Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ hành chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghệ hành chính

Trong một xã hội pháp quyền, mọi thể nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG) – Chủ trương, chính sách, luật pháp, của bất cứ nhà nước nào muốn trở thành hiện thực đều phải thông qua hoạt động của bộ máy công quyền, tác động đến từng cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Hoạt động đó thuộc công nghệ hành chính.

Mỗi mức độ phát triển và loại hình nhà nước cần một loại công nghệ hành chính tương thích, giống như nền sản xuất tự động công nghệ khác với sản xuất cơ giới và khác xa với thủ công.

Công nghệ trong mô hình nhà nước pháp quyền hiện đại ngày nay, đáng chú ý có ba công đoạn được áp dụng phổ biến, rất cần đề cập trong bối cảnh phát triển, hội nhập toàn cầu của nước ta hiện nay: kháng nghị, khiếu nại và lấy ý kiến. Theo đó, cuối bất kỳ quyết định nào của bất cứ cơ quan nhà nước nào, thuộc bất kể lĩnh vực gì, gửi đến bất cứ ai, đụng chạm đến quyền lợi của họ, đều nhất thiết phải có phần hướng dẫn đương sự con đường pháp lý để kháng nghị. Lý do:

    1. Bản thân quyết định không phải là chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước mà chỉ là sự vận dụng nó bởi quan chức hành xử, nên có thể đúng, hoặc sai.

    2. Từng người dân là chủ nhân xã hội, là mục đích phục vụ của nhà nước, họ phải tự và được quyền bảo vệ lợi ích của mình, bởi không một nhà nước nào làm thay được bản thân họ.

    3. Xã hội hiện đại phức tạp vô cùng,  được điều hành bởi một hệ thống pháp luật vô cùng đồ sộ, với vô số cơ quan nhà nước chuyên biệt, không một người dân nào hiểu hết những điều luật, cùng những cơ quan có thẩm quyền, chi phối lợi ích của mình.

Về phần nhà nước, các nước hiện đại tạo ra được hệ thống công chức có năng lực nhờ chính công nghệ kháng nghị buộc họ khi ra quyết định phải tuân thủ một quy trình pháp lý (có chế tài) chặt chẽ: Trước khi ra quyết định, quan chức hành xử phải gửi công văn thông báo dự định của mình cho đương sự, đề nghị phản hồi.

Đó cũng là cơ hội lần một cho đương sự có thời gian suy nghĩ và cơ hội cân nhắc cho người ra quyết định. Nếu đương sự kháng nghị, họ sẽ hoặc hủy bỏ dự định hoặc chuyển quyết định chính thức cho đương sự, với câu chuẩn hóa từng chữ, như ở Đức: ông/bà được quyền kháng nghị quyết định này trong vòng…ngày/tháng tính từ ngày nhận được thư ghi trên dấu bưu điện, đệ đơn tại…! (bước 1 tại chính nơi ra quyết định. Nếu không giải quyết được, thì chuyển sang bước 2 tại tòa án, từ sơ thẩm đến phúc thẩm).

Ở ta, hiện thiếu sự phân biệt pháp lý giữa kháng nghị và khiếu nại, người dân không được hướng dẫn con đường pháp lý, nên tất yếu, một khi thấy quyền lợi mình bị đụng chạm, họ lập tức khiếu nại, hàm nghĩa cả kháng nghị, nhưng lại không thể giải quyết bằng con đường kháng nghị, gây nên tình trạng khiếu nại chồng chất, phức tạp, tồn đọng dai dẳng, lòng vòng nhiều cấp không thể dứt điểm.

Nếu kháng nghị bị xử thua hoặc tự rút, đương sự được cơ hội cuối cùng tránh quyết định, bằng cách khiếu nại. Bởi quyết định bao giờ cũng căn cứ vào văn bản pháp lý áp dụng cho mọi đối tượng của nó, trong khi từng cá nhân lại có những hoàn cảnh cụ thể riêng biệt, thậm chí bất khả kháng, cần được chiếu cố. Khiếu nại vì vậy khác bản chất với kháng nghị.

Khiếu nại chỉ (1) dành cho mối quan hệ không đồng cấp; (2) chiếu theo văn bản pháp lý, quyết định đó là đúng; (3) mang tính xin cho, phụ thuộc cấp ra quyết định chiếu cố hay không. Tuy nhiên công nghệ xét và thời hạn trả lời vẫn phải theo luật định, bị chế tài. Đó cũng chính là nguyên lý, cơ quan công quyền phải có trách nhiệm xem xét bất cứ đòi hỏi nào của người dân theo luật định.

Còn kháng nghị (1) khẳng định quan hệ bình đẳng trước pháp luật giữa người ra quyết định và nhận quyết định; (2) cả hai đều cho mình có lý, nếu không thỏa hiệp được với nhau, chỉ còn cách lấy tòa án làm trọng tài phán xử (giải thích lý do tại sao tòa án cần độc lập biện chứng trong tổng thể quyền lực nhà nước); (3) mang tính thắng thua về mặt pháp lý, một phần hoặc toàn bộ, giữa một trong hai, người nhận hoặc người ra quyết định.

Kháng nghị vì vậy không liên quan gì đến quyền lực nhà nước, mà chỉ liên quan đến cá nhân thi hành phận sự được nhà nước giao, nhờ thế có ý nghĩa vô cùng sâu xa, gián tiếp giúp được nhà nước kiểm tra trở lại quan chức thực thi quyền lực, mà không ai hiệu quả hơn chính đương sự trong cuộc.

Một khi thắng thua được tòa án phán quyết thì cũng đồng nghĩa đã được pháp luật thừa nhận; cả người chống lẫn quan chức hành xử, mọi cơ quan nhà nước liên quan đều phải chấp hành, đúng nguyên lý, trong một xã hội pháp quyền, mọi thể nhân đều bình đẳng trước pháp luật.

Khiếu nại có ở mọi thể chế, hình thái kinh tế xã hội, nhưng kháng nghị thì chỉ xuất hiện cùng với nhà nước pháp quyền. Nó là một chuẩn mực cụ thể, giúp nhà nước lượng hóa được mức độ pháp quyền hiện tại của mình. Kháng nghị bị giới hạn thời gian, và phải nhằm đúng đối tượng, trong khi khiếu nại được coi là quyền tự thân, không giới hạn thời gian và đệ trình đến bất cứ cấp nào liên quan.

Ở ta, hiện thiếu sự phân biệt pháp lý giữa kháng nghị và khiếu nại, người dân không được hướng dẫn con đường pháp lý, nên tất yếu, một khi thấy quyền lợi mình bị đụng chạm, họ lập tức khiếu nại, hàm nghĩa cả kháng nghị, nhưng lại không thể giải quyết bằng con đường kháng nghị, gây nên tình trạng khiếu nại chồng chất, phức tạp, tồn đọng dai dẳng, lòng vòng nhiều cấp không thể dứt điểm.

Hậu quả, phía quan chức hành xử không ý thức được trách nhiệm phải sửa khi làm sai, như bắt buộc trong kháng nghị, gây nguy cơ lạm dụng quyền lực; phía đương sự người dân, khi thấy không được giải quyết thì ấm ức bởi không thể biết đúng sai, lâu dần, sẽ tích tụ thành bất mãn xã hội.

Kháng nghị và khiếu nại thường liên đới nhiều chủ thể, nhiều tầng cấp có liên quan đến chính sách chi phối đương sự. Để giải quyết kháng nghị, khiếu nại đúng, công nghệ hành chính đòi hỏi người ra quyết định cần lấy ý kiến của những bên liên quan đó.

Tuy nhiên, lấy ý kiến chỉ được coi là một nghiệp vụ chuyên môn của người hành xử để tham khảo, người được lấy ý kiến dù ở cấp nào, chức vụ gì, tuyệt nhiên không chịu trách nhiệm pháp lý đối với quyết định của người hành xử. Trách nhiệm đó trước sau vẫn thuộc người ký quyết định. Ngược lại, người được lấy ý kiến phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về thời hạn và những bằng chứng, ý kiến mình đưa ra, tương tự như nhân chứng trước tòa.

Nếu không minh định được trách nhiệm các bên như vậy, bộ máy công quyền sẽ vướng lẫn nhau, hoặc đẩy hết lên trên, rơi vào trì trệ; khi đó, khiếu nại, kháng nghị có bị giải quyết oan sai, chậm trễ, vẫn không thể truy cứu được trách nhiệm cá nhân đối với người ký quyết định. Rốt cuộc, nhà nước lại phải gánh chịu tai tiếng thay cho người hành xử!  

TS. NGUYỄN SỸ PHƯƠNG (CHLB Đức)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới