Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ logistics hút vốn đầu tư mạo hiểm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giới đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu đang rót tiền vào các công ty khởi nghiệp (startup) phát triển cánh tay robot, phần mềm hiển thị chuỗi cung ứng và công nghệ in 3D để sản xuất chip.

Cánh tay robot của startup Covariant có thể tiếp nhận các hướng dẫn và chọn các mặt hàng trong thùng, rồi di chuyển chúng đến nơi chỉ định. Ảnh: WSJ

Khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, giới đầu tư mạo hiểm đã rót vốn vào những startup có thể đưa ra giải pháp cho những vấn đề như xác định vị trí hàng hóa và tình trạng thiếu chip.

Giờ đây, khi phần lớn chuỗi cung ứng vận hành trơn tru trở lại, họ tiếp tục hỗ trợ các startup này bất chấp thị trường gọi vốn công nghệ suy thoái.

Joe Floyd, đối tác của Emergence Capital (Mỹ), cho rằng đây là thời điểm chín muồi để tiến hành một đại tu kỹ thuật số cho chuỗi cung ứng, giúp ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai.  Dưới đây là ba lĩnh vực liên quan đến logistics mà các công ty đầu tư mạo hiểm đang nhắm đến

Khả năng hiển thị và quản lý chuỗi cung ứng

Giới đầu tư mạo hiểm đang đầu tư vào các startup hỗ trợ doanh nghiệp quản lý và giám sát tốt hơn chuỗi cung ứng của họ. Những startup này cung cấp nền tảng phần mềm cho nhà bán lẻ và nhà sản xuất sử dụng để theo dõi và quản lý hàng hóa của họ khi chúng di chuyển qua chuỗi cung ứng toàn cầu được kết nối với nhau.

Floyd của Emergence Capital cho biết, dù chuỗi cung ứng đã bình thường hóa kể từ thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 và đầu tư vào lĩnh vực này tăng lên trong những năm qua năm, nhưng các hệ thống cũ cần phải được cải thiện hơn nữa.

Năm ngoái, giới đầu tư mạo hiểm cam kết rót 5,6 tỉ đô la vào các startup quản lý chuỗi cung ứng doanh nghiệp, theo nhà cung cấp phân tích PitchBook Data. Con số này tăng gần 120% so với năm 2017.

Công ty của Floyd đã đầu tư vào Project44, một startup ở Chicago (Mỹ), chuyên thu thập thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng công nghệ giao diện lập trình ứng dụng (API) và các nguồn khác. Chẳng hạn, các cảm biến gắn trên bánh xe tải có thể đo trọng lượng của xe tải và chuyển tiếp thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm hàng hóa được dỡ xuống hoặc bốc lên.

Theo Floyd, hững thông tin như vậy có thể giúp doanh nghiệp cải thiện tỷ lệ giao hàng đúng hạn và cắt giảm lượng khí thải bằng cách tối ưu hóa các tuyến đường vận chuyển.

Robot nhà kho

Giới đầu tư mạo hiểm cũng đang đặt cược vào thiết phần cứng vận hàng kho bãi, bao gồm robot tự động hóa những nhiệm vụ lặp đi lặp lại. Họ đã rót tiền vào những startup phát triển cảm biến và camera dựa trên tia laser để tự động di chuyển robot dọc theo sàn nhà kho và lên xuống kệ chứa hàng để lấy và di chuyển hàng hóa. Khách hàng sử dụng robot này gồm nhà sản xuất quần áo và nhà bán lẻ như Carrefour, tập đoàn siêu thị khổng lồ của Pháp.

Theo PitchBook, trong năm 2022, giới đầu tư mạo hiểm đã cam kết rót 2,8 tỉ vào các  startup công nghệ kho hàng, một lĩnh vực gồm các robot nhà kho. Con số này tăng 326% so với năm 2017.

Cánh tay robot là phân khúc đầu tư hấp dẫn khác. Radical Ventures (Canada) đã đầu  tư vào Covariant, một startup ở California, đang phát triển công nghệ cánh tay robot có thể giúp phân loại và di chuyển các mặt hàng trong nhà kho.

Theo Jordan Jacobs, đối tác quản lý và đồng sáng lập của Radical Ventures, công nghệ của Covariant có thể tiếp nhận các hướng dẫn và chọn các mặt hàng trong thùng, rồi di chuyển chúng đến nơi chỉ định.

“Việc phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể vận hành cánh tay robot một cách chính xác và có thể xác định mọi thứ từ một đống hàng hóa lộn xộn, thực sự rất khó”, ông nói.

Cánh tay robot của Covariant và các startup khác hứa hẹn giúp nhà máy giải quyết tình trạng thiếu lao động và giảm thiểu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.

Công nghệ in 3D

Công nghệ in 3D có ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau và có thể góp phần ngăn chặn gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19,  thị trường chip, vốn cần thiết thứ từ máy tính xách tay đến ô tô, trải qua tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.  Công nghệ in 3D, hay còn gọi là sản xuất đắp lớp (additive manufacturing), có thể được sử dụng trong khâu đóng gói của quy trình sản xuất chip để hợp lý hóa sản xuất và cắt giảm chi phí. Giới đầu tư và các nhà sáng lập startup nói rằng công nghệ này có thể giúp giảm căng thẳng nguồn cung trong tương lai trong ngành công nghiệp chip. Công nghệ in 3D thu hút sự chú ý của không chỉ các nhà đầu tư mạo hiểm truyền thống mà còn cả các tập đoàn doanh nghiệp và bộ phận đầu tư mạo hiểm của họ.

Ví dụ như Intel Capital, đơn vị đầu tư mạo hiểm của hãng chip Intel đã chú ý công nghệ in 3D trong nhiều năm. Năm 2021, Intel Capital triển khai khoản đầu tư đầu tiên vào startup Fabric8Labs, có trụ sở ở bang California.

Được thành lập vào năm 2015, startup này sử dụng quy trình điện hóa (electrochemical), một hình thức in 3D, để sản xuất các linh kiện chip. Công nghệ in 3D thường sử dụng tia laser và chùm tia điện tử để sản xuất các linh kiện này.

Jennifer Ard, Giám đốc điều hành của Intel Capital, nhận định công nghệ của Fabric8 có thể giúp giảm thiểu tình trạng thiếu chip trong tương lai. Năm ngoái, giới đầu tư mạo hiểm đã bơm 2,8 tỉ đô la các startup công nghệ in 3D trên toàn cầu, tăng 14% so với năm 2021, theo PitchBook.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới