Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp hỗ trợ thúc mãi vẫn chưa lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghiệp hỗ trợ thúc mãi vẫn chưa lớn

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) - Phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian qua đã được Chính phủ, các bộ ngành và nhiều địa phương đặt ra và hối thúc phát triển với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn yếu kém. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo giới phân tích có hai vấn đề khá quan trọng đó là thị trường đầu ra và lực cản về vốn đầu tư.

Công nghiệp hỗ trợ thúc mãi vẫn chưa lớn
Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới đang được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc Thủ tướng Chính phủ mới đây vừa ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới đang được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới, nhất là khi Covid -19 đang thay đổi nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất hiện hữu.

Dung lượng thị trường nhìn từ xe máy - ô tô

Nói đến điển hình thành công của chuỗi cung ứng trong nước hiện nay các chuyên gia đều nhìn nhận đó là ngành công nghiệp sản xuất xe máy. Để đạt được tỷ lệ nội địa hóa linh phụ kiện cao lên đến khoảng 90% trong nhiều năm qua nhờ đây là phương tiện đi lại chính yếu của đại đa số người dân trong cả nước.

Được đánh giá là một thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, hơn 20 năm qua, các hãng xe gắn máy tên tuổi hàng đầu thế giới đã không ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất để giành thị phần.

Đáng chú ý, trong 10 năm trở lại đây thị trường gần 100 triệu dân này mỗi năm tiêu thụ trên dưới 3 triệu xe được xem là sản lượng dễ đạt được hiệu quả do sản xuất hàng loạt mang lại. Nhờ đó khi thực hiện nội địa hóa theo giới phân tích không khó phát triển chuỗi cung ứng với sự chuyên môn hóa và chuyên nghiệp ở mỗi khâu.

Đáng chú ý, thị trường này hiện nay chủ yếu lại rơi vào tay của 5 ông lớn trong ngành sản xuất xe hai bánh có động cơ trên thế giới gồm Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, và SYM. Nhờ đó mà việc phát triển sản phẩm và nội địa hóa linh phụ kiện của những doanh nghiệp này cũng được đánh giá là khá thuận lợi.

Do đó giới phân tích cho rằng chuỗi cung ứng này hình thành là do nhu cầu và thuận lợi của thị trường mang lại, không đòi hỏi phải có một chính sách nào gọi là phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa, sản phẩm xe máy lắp ráp và sản xuất ở Việt Nam nhờ có tỷ lệ nội địa hóa cao với nhiều lợi thế cạnh tranh mà các hãng như Honda, Piaggio,… còn đưa Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm sản xuất cung ứng xe máy và linh phụ kiện cho nhiều thị trường trong khu vực và thế giới.

Số nhà cung ứng thuần Việt tham gia trong chuỗi cung ứng sản xuất ô tô là rất ít với giá trị rất thấp. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong khi đó, đối với ngành ô tô thì điều kiện phát triển lại trái lại. Theo các chuyên gia trong ngành, để đầu tư một dây chuyền sản xuất ô tô đạt hiệu quả thì dung lượng thị trường cần phải đạt đến 100.000 xe/năm.

Thế nhưng tổng thị trường hiện chỉ đạt khoảng 400.000-500.000 xe/năm, nhưng có đến hàng chục chủng loại xe được lắp ráp, thì hoạt động sản xuất linh kiện có sản lượng tối đa vài chục ngàn chiếc mỗi năm khó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.

Do vậy trong khi một chiếc ô tô có đến khoảng 30.000 linh kiện, nhưng hiện sản xuất trong nước chỉ cung cấp vài trăm linh kiện và chủ yếu là của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cung cấp. Số doanh nghiệp thuần Việt tham gia rất ít với giá trị rất thấp.

Cụ thể đến năm 2019, đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa bình quân mới đạt 7-10% (trừ dòng xe Innova của Toyota đạt 37%). Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: Săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc- quy, sản phẩm nhựa… và chưa làm chủ được các các công nghệ cốt lõi như: động cơ, hệ thống điều khiển, truyền động,..

Đơn cử một hãng dẫn đầu thị trường ô tô trong nước với khoảng 25 năm phát triển ở Việt Nam là hãng Toyota mà cũng chỉ có khoảng 40 nhà cung cấp tại chỗ, trong đó doanh nghiệp nội địa chưa tới 10 và chủ yếu cung cấp những linh kiện đơn giản. Liên doanh đến từ Nhật Bản này cho biết khi chọn nhà cung cấp, Toyota không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, chỉ cần đáp ứng yêu cầu chất lượng thì sẽ được chọn.

Tuy nhiên trên thực tế, hiện chủ yếu là những doanh nghiệp nước ngoài có quá trình cung cấp phụ tùng, linh kiện cho Toyota ở các nước khác theo Toyota vào Việt Nam.

Lý giải điều này Toyota Việt Nam cho rằng nguyên nhân không chỉ ở vấn đề công nghệ mà còn ở sản lượng. Do tăng trưởng sản lượng thấp nên khó phát triển nhà cung cấp, khó nội địa hóa.

Do đó gần 20 năm nay, nhiều phương án đã được đề ra để hỗ trợ công nghiệp ô tô tăng tỷ lệ nội địa hóa nhưng công nghiệp này vẫn èo uột, tỷ lệ nội địa mới chỉ vài phần trăm, cách xa mục tiêu hơn 40% và xe nhập ngày càng chiếm lấn thị trường.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách thúc đẩy thị trường cũng như có hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp này nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng không thể có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất hay các chính sách thu hút và hỗ trợ nào khác có thể bù đắp được chi phí đầu tư về thiết bị, nhân lực và hệ thống quản lý đòi hỏi cao hơn nhiều so với sản xuất các loại linh kiện xe 2 bánh.

Chính vì vậy, đến giờ, chưa có công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô ở Việt Nam, ngoài một số ít linh kiện đã tham gia chuỗi cung ứng quốc tế.

Công nghiệp ô tô có tỷ lệ nội địa hóa thấp. Ảnh minh họa: Website Toyota Việt Nam

Yếu vốn và yếu cả…

Không chỉ ngành ô tô mà cả ngành điện tử và nhiều ngành khác cũng rất khó tìm được nhà cung cấp tại chỗ để đưa vào chuỗi cung ứng trực tiếp.

Đơn cử như sản phẩm điện thoại và linh kiện kim ngạch xuất khẩu những năm qua đạt hàng chục tỉ đô la mỗi năm, nhưng phụ thuộc chủ yếu vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài hoặc các công ty vệ tinh đi theo những tập đoàn công nghệ này.

Mặt khác, một khó khăn để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước theo giới phân tích là thiếu nguyên vật liệu. Bởi lẽ trừ nông nghiệp thì hầu hết sản phẩm, nếu có nhu cầu sản xuất tại Việt Nam, vẫn lệ thuộc nguồn cung ứng bên ngoài.

Một khảo sát về tình hình hoạt động năm 2019 của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) thực hiện cho thấy Việt Nam thiếu các nhà cung cấp tiềm năng có năng lực cạnh tranh. Tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam chỉ đạt mức 36,3%, không thay đổi so với khảo sát của năm trước đó, trong đó tỷ lệ thu mua từ doanh nghiệp địa phương chỉ là 13,6%.

Các chuyên gia cho rằng trong khi doanh nghiệp nước ngoài vẫn sử dụng nhà cung ứng trong “chuỗi” của họ vì chất lượng ổn định, giá cạnh tranh, thì năng lực của các nhà cung cấp trong nước vẫn kém, cả về thiết bị công nghệ lẫn nguồn nhân lực, hệ thống quản trị, hệ thống kiểm soát.

Thời gian qua, các hoạt động triển lãm - hội chợ kết nối cung-cầu cũng đã phần nào giúp các nhà sản xuất tìm được những nhà cung cấp tiềm năng, dù là số lượng không nhiều và các nhà cung cấp vẫn bị đòi hỏi phải cải thiện hơn nữa về nhiều mặt. JETRO tại TPHCM là một đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc này để hỗ trợ các nhà sản xuất của Nhật tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của JETRO, hầu hết doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đều thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị và việc tiếp cận vốn tại các tổ chức tín dụng đối với họ là vô cùng khó khăn.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đều có quy mô nhỏ hoặc vừa, chưa có đủ nguồn lực để đầu tư quy mô lớn, xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thiếu kết nối, thiếu cơ chế phối hợp.

Ngay cả lĩnh vực may mặc được cho là có nhiều thế mạnh của Việt Nam trên thị trường thế giới. Thế nhưng để đầu tư phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành này cũng vô cùng khó khăn vì phần lớn vốn doanh nghiệp trong nước “mỏng”, ít có khả năng đầu tư.

Để sản xuất được các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản phẩm công nghệ cao, ngoài công nghệ và máy móc thiết bị, doanh nghiệp còn cần có nguồn nhân lực chất lượng cao cùng sự hỗ trợ về chính sách. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, Phó chủ tịch Vitas khẳng định, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho ngành dệt may vào thị trường khu vực EU vì khu vực này sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Nhưng để hưởng ưu đã thuế của EVFTA, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn từ vải trở đi cho tới cắt, may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc vải mua từ các thị trường có FTA với EU. Trong khi vải sản xuất trong nước mới đủ đáp ứng 25-30% nhu cầu.

Để đầu tư làm vải lại không dễ dàng. Theo Vitas, suất đầu tư cho 1 nhà máy sản xuất vải quy mô khoảng 10 triệu mét/năm cần khoảng 30 triệu đô la Mỹ (gần 700 tỉ đồng).

“Với hiện trạng ngành dệt may hiện tại, trong tổng số 8.450 doanh nghiệp, có tới 85% số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 50 tỉ đồng, trên 50 tỉ chiếm 15%, trong đó trên 500 tỉ chỉ chiếm 3%. Chúng ta chưa đủ nguồn lực làm nguyên liệu, mà đầu tư rồi chưa chắc có thị trường tiêu thụ chắc chắn do chưa vào được chuỗi”, ông Trường nêu khó khăn.

Một doanh nghiệp nội địa đang là nhà cung cấp cho Samsung Việt Nam cho rằng để sản xuất được các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản phẩm công nghệ cao, ngoài công nghệ và máy móc thiết bị, doanh nghiệp còn cần có nguồn nhân lực chất lượng cao cùng sự hỗ trợ của Nhà nước về thuế, về tiếp cận nguồn vốn...

“Phải hội đủ các yếu tố này, doanh nghiệp mới giảm được giá thành, tạo ra sản phẩm có chất lượng phù hợp với yêu cầu của nhà đặt hàng”, chủ doanh nghiệp này chia sẻ.

Đa số doanh nghiệp trong nước có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, phù hợp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhưng rất tiếc lâu nay doanh nghiệp thiếu thông tin, thiếu nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, lúng túng về khâu tiêu thụ sản phẩm... Sự kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp còn rời rạc và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cảm thấy hụt hẫng trong cuộc chơi.

Đáng chú ý các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài ít cam kết đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong nhiều khâu để có thể sử dụng sản phẩm của họ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới