Thứ tư, 20/11/2024
30.6 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp chế biến, chế tạo giúp GDP quí 2 tăng mạnh nhất 11 năm

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 9,7% góp phần giúp tăng trưởng GDP ước đạt 7,72% trong quí 2-2022, mức tăng cao nhất từ năm 2011.

Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quí 2 và 6 tháng đầu năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết GDP quí 2 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong hơn một thập niên gần đây. Trước đó, tốc độ tăng GDP quí 2 so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2021 lần lượt là 6,29%, 5,57%, 5,39%, 6,18%, 7,1%, 6,79%, 6,71%, 7,18%, 7,1%, 0,52%, 6,73%.

Kết quả tăng trưởng cao trong quí 2 này giúp GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn mức tăng cùng giai đoạn năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn mức tăng cùng giai đoạn năm 2018 và 2019.

Sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành chế biến, chế tạo phục hồi từ sau dịch bệnh tiếp tục "kéo" tăng trưởng kinh tế đi lên. Ảnh minh hoạ: Quốc Hùng

Bà Hương cho biết trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, qua đó đóng góp 5,07% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực dịch vụ tăng 6,60%, qua đó đóng góp 46,6%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, qua đó đóng góp 48,33%. Với riêng khu vực này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%, qua đó đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm của một số ngành trọng điểm tăng cao, gồm sản xuất trang phục tăng 23%; sản xuất thiết bị điện tăng 22%; sản xuất thuốc, hóa dược tăng 17,5%; sản xuất da tăng 13%. Đáng lưu ý, có 61 địa phương có chỉ số IIP tăng, chỉ Hà Tĩnh và Trà Vinh giảm do ngành sản xuất điện đi xuống.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30-6-2022 tăng 6,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước. Còn tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-6-2022 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,8% so với cùng thời điểm năm trước.

Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt gần 186 tỉ đô-la Mỹ, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 185 tỉ đô-la, tăng 15,5%.

Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quí 2 là gần 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 5,5% so với quí trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt hơn 2,7 triệu tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 236.700 lượt người trong tháng 6, tăng gần 37% so với tháng trước và gấp gần 33 lần so với cùng kỳ 2021 do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Tính chung 6 tháng, khách quốc tế đạt 602.000 lượt người, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, quy mô khách quốc tế vẫn thấp hơn gần 93% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới