “dây chuyền giết mổ”.

Khi chợ chuột Ngã Bảy vào mùa, những “lò mổ” tại đây hoạt động hết công suất, thu hút vài trăm lao động, già trẻ lớn bé đều có thể tham gia “dây chuyền giết mổ”. Anh Lê Hoàng Nam cho biết, những ngày chạy hàng, gia đình anh luôn có hơn 20 lao động, giết mổ khoảng 1,5 tấn chuột/ngày.

Công nghệ làm chuột hoạt động như một dây chuyền sản xuất, được chia ra từng công đoạn như đập, chặt (đầu, đuôi, chân), lột, mổ, đóng gói… Bất kể già trẻ lớn bé, người nào thấy thích hợp với công đoạn nào thì tham gia vào nhóm lao động ấy. Tuy nhiên, những lao động này đòi hỏi cũng phải có tay nghề, nếu không, làm hôm trước hôm sau chủ lò mổ đuổi việc liền.

Đời người, đời chuột

Ông Hồng Bảo Sơn (ấp Đay Sô, xã Tân Quới Thạnh, huyện Quới Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là một nông dân thực thụ với 4 công đất làm lúa. Từ ngày vợ bị ung thư bao tử, ông Sơn bán dần hết 4 công ruộng để chạy chữa cho vợ. Ông Sơn không còn vốn nên hàng ngày ông nhận chở thuê chuột cho đại lý tận Sóc Trăng về bỏ mối cho lò mổ tại chợ chuột Ngã Bảy. Ngày ông chở hai chuyến hàng bằng xe honda, trừ hết tiền xăng cũng được khoảng 60.000 đồng, đủ tiền cho ông và thằng út sống qua ngày.

Thịt chuột đồng là loại thịt rất giàu đạm, nhiều canxi… nhưng lại rẻ nhất trong các loại thịt hiện nay. Giá bán lẻ tại chợ chuột Ngã Bảy 30.000 đồng/kg. Theo anh Lê Hoàng Nam, mỗi ký chuột anh thu mua rồi bán lại, trừ hết chi phí cũng lời được 3.000 đồng.

Mới đây, một quan chức ở Ấn Độ đã đề xuất kế hoạch quảng bá thịt chuột như một món ăn thường ngày nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng lương thực. 

Cuộc đời ông Sơn không “đẹp”, không “hồng” như cái tên Hồng Bảo Sơn cha mẹ đặt cho. Thời thanh niên trai tráng ông đi làm thuê, mua được bốn công đất, mãi gần 40 tuổi mới lập gia đình với một người phụ nữ có tới 6 đứa con riêng. Sống với nhau gần 20 năm nhưng vợ ông lại chẳng đẻ cho ông được mụn con chung nào. Ông lấy việc nuôi sáu đứa con riêng của vợ để làm vui quên đi chuyện mình không có con.

Từ rất lâu rồi, đời ông Sơn gắn với nghề chở chuột thuê, làm ruộng và dựng vợ gả chồng cho 5 người con của vợ. Nay còn thằng út đang ở với ông và ngày ngày hắn vào chùa làm phúc cho người nghèo.

Cũng như ông Sơn, hai mẹ con chị Trần Thị Thắm (xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy) ở trong căn nhà lụp xụp, không ruộng vườn, hàng ngày chỉ biết đi mổ chuột thuê. Bé Trần Thị Diễm Hương, con chị Thắm, đang học lớp 8.

“Sau giờ học, con đứng bán, mổ chuột thuê cho người ta tới 8 giờ tối, được trả 20.000 đồng. Lãnh tiền con đưa hết cho má giữ để đong gạo và lo cho con đi học. Má nói ráng học để mai mốt thoát nghèo!”, Hương cho biết. Bé Hương còn kể với chúng tôi, ở chợ chuột có vài chục đứa trẻ làm thuê giống em. Hương nói, vào mùa chuột, ngoài giờ học, em và các bạn làm cả đêm, nhiều đứa bị chuột cắn toét hết cả tay mà vẫn phải làm.

Ở cái chợ chuột Ngã Bảy cũng lắm cảnh đời. Có người nhờ chuột mà xây được nhà, mua xe tải chạy “hàng chuột” nhưng có người cứ mãi nghèo.

ĐỨC TUYÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới