Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp hỗ trợ: Tìm cách thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thông tin TPHCM chuẩn bị hơn 300 héc ta đất phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp. Vấn đề là thành phố nên tạo điều kiện như thế nào để có thể thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) này.

Doanh nghiệp Việt Nam tìm cơ hội hợp tác nơi các đại diện nhà sản xuất nước ngoài dự Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2021 ở TPHCM hôm 24-11 vừa qua. Ảnh: Lê Hoàng

Một khu công nghiệp chuyên biệt là cần thiết

Theo TS. Dương Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM (HAME), nhiều năm nay, TPHCM đã đi theo chiến lược phát triển công nghiệp và hỗ trợ phát triển ngành này, tập trung vào bốn lĩnh vực công nghiệp mà thành phố có thế mạnh phát triển. Vì vậy theo ông Tâm, rất cần thiết hình thành một khu công nghiệp cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nơi đây sẽ giữ vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy chuyển đổi kinh tế thành phố, hỗ trợ nền sản xuất công nghiệp hướng đến ứng dụng công nghệ cao và sáng tạo.

Ông Tâm đề nghị tập trung phát triển ngành cơ khí chế tạo và kiến nghị thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần dần làm chủ một số công nghiệp nền cho đa số sản phẩm, như khuôn mẫu, chế tạo chip công nghiệp, cảm biến… vốn cần nhiều tiền đầu tư và cũng nhiều rủi ro. “Qua đại dịch, chúng ta nhận diện được rất nhiều lỗ hổng, làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Với nỗ lực (của doanh nghiệp và nhà nước) thì chúng ta có thể “vá víu” những lỗ hổng này và giảm bớt tình trạng lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài”, ông Tâm nói.

TS. Trương Thị Chí Bình, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương), chia sẻ khu CNHT là khu vực tập trung các doanh nghiệp cung ứng. Mô hình này rất phát triển ở Nhật Bản với khoảng 200 khu công nghiệp. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đầu tư các khu như vậy ở Malaysia và Thái Lan.

Điểm khác biệt của các khu công nghiệp này so với các khu công nghiệp thông thường ở việc các doanh nghiệp đầu tư vào đây hầu hết đều hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và cung ứng linh kiện, phụ kiện cho các ngành chế tạo. Do các doanh nghiệp này đều có quy mô nhỏ, để khuyến khích đầu tư sản xuất, hạ tầng tại các khu CNHT được cung cấp một cách đặc biệt, bao gồm nhà xưởng theo yêu cầu, cung cấp điện nước và đầu vào hoàn chỉnh trong công trình, hệ thống xử lý môi trường và các dịch vụ mềm khác, nhưng với chi phí hợp lý nhất.

Bà Chí Bình cũng là Phó chủ tịch - Tổng thư ký của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho rằng không giống như các khu công nghiệp thông thường, khu CNHT thường được phát triển theo kiểu cụm liên kết ngành. Các doanh nghiệp trong khu có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của một sản phẩm/cụm linh kiện, từ khâu cung cấp nguyên liệu cho đến việc lắp ráp thành cụm chi tiết và giao cho nhà lắp ráp.

Do đó, một khu CNHT như vậy sẽ bao gồm không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, mà còn có thể bao gồm cả các nhà cung cấp nguyên liệu thô, các nhà thầu phụ gia công một phần công nghệ của sản phẩm, các doanh nghiệp cung cấp máy móc... Ngoài ra, còn có các tổ chức hỗ trợ kiểm định chất lượng, thương mại và logistics, các công ty tư vấn về quản trị và năng suất chất lượng, ngân hàng và các nhà cung cấp các dịch vụ khác…

Nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và chính phủ

Theo bà Bình, việc tham gia vào khu CNHT sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tăng năng suất và giảm chi phí trung gian. Doanh nghiệp trong các khu này có khả năng tiếp cận các yếu tố đầu vào, thông tin, công nghệ, nguồn nhân lực và nhà cung cấp dễ dàng hơn, có được các hỗ trợ tốt hơn do mức độ tập trung và sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt hơn từ phía Chính phủ và thụ hưởng các dịch vụ do hiệu quả tập trung của nhu cầu.

Ngoài ra, trong một môi trường nhiều cạnh tranh trong nội khu, các doanh nghiệp sẽ phải liên tục cải tiến công nghệ, sản phẩm, gia tăng chất lượng và năng lực sản xuất cũng như xem các hoạt động học hỏi, sáng tạo đổi mới là một động lực giúp gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, doanh nghiệp còn có nhiều cơ hội được tiếp cận công nghệ mới hay nhận chuyển giao công nghệ nhờ vào sự liên kết và trao đổi với các tổ chức nghiên cứu chuyển giao, các trường đại học.

Sự tập trung cao của nhu cầu các doanh nghiệp luôn tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp mới thành lập. Các công ty đầu chuỗi hoặc lớp trên trong chuỗi cung ứng có xu hướng chọn các nhà cung cấp trong khu CNHT để hạn chế rủi ro cũng như tăng cường khả năng kiểm soát đầu vào. Mức độ tập trung các doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc phát hiện ra các công đoạn sản xuất nào cần đầu tư mới, sự gia tăng các nhu cầu về dịch vụ, các sản phẩm trung gian, thông tin... Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường.

Các cơ quan hỗ trợ của Chính phủ cũng như các công ty dịch vụ, việc tập trung các doanh nghiệp chế tạo trong một khu vực tạo ra nhiều thuận lợi trong việc khảo sát, đánh giá, nắm bắt nhu cầu và cung cấp các dịch vụ phù hợp. Đây cũng là khu vực tốt để các nhà hoạch định chính sách tiếp cận doanh nghiệp và kịp thời có các điều chỉnh chính sách và chương trình hỗ trợ ngay trong khi đang thực hiện.

Để doanh nghiệp vào hoạt động!

Theo bà Chí Bình, TPHCM cần cân nhắc các điểm ưu, tiên như giá cho thuê đất, đối tượng thu hút đầu tư và các dịch vụ cần cung ứng của khu CNHT này.

Thực tế cho thấy với mức giá thuê đất trong khu công nghiệp hiện nay ở TPHCM, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao rất khó có thể tiếp cận mặt bằng sản xuất. Do đó, theo bà Bình, thành phố cần xác định ưu tiên đầu tiên là giá thuê mặt bằng phải hấp dẫn, diện tích thuê phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, thành phố cần xác định rõ đối tượng ưu tiên thu hút đầu tư. Đáng chú ý, cụm từ “ứng dụng công nghệ cao” cần được xác định cụ thể, và phù hợp với thực tiễn về năng lực và trình độ của doanh nghiệp thuần Việt trên cả nước. “Cụm từ này nên được hiểu như là khu CNHT sẽ ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tại đây, hơn là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong khu là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, bà Bình lưu ý.

Còn theo ông Dương Minh Tâm ở HAME, TPHCM cần tăng cường hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu thiết kế. Ông đề nghị thành phố đẩy mạnh và đi đầu trong kết nối quan trọng này. Bên cạnh sự ưu đãi tài chính, các doanh nghiệp còn cần được hỗ trợ nhiều hơn trong việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm, có đơn đặt hàng ổn định. Do vậy, ông Tâm kiến nghị khu CNHT cần có nhà triển lãm, khu tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến thương mại với nước ngoài thường xuyên. Cũng theo ông, cần có chính sách cho các doanh nghiệp khởi nghiệp không đủ vốn xây nhà xưởng riêng, mua sắm thiết bị... có thể vào nhà xưởng cho thuê lập nghiệp và dùng chung thiết bị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới