Thứ ba, 3/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ giáo dục Hàn Quốc khai mở thị trường ‘lớp học trong tương lai’

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các hãng công nghệ giáo dục (edtech) Hàn Quốc đang nỗ lực cạnh tranh để giành thị phần lớn hơn tại quê nhà và tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài với sách giáo khoa điện tử có trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ, bảng trắng kỹ thuật số và robot giáo dục.

“Lớp học trong tương lai” của LG Electronics được trang bị bảng trắng kỹ thuật số được kết nối với trợ giảng là robot có gắn AI. Ảnh: Nikkei Asia

Số hóa “lớp học trong tương lai”

LG Electronics đã lắp đặt hệ thống “lớp học trong tương lai” tại 18 trường ở Hàn Quốc kể từ năm 2023. Các lớp học như thế này có bảng trắng kỹ thuật số được liên kết với robot CLOi có cài sẵn AI. CLOi có thể tự di chuyển trong lớp học, cho các em học sinh tiểu học lời khuyên nên làm gì trong kỳ nghỉ hè hay phát các bản nhạc mà học sinh yêu cầu.

Hàn Quốc đang lên kế hoạch đưa sách giáo khoa kỹ thuật số có AI hỗ trợ vào sử dụng trong năm học mới bắt đầu từ tháng 3-2025 cho 5 triệu học sinh từ tiểu học đến trung học. Theo Bộ Giáo dục nước này, đây là chương trình đầu tiên thuộc loại này trên thế giới, với LG là một trong hơn 60 công ty tham gia phát triển.

Các công cụ AI sẽ đánh giá trình độ của học sinh, giảm nhẹ cường độ cho các em tiếp thu chậm và nâng cao độ khó với học sinh giỏi. Công nghệ thực tế ảo (VR) cũng được cài đặt sẵn trong sách giáo khoa. Khi sách giáo khoa mới được sử dụng rộng rãi, robot CLOi sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên đứng lớp. Sách giáo khoa AI sẽ liên kết với nhiều sản phẩm và dịch vụ liên quan, từ cơ sở hạ tầng Internet đến bảng trắng điện tử.

Tháng 6-2024, Samsung Electronics đã công bố màn hình được trang bị AI dành riêng cho trường học. Ở bất cứ vị trí nào trong lớp học, giáo viên có thể đưa ra lệnh bằng giọng nói cho AI, AI sẽ tự động ghi âm hoặc tóm tắt bài học. Samsung nói thay vì phải đứng trước lớp, giáo viên có thể đến phía sau lớp để thu hút sự chú ý của học sinh.

Gã khổng lồ Internet Naver phát triển ứng dụng tư vấn giáo dục và nghề nghiệp. Còn Kakao có ứng dụng để liên lạc với phụ huynh hoặc người giám hộ.

Công nghệ số đang phổ biến dần trong lớp học nhưng đây vẫn là mảnh đất đầy tiềm năng, chưa khai phá hết. Theo hãng kiểm toán Samil PwC của Hàn Quốc, thị trường công nghệ giáo dục toàn cầu sẽ tăng gấp đôi từ 404 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 lên 800 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.

Các lớp học AI “cứu nguy”

Trước đó, các lớp học về sử dụng AI đã đem lại lợi nhuận lớn cho các nền tảng giáo dục trực tuyến dành cho người trưởng thành tại Hàn Quốc, bất chấp sự bành trướng của các gã khổng lồ toàn cầu như Coursera và Udemy tại xứ này.

Thị trường công nghệ giáo dục toàn cầu sẽ tăng gấp đôi từ 404 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 lên 800 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.

Startup giáo dục dành cho người lớn Day1 Company Inc. cho biết hãng con là Fast Campus đã tăng số khóa học trực tuyến về AI từ 40 trong năm 2022 lên 110 trong năm ngoái. Fast Campus thu hút hơn 1 triệu lượt học viên, đạt doanh thu 2,3 tỉ won (1,7 triệu đô la Mỹ) trong năm 2023, tăng hơn ba lần doanh số 700 tỉ won trong năm 2022. “Chúng tôi cung cấp nhiều lớp học khác nhau, từ các khóa cơ bản như học sâu, thị giác máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cũng như các khóa học về dự án và việc làm”, đại diện của Day1 nói.

TeamSparta Inc. là công ty chuyên về lập trình (coding). Startup này đã giới thiệu các khóa học chuyên về AI, với doanh số tăng hơn gấp đôi lên 14 tỉ won trong quí đầu tiên, so với 6,1 tỉ won cùng kỳ năm ngoái.

Khảo sát của TeamSparta cho thấy 60% khách hàng doanh nghiệp đã đăng ký các khóa học về AI và mô hình GPT, còn với nhóm khách hàng cá nhân - thường là nhân viên văn phòng - tỷ lệ này khoảng 26%. “Nhiều công ty muốn tăng năng suất của nhân viên bằng AI, nhưng họ không biết làm như thế nào, bắt đầu từ đâu. Đây là cơ hội lớn cho các nền tảng giáo dục chuyên nghiệp”, TeamSparta nhận định.

Xu hướng này đã giúp Taling Inc., một nền tảng giáo dục người lớn khác, chuyển lỗ sang lãi với doanh số đạt mức kỷ lục 6,3 tỉ won trong nửa đầu năm nay.

Tuy vậy, Korean Economic Daily nhìn nhận rằng các nền tảng giáo dục trực tuyến dành cho người lớn của Hàn Quốc được dự đoán sẽ mất đà tăng trưởng khi những gã khổng lồ toàn cầu xâm nhập xứ kim chi.

Là nền tảng giáo dục lớn toàn cầu với 64 triệu người dùng trên toàn thế giới, Udemy đã bắt tay với Woongjin ThinkBig Co., một nhà cung cấp dịch vụ giáo dục hàng đầu của Hàn Quốc. Coursera, một trong những nền tảng học trực tuyến phổ biến nhất với 129 triệu người học đã đăng ký, bắt đầu cung cấp khoảng 4.400 khóa học bằng tiếng Hàn.

Đi tìm thị trường mới

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đang suy giảm, dân số trong độ tuổi đi học cũng giảm theo. Hãng kiểm toán Samil PwC ước tính số người đi học từ 6-21 tuổi sẽ giảm từ 7,89 triệu vào năm 2020 xuống còn khoảng 6 triệu vào năm 2030. Các hãng công nghệ Hàn Quốc đang tìm kiếm thị trường nước ngoài cho các sản phẩm edtech mới của mình.

LG đã nhắm đến Nhật Bản, với kế hoạch giới thiệu các lớp học tương lai trong năm nay. Nhật Bản đã triển khai Chương trình trường học Giga vào năm 2019, với mục tiêu cung cấp cho mỗi học sinh tiểu học và trung học cơ sở một thiết bị số. LG nói kế hoạch Giga giúp hãng dễ thâm nhập thị trường Nhật.

LG cũng mạo hiểm thâm nhập thị trường Ấn Độ. Hãng đã bán tổng cộng 10.000 bảng trắng kỹ thuật số cho 2.900 trường công lập ở tiểu bang Odisha. Năm ngoái, hãng đã thành lập chi nhánh ở Ấn Độ, và đưa đội ngũ nhân viên kỹ thuật và kinh doanh đến các ngôi làng khắp Ấn Độ để tìm hiểu nhu cầu của các ngôi trường làng quê của nước này. Mùa thu 2023, Naver đã đạt được thỏa thuận với Bộ Giáo dục và Khoa học Mông Cổ, để cung cấp 22.000 ứng dụng cho học sinh tại 725 trường học ở nước này.

Giáo dục trực tuyến ở Hàn Quốc diễn ra tương đối suôn sẻ nhờ vào cơ sở hạ tầng Internet tuyệt vời của đất nước này, đặc biệt là cú hích trong các năm dịch Covid-19.

Một khảo sát năm 2020 - khi dịch Covid-19 vừa bùng phát - cho thấy đến 50% sinh viên đã cân nhắc nghỉ học sau một học kỳ học trực tuyến. Khá nhiều sinh viên nêu chất lượng lớp học thấp (37,9%), học phí đắt (28%). Hơn nữa, cả sinh viên và giáo viên đều thiếu các kỹ năng để tương tác hiệu quả trong môi trường lớp học trực tuyến. Tuy vậy, các nỗ lực cải thiện trải nghiệm của người dùng đã giúp các công ty edtech của Hàn Quốc vượt qua các rào cản nhàm chán và mở rộng cơ hội thời hậu Covid-19.

Nguồn: Nikkei Asia, Korean Economic Daily Global, World Economic Forum

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới